Quốc hội với chống tham nhũng chính sách

- Thứ Sáu, 05/11/2021, 06:28 - Chia sẻ
Tại hội nghị triển khai kết luận của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh 2 yêu cầu. Thứ nhất, pháp luật phải kịp thời, phải cập nhật với đời sống kinh tế - xã hội, và do đó đòi hỏi tốc độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần nhanh hơn. Thứ hai, phải chống được lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng chính sách, pháp luật, đồng nghĩa với phải chống được việc cài cắm, trục lợi từ chính sách.

Hai yêu cầu xác đáng này đặt ra cho Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội những bài toán khó nhưng phải giải được và giải nhanh. Và lời giải có thể đến từ việc thay đổi cách tiếp cận, thay đổi cách làm, từ xây dựng luật, nghị quyết đến việc giám sát thực thi chính sách và pháp luật.

Trước hết, phải nói rằng, Quốc hội “quyết” về chính sách, nhưng bước xây dựng và soạn thảo các văn bản quy phạm là nhiệm vụ của cơ quan hành pháp, trực tiếp là Chính phủ và các bộ chuyên ngành. “Cài cắm” chính sách để có những lợi ích riêng cho các nhóm thường sẽ được “khéo léo” đưa vào trong tiến trình dự thảo. Vai trò nhận diện, phát hiện các “cài cắm” từ những Ủy ban chuyên môn của Quốc hội trong quá trình thẩm tra là đặc biệt quan trọng. Trong công việc này,  Quốc hội cũng như các Ủy ban chuyên môn không đơn độc mà có những “trợ thủ” hỗ trợ. Chất xám, năng lực chuyên môn đó có thể đến từ nguồn tham vấn ý kiến chuyên gia độc lập; tham vấn ý kiến từ các nhóm doanh nghiệp, tổ chức xã hội. 

“Trên thảm, dưới đinh”; “trên mở, dưới đóng” là thực tế được phản ánh lâu nay từ người dân, doanh nghiệp. Hai loại “đinh” phổ biến nhất là các quyền phân bổ nguồn lực (tạo ra xin - cho)  và các loại giấy phép được “cài” vào văn bản. Từ góc độ chuyên môn, phát hiện các loại “đinh” này không quá khó. Các chuyên gia độc lập, các doanh nghiệp có thể dễ dàng đánh giá tính hợp lý (cần thiết hay không cần thiết phải cấp phép); tính công bằng, “trong sáng” (có thể ưu ái nhóm này thay vì nhóm khác) của các loại giấy phép. Nếu trong quá trình thẩm tra, các Ủy ban của Quốc hội chủ động, tích cực, cầu thị mời các chuyên gia, hiệp hội tham vấn chuyên sâu thì các nhóm này có thể chỉ ra những nơi, những chỗ “có vấn đề” để ngăn chặn. Công nghệ số cung cấp cho Quốc hội công cụ cần thiết và dễ dàng tiếp cận các nhóm chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức xã hội mà không bị giới hạn về địa lý. Thông qua công cụ họp trực tuyến - vốn đã có sẵn khi Quốc hội “làm” Quốc hội điện tử, đại biểu Quốc hội và các Ủy ban có thể tiếp cận không hạn chế đến nguồn chất xám quý báu này. Như vậy, “lời giải” này đã có sẵn trong “túi” các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội.

Tính kịp thời, cập nhật của văn bản quy phạm là bài toán khó hơn, đòi hỏi nỗ lực và sự thay đổi lớn trong tư duy xây dựng chính sách. Trước thực tiễn thay đổi quá nhanh, đặc biệt là trong thời đại số hóa, các luật, đạo luật không nên tiếp cận theo cách xử lý vấn đề lớn; nhiều chính sách, nhiều vấn đề cùng lúc đặt ra và xử lý trong cùng một văn bản. Cần chấp nhận sửa nhanh, làm mới nhanh các vấn đề thay vì chờ đợi rà soát toàn diện, rồi mới đưa vào chương trình và tốn mất vài năm để kết thúc được một công việc lớn.

Cùng với đó, Quốc hội cần ưu tiên nhiều để xử lý các vấn đề chính sách trong các nghị quyết, tức đồng nghĩa cần “làm” nghị quyết nhiều hơn. Đơn cử, các thử nghiệm pháp lý - hay “sandbox”, để điều chỉnh tạm thời các vấn đề mới, chưa có tiền lệ, chưa có giải pháp chính sách - pháp lý rõ ràng có thể được ban hành trong nghị quyết. Nghị quyết sẽ rút ngắn được thời gian, tạo ra một “bước đệm” trong lúc chờ văn bản ở tầm mức quy phạm pháp luật, vốn yêu cầu quy trình, thủ tục xây dựng và ban hành kéo dài.

Thời đại số với tốc độ thay đổi chóng mặt của công nghệ, nhiều vấn đề rất mới không chỉ với Việt Nam mà với cả thế giới. Trước khi tiến tới đáp án đúng, “thử, và sai” - thông qua thử nghiệm pháp lý là cần thiết. Để đáp ứng yêu cầu người đứng đầu Quốc hội đặt ra, không thể không đổi mới tư duy và cách làm. Bài toán khó nhưng lời giải vẫn trong tầm tay của Quốc hội và các Ủy ban chuyên môn.

Nguyễn Quang Đồng - Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông