Tọa đàm cấp cao - Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021:

Quốc hội Việt Nam có đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam

- Chủ Nhật, 05/12/2021, 12:44 - Chia sẻ
Chia sẻ tại Tọa đàm cấp cao sáng nay, 5.12, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Francois Painchaud cho rằng, Việt Nam có cơ hội rất lớn nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi, như đầu tư vào tăng trưởng xanh, số hóa… Đặc biệt, Chính phủ phải hoạt động hiệu quả hơn, năng suất hơn.
Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Francois Painchaud chia sẻ tại tọa đàm
Nguồn: diendankinhte.brandx.com.vn

Thực tế cho thấy, “có sự thay đổi rất lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặt ra thách thức nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam. Hiện nay, mức độ tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu ở mức độ tương đương các nước khác nhưng chủ yếu mới ở các công đoạn gia công, lắp ráp, chưa mang lại nhiều giá trị gia tăng cao, ông  Francois Painchaud nêu vấn đề.  

Về hiệu suất lao động, các doanh nghiệp FDI rất năng suất nhưng các doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân năng suất còn thấp. Việt Nam vẫn đi sau các nước trong khu vực về vấn đề này. Khẳng định đây là những điểm cần làm rõ, ông Francois Painchaud khuyến nghị: “Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu và cần thực hiện khẩn trương hơn để phục hồi và bứt phá trong thời gian tới”.

Phân tích vấn đề từ góc độ tiêm chủng vaccine Covid-19, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Andrew Jeffries đánh giá, tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam tương đối nhanh so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, trước sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, cần tiếp tục đẩy nhanh độ bao phủ của vaccine. Đẩy nhanh quá trình sản xuất vaccine trong nước nhằm chủ động nguồn cung vaccine trong nước để thực hiện thành công chiến lược vaccine trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam bắt đầu triển khai phương án tiêm mũi thứ 3 cho người dân.

Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Andrew Jeffries chia sẻ tại tọa đàm
Nguồn: diendankinhte.brandx.com.vn

Cũng theo ông Andrew Jeffries, Việt Nam quản lý, kiểm soát tốt nợ công; có nhiều chính sách cho vay vốn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Thời gian tới, cần có những gói kích cầu kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, bên cạnh đó, cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về thuế. “Đầu tư cho cơ sở hạ tầng là rất quan trọng nhưng nhu cầu quá lớn, đòi hỏi chi tiêu nhiều”. Chỉ ra điều này, ông Andrew Jeffries khuyến nghị, cần tính toán, đánh giá đúng vấn đề cơ sở hạ tầng để có thể đem lại lợi nhuận cao; cùng với đó, cần có những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, mang tính xương sống, tạo động lực phát triển cho địa phương, mang lại lợi ích cho cả địa phương, nhà đầu tư và người dân. Đặc biệt, “trong đầu tư công, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, thúc đẩy cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công - tư”.

Chuyển đổi số là lĩnh vực rất quan trọng. Khẳng định điều này, ông Andrew Jeffries nêu rõ, cần thu hút đầu tư cho cơ sở hạ tầng cho chuyển đổi số, cùng với đó là các chính sách bổ trợ cho chuyển đổi số, như đào tạo nguồn nhân lực cũng cần phối hợp đồng bộ trong dài hạn.

Tham dự Diễn đàn từ điểm cầu Thụy Sĩ, nguyên Phó Thủ tướng Đức Philipp Rosler đánh giá, Việt Nam đang phục hồi kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng do Covid-19 gây ra, do đó cần tiếp tục tập trung vào thế mạnh của mình. “Quan trọng nhất là Việt Nam có khả năng sản xuất tuyệt vời, song, cần tập trung nâng cao năng lực công nghệ và đầu tư cho ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất”, ông Philipp Rosler nói.

Ông Philipp Rosler cũng cho biết, hiện có hai xu hướng chính mà nền kinh tế toàn cầu đang hướng đến là phát triển bền vững và số hóa. Bằng việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, chúng ta có thể sản xuất nhanh hơn, bền vững hơn; cần chú trọng nâng cấp chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ.

Về công nghệ, nguyên Phó Thủ tướng Đức cho rằng, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) và cộng đồng doanh nghiệp rất trẻ trung, năng động, sáng tạo, song, cần chú trọng phát triển sản phẩm công nghệ.

Nguyên Phó Thủ tướng Đức khẳng định, Quốc hội Việt Nam có đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. “Tôi có quen biết nhiều đại biểu Quốc hội của Việt Nam và thấy rằng các đại biểu Quốc hội Việt Nam luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp”. Chia sẻ điều này, nguyên Phó Thủ tướng Đức đặc biệt khuyến nghị và tin tưởng, Việt Nam luôn giữ tinh thần lạc quan. Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc trong phục hồi và phát triển kinh tế. Việt Nam có hệ thống pháp luật rất tốt. Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cũng luôn lắng nghe phản hồi từ cuộc sống để hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế - xã hội. Người Việt Nam cần cù, thông minh, có tinh thần vươn lên.

Cũng tại Tọa đàm cấp cao, Diễn đàn đã nghe ý kiến, khuyến nghị chính sách từ các diễn giả trong nước và quốc tế uy tín khác.

Thanh Chi