Chọn nhân sự - Lựa nhân tài

Quy định rõ tính chịu trách nhiệm khi lựa chọn nhân sự

- Thứ Sáu, 14/08/2020, 05:05 - Chia sẻ

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau)

Những quy định về công tác nhân sự hiện nay đã hoàn thiện với những điểm mới, chặt chẽ đầy đủ hơn, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn. Nhưng nhìn vào quy định về tiêu chuẩn với cán bộ quản lý lãnh đạo vẫn thấy khó chọn được cán bộ là người thực sự có năng lực vượt trội, xứng đáng để bổ nhiệm vào vị trí, chức danh cụ thể.

Muốn mùa màng tốt phải dự trữ hạt giống

Các tiêu chí về quy hoạch, về độ tuổi cho các ứng cử viên, ở góc độ nào đó, giúp cho việc xác lập sơ bộ trước được nguồn nhân sự cụ thể. Nhưng, ở góc độ khác, điều này cũng cản trở việc lựa chọn những ứng cử viên có đức, tài khác. Nếu không dỡ bỏ những quy định đó, nhân tài đích thực sẽ khó xuất hiện. Nếu có, thì chẳng qua là nằm trong số ngẫu nhiên đã quy hoạch, khoanh vùng từ trước mà thôi.

Nguyên lý cơ bản khi xây dựng quy hoạch cán bộ, được chỉ ra trong một số văn bản hướng dẫn là phải bảo đảm “vừa có tĩnh, vừa có động”. Nhưng theo tôi, đây chỉ là một kênh tham khảo, không bắt buộc phải là nguồn duy nhất khi chính thức lựa chọn. Mỗi cá nhân được đưa vào nguồn quy hoạch cán bộ tất nhiên phải trải qua quá trình sàng lọc rất kỹ, bảo đảm thực sự là một dự nguồn nhân sự có chất lượng. Điều này cũng giống như lẽ tự nhiên “muốn mùa màng tốt phải dự trữ hạt giống”. Hạt giống phải được lựa chọn dựa trên tiêu chí có sự vượt trội so với các hạt khác hay không? Tệ trạng “tứ ệ” không thể là cách thức lành mạnh để hình thành nguồn cán bộ cho Đảng và Nhà nước. Trái lại, đó là thứ dịch bệnh cần được tiễu trừ triệt để mới có thể làm cho cơ thể chính trị - pháp lý của Đảng, Nhà nước ngày càng khỏe mạnh, vững chắc.

Về quy định độ tuổi cũng vậy. Trong lịch sử nước ta, thánh tướng Lý Thường Kiệt ở tuổi 83 vẫn xung trận, đánh đâu thắng đó, đuổi giặc Tống chạy sâu vào lãnh thổ lân bang. Thời nay, Đảng ta có ông Đỗ Mười được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương lúc 59 tuổi; ông Lê Khả Phiêu lần đầu tiên vào Ban Chấp hành Trung ương khi 60 tuổi. Nếu hạn chế độ tuổi nhân sự như hiện nay, thì làm sao Đảng có được hai vị Tổng Bí thư và mỗi vị có vai trò nhất định trong một giai đoạn lịch sử cụ thể của Đảng như vậy được?

Từ cổ chí kim chẳng có quy định nào ghi rằng đến 60 tuổi là không đủ tài năng để làm lãnh đạo, quản lý nữa. Đây là điều khác biệt giữa tuổi của nhân tài và tuổi của người lao động bình thường. 

Cần lượng hóa cụ thể

Những quy định về công tác nhân sự hiện nay đã hoàn thiện với những điểm mới, chặt chẽ đầy đủ hơn, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn. Nhưng nhìn vào quy định về tiêu chuẩn với cán bộ quản lý, lãnh đạo vẫn thấy khó chọn được cán bộ là người thực sự có năng lực vượt trội, xứng đáng để bổ nhiệm vào vị trí, chức danh cụ thể. Theo tôi việc khắc phục những hạn chế trong quy trình, thủ tục bổ nhiệm cán bộ không phải là công việc quá khó khi triển khai thực hiện. Đặc biệt, quy định về tiêu chí lựa chọn cán bộ cho từng chức vụ còn chung chung, nặng định tính, chưa được lượng hóa cụ thể.

Tiêu chí đối với mỗi chức danh lãnh đạo cần được lượng hóa đến mức có thể hình dung ra một con người “bằng xương bằng thịt”, có trí tuệ, có năng lực lãnh đạo, khả năng đề xuất chính sách, đạo đức công vụ… Có như vậy mới không còn xảy ra tình trạng “người thân”, “cánh hẩu” nhận được sự tín nhiệm cao, được tập thể đồng thuận đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo nào đó, song thực tế không có thiên tư vượt trội, không có thành tích đáng kể, thậm chí phát ngôn ngây ngô, khiến dư luận xã hội xôn xao thời gian qua.

Không khó để đưa ra lời giải nhằm khắc phục tình trạng quy trình lựa chọn nhân sự tưởng như qua nhiều bước sẽ chọn lọc được cán bộ xứng đáng, song, vẫn để lọt những cá nhân “đúng quy trình”, nhưng lại không đủ năng lực, phẩm chất để đảm đương nhiệm vụ được giao. Muốn khắc phục được tình trạng ấy, cần chú trọng đến nhiều giải pháp.

Trước hết, cần quy định rõ ràng tính chịu trách nhiệm khi lựa chọn nhân sự, thông qua chế tài nghiêm khắc với hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn để cất nhắc, đề bạt cá nhân không đáp ứng đủ tiêu chuẩn vào một chức danh lãnh đạo. Bộ luật Hình sự cần được xem xét để tiếp tục sửa đổi, bổ sung chế định khung hình phạt với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong bổ nhiệm cán bộ. Nếu chế định được khung hình phạt nghiêm khắc với tội danh có tính chất “bảo kê nhân sự”, “biến quạ thành công”, “dối Đảng, lừa Dân đủ muôn nghìn kế” trong công tác nhân sự sẽ khiến họ chùn bước trước sự cám dỗ từ những hành vi sai phạm này, qua đó tạo cơ sở lựa chọn người tài đức vào bộ máy. Cùng với đó, cũng cần có quy định về trọng thưởng với việc tiến cử, lựa chọn người có tài thực sự.

Để bảo đảm tính chịu trách nhiệm khi lựa chọn nhân sự cũng cần duy danh, định nghĩa được trách nhiệm của cá nhân trong quá trình này. Thậm chí, phiếu bầu có thể thiết kế thành hai phần: phần phiếu và phần cuống phiếu, có đóng dấu của cơ quan cấp ủy và văn phòng cấp ủy. Sau khi kiểm phiếu xong, thì phiếu bầu lưu ở cơ quan, tổ chức, còn cuống phiếu lưu ở Ủy ban kiểm tra. Khi phát hiện nhân sự gian dối, không xứng đáng, vi phạm pháp luật thì truy cứu bằng cách hoàn phiếu lại. Làm được như vậy, thì trách nhiệm của mọi cá nhân trong tập thể đều minh bạch như ánh sáng.

Thứ hai, cần tham khảo quy trình tranh cử của cha ông ta (bao gồm tiến cử, bảo cử, khoa cử), đồng thời, đưa ra quy định điều chỉnh từng hoạt động trong quy trình này thật tường minh và công khai. Tất nhiên, quy trình lựa chọn dù bảo cử, tiến cử, khoa cử đều phải có sự thẩm định chặt chẽ. Bộ máy tham mưu, cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm thẩm định theo nhiệm vụ được giao, có biên bản xác định chất lượng thẩm định. Cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm từng cá nhân trong quá trình thẩm định.

Thứ ba, cần bảo đảm công khai, minh bạch trong tuyển dụng cán bộ thông qua tổ chức thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo và với những môn thi chỉ người có năng lực, trí tuệ thực sự mới làm được. Đề bài đưa ra cần thoát ly khỏi giáo trình, kiến thức sẵn có, đi vào cuộc sống và đòi hỏi phải động não thực sự, để xác định các giải pháp, chính sách hữu hiệu. Cách thức tuyển chọn nhân sự vào chức danh lãnh đạo như vậy sẽ khiến người bất tài vô dụng tự thấy không thể mơ tưởng thi dự tuyển làm lãnh đạo, từ đó yên tâm làm công nhân, viên chức, chuyên viên. Chỉ khi đó, những cá nhân thực sự có năng lực vượt trội về trí tuệ, tầm nhìn mới dám ứng thi.

Thanh Hải ghi