Bầu, phê chuẩn các chức danh HĐND cấp huyện, xã sau đại hội Đảng bộ

Quy định rõ cơ quan tham mưu và trình tự thực hiện

- Thứ Hai, 07/09/2020, 07:22 - Chia sẻ
Hiện nay, đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở ở nhiều nơi đã diễn ra thành công tốt đẹp, nhiều địa phương, HĐND đã tiến hành kiện toàn các chức danh của chính quyền sau đại hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy trình vẫn còn một số vướng mắc khiến nhiều địa phương lúng túng.

Khó khăn trong chuẩn bị do bố trí tham mưu

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã chỉ rõ ở cấp huyện Phó trưởng Ban HĐND chuyên trách, Trưởng ban HĐND có thể hoạt động chuyên trách. Song thực tế việc bố trí biên chế cho các Ban HĐND còn nhiều bất cập. Thậm chí, đến thời điểm này, có địa phương không còn đại biểu HĐND cấp huyện ở các Ban HĐND chuyên trách nữa. Luật cũng xác định Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện tham mưu, phục vụ hoạt động của HĐND, song có nơi do có đại biểu ở các Ban HĐND chuyên trách nên nhiệm vụ tham mưu giúp việc của Văn phòng HĐND và UBND chuyển sang khoán trắng cho các Phó Ban HĐND với lý do các ban ít việc.

HĐND phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh kiện toàn các chức danh của HĐND, UBND sau Đại hội Đảng bộ phường
Ảnh: Bình Nguyên

Việc chưa xác định rõ vai trò, vị trí và trách nhiệm dẫn đến mặc dù Luật có những đổi mới đối với hoạt động của cơ quan dân cử song hiệu quả mang lại trong thực tiễn chẳng được là bao. Thậm chí, vai trò của các ban được đề cao khi có đại biểu hoạt động chuyên trách thì hoạt động của Thường trực HĐND có phần chùng xuống, đặc biệt là trong giám sát chuyên đề, nhất là nơi Văn phòng HĐND và UBND không bố trí 1 chuyên viên giúp việc cho HĐND như quy định. Từ đó, vấn đề tham mưu để kiện toàn các chức danh của chính quyền cũng vấp phải những khó khăn.

Ở cấp xã, việc tham mưu cho HĐND để thực hiện nhiệm vụ kiện toàn các chức danh của chính quyền do Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách thực hiện. Sau khi họp xong, nhân sự của UBND thì UBND làm thủ tục trình phê chuẩn, của HĐND thì Thường trực HĐND trình phê chuẩn. Ở cấp huyện, việc phân công nhiệm vụ để chuẩn bị có những cách làm khác nhau. Có địa phương, do UBND giao Phòng Nội vụ tham mưu nhưng cũng có địa phương nhân sự của UBND do Phòng Nội vụ tham mưu, nhân sự của HĐND thì khoán trắng cho chuyên viên giúp việc HĐND hoặc các Phó ban HĐND chuyên trách tham mưu. Nếu sự phối hợp thiếu nhịp nhàng dễ dẫn đến mỗi bên làm một kiểu, chưa tính đến kịch bản điều hành bầu cử nếu không thống nhất thì rất khó cho chủ tọa.

Khi hoàn thành kỳ họp, ai tham mưu thủ tục giúp Thường trực HĐND trình Thường trực HĐND và Chủ tịch UBND cấp trên phê chuẩn cũng là một khâu nhiều địa phương lúng túng. Có nơi do Phòng Nội vụ tham mưu chung nhưng cũng có nơi bên HĐND thì do đại biểu chuyên trách, chuyên viên giúp việc làm, còn UBND là do Phòng Nội vụ thực hiện.

Sự việc tưởng nhỏ nhưng nếu không có quy định rõ và phối hợp chặt dễ dẫn tới bất cập. Đã có tình trạng chuyên viên giúp việc HĐND chưa hiểu kỹ quy định về mặt tổ chức nên tham mưu chưa đúng, dẫn đến sai sót phải điều chỉnh ngay giữa kỳ họp.

Trình tự chưa được quy định rõ ràng

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, việc miễn nhiệm, bãi nhiệm và bầu bổ sung Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện phải trình Thường trực HĐND tỉnh phê chuẩn. Thế nhưng trình tự miễn nhiệm, bãi nhiệm và bầu bổ sung các chức danh này ngoài Hướng dẫn số 1138/HD-UBTVQH13 thì chưa có một văn bản nào quy định rõ ràng các bước, hồ sơ. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 dành 2 điều để nói về việc bầu các chức danh của HĐND, UBND và từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm người giữ chức vụ do HĐND bầu. Trong đó, chỉ nêu các nội dung chính còn trình tự các bước để bầu, hồ sơ, thủ tục chưa quy định rõ.

Về nội dung trình phê chuẩn cũng như vậy. Có những địa phương đã ban hành hướng dẫn cụ thể hơn song số địa phương làm rõ nội dung này chưa nhiều và hầu như căn cứ Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25.1.2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND để vận dụng xây dựng trình tự thủ tục bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và phê chuẩn cho các chức danh của HĐND.

Tuy nhiên, quá trình áp dụng Nghị định số 08/2016/NĐ-CP cũng vấp phải một số lúng túng. Đơn cử như việc bầu ban kiểm phiếu, Điểm c, Khoản 2, Điều 11 của Nghị định quy định: HĐND bầu Ban kiểm phiếu bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết công khai theo giới thiệu của Chủ tịch HĐND. Trường hợp bầu Chủ tịch HĐND thì ai sẽ giới thiệu ban kiểm phiếu để HĐND biểu quyết?

Cần hướng dẫn cụ thể

Khắc phục các vướng mắc nêu trên, thiết nghĩ ở các địa phương nên thông nhất giao việc chủ trì tham mưu quy trình, thủ tục, hồ sơ cho cán bộ phụ trách công tác nội vụ (ở cấp xã) và phòng Nội vụ (ở cấp huyện) khi thực hiện kiện toàn các chức danh của chính quyền. Đối với các chức danh của HĐND, nếu không có quy định giao cho ngành nội vụ tham mưu thì cũng nên thống nhất bộ phận, cá nhân tham mưu phải phối hợp, tham khảo ý kiến ngành nội vụ để thẩm định hồ sơ, thủ tục, trình tự cho đúng trước khi trình Thường trực HĐND. Trước khi tổ chức kỳ họp, Thường trực HĐND cũng nên tổ chức họp để duyệt công tác chuẩn bị, nhất là kịch bản và hồ sơ, văn bản cho đầy đủ.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh của HĐND, hoặc có ủy quyền giao HĐND tỉnh hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Điều 83, 84, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đối với các chức danh của HĐND để dễ thực hiện trong thực tiễn. Đồng thời, xem xét có thực hiện Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11, ngày 2.4.2005 ban hành Quy chế hoạt động của HĐND nữa hay không để có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019.

Lê Hồng Hạnh, Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh