Thu hồi xe cũ nát

Quy định cụ thể - dễ xử lý

- Thứ Tư, 10/03/2021, 18:11 - Chia sẻ
Từ ngày 15.3 đến hết ngày 14.6.2021, Công an TP Hồ Chí Minh sẽ mở đợt cao điểm để kiểm tra, xử lý xe không bảo đảm kỹ thuật, xe cũ nát, xe tự chế. Đợt kiểm tra này nhằm góp phần xử lý vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, kiểm soát và xử lý ô nhiễm không khí.

Trong quá trình kiểm tra, Cảnh sát giao thông được dừng các phương tiện là xe mô tô, xe cơ giới ba bánh, xe cũ nát, xe tự chế để kiểm tra hành chính. Cảnh sát giao thông sẽ thực hiện kiểm soát bằng các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện các loại giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc tẩy xóa, sửa chữa, giả mạo...

Cách đây chưa lâu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải. Riêng đối với Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bộ yêu cầu đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải. Bên cạnh đó, thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát gây ô nhiễm môi trường.

Giai đoạn 2021 – 2030 loại bỏ 100% xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh không được tham gia giao thông. Ảnh: T.Đ

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước có gần 223.000 xe hết niên hạn sử dụng, gồm hơn 170.000 xe tải và gần 53.000 xe chở người. Riêng năm 2020, cả nước có gần 16.500 ô tô hết niên hạn sử dụng. Tuy nhiên, rất ít trường hợp chủ phương tiện chấp hành quy định nộp lại biển số và đăng ký xe. Tính đến hết năm 2019, Cục Cảnh sát giao thông chỉ thu hồi được biển số và đăng ký của hơn 14.000 phương tiện. Điều đó cho thấy, xe ô tô hết niên hạn bị thu hồi vẫn còn là con số rất khiêm tốn.

Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 nêu rõ những giải pháp. Đó là, thực hiện kiểm soát phát thải khí thải xe mô tô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, giám sát thực hiện kiểm định phương tiện. Xây dựng trung tâm thử nghiệm an toàn xe cơ giới theo hướng hiện đại; tiến hành thử nghiệm mức độ an toàn của các loại phương tiện ô tô. Kiên quyết loại bỏ xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh thuộc diện không được tham gia giao thông; gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong việc thực hiện.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước không quy định về niên hạn xe máy, mà kiểm soát xe máy cũ thông qua các hàng rào kỹ thuật về khí thải và quy định về mức phí bảo hiểm. Nếu xe máy không đạt tiêu chuẩn về khí thải, không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật và môi trường sẽ không được tham gia giao thông. Xe càng cũ càng phải mua bảo hiểm cao. Tuy vậy, ở nước ta, năm 2010, Thủ tướng đã ban hành đề án kiểm soát khí thải xe máy với phạm vi thực hiện tại các thành phố loại đặc biệt, loại 1 và loại 2 trên cả nước. Tiếc rằng, đến nay, vẫn chưa được triển khai được vì việc này làm phát sinh chi phí xã hội, thủ tục hành chính mà chưa được quy định trong Luật giao thông đường bộ năm 2008.

Không chỉ xử lý ô tô hết niên hạn gặp khó mà việc xử lý xe máy cũ nát còn gặp khó khăn hơn rất nhiều, bởi hiện nay xe máy chưa có quy định niên hạn sử dụng, chưa quy định phải kiểm soát khí thải. Do đó, để xác định thế nào là xe máy cũ nát cần có quy định cụ thể, chặt chẽ. Hơn nữa, xử lý xe máy liên quan đến quyền sở hữu tài sản, nên việc xử lý, trong đó thu hồi xe cũ nát là điều mà cơ quan chức năng phải tính toán kỹ lưỡng để có phương án xử lý phù hợp, thấu tình, đạt lý.

Nhằm bảo đảm hoạt động giao thông đường bộ an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả, thân thiện môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ngày 12.12.2020, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Chiến lược đặt ra mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 – 2030 loại bỏ 100% xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh không được tham gia giao thông; triển khai kiểm soát phát thải khí thải định kỳ đối với xe mô tô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông.

Việc thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường là giải pháp rất cần thiết hiện nay và được dư luận đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, khi nói đến phương tiện cũ nát phần đông là người có hoàn cảnh khó khăn sử dụng. Do đó, việc thu hồi phương tiện này sẽ tác động không nhỏ đến cuộc sống của một bộ phận người dân nên việc kiểm soát, xử lý các phương tiện phải có các quy định cụ thể. Cùng với đó, có cách tuyên truyền về những tác hại môi trường do phương tiện giao thông hết niên hạn sử dụng mang lại để người dân hiểu và đồng thuận, tránh gây ra những phản ứng xã hội không đáng có.

Hà An