Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

Trực diện những vấn đề nội tại của đời sống kinh tế - xã hội

- Thứ Năm, 01/06/2023, 06:58 - Chia sẻ

Theo dõi ngày đầu tiên của phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại diện cơ quan dân cử nhiều địa phương đánh giá không khí phiên họp rất sôi nổi, tâm huyết. Các đại biểu thẳng thắn nhận diện đúng, trúng những vấn đề nội tại của nền kinh tế, được đông đảo cử tri cả nước quan tâm.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình BÙI ĐỨC HINH:
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội

Trực diện những vấn đề nội tại của đời sống kinh tế - xã hội

Theo dõi phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, có thể nhận thấy, dưới sự chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự vào cuộc chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của Quốc hội và điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế vĩ mô năm 2022 của nước ta tiếp tục ổn định, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là tiền đề, tạo cơ sở quan trọng cho việc mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra với sự kỳ vọng của cử tri, Nhân dân cả nước về những việc cần làm và phải làm khẩn trương hơn, quyết liệt hơn của hệ thống chính trị. Tôi đồng tình với đánh giá của nhiều ĐBQH rằng, đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường lao động sụt giảm, nhiều lao động mất việc làm và nguồn thu nhập chính ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và an sinh của người lao động. Tại thời điểm này, người dân và doanh nghiệp đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, việc nghiên cứu, triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, ứng phó với những rủi ro phi truyền thống hết sức cần thiết. Điều này cũng góp phần giảm tải cho các quỹ an sinh xã hội truyền thống như quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Từ thực tiễn của một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như Hòa Bình, chúng tôi nhận thấy: Việc nâng cao chất lượng giáo dục và trình độ dân trí vùng miền núi, dân tộc thiểu số rất cần thiết. Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đưa ra rất đúng về đổi mới giáo dục và phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa, xã hội. Nhưng quá trình triển khai thực hiện chưa tương xứng và chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhằm tạo điều kiện học tập, nâng cao chất lượng giáo dục và trình độ dân trí vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên TRẦN THỊ TUYẾT HƯƠNG:
Khơi thông “điểm nghẽn” trong thực thi công vụ

Trực diện những vấn đề nội tại của đời sống kinh tế - xã hội

Qua theo theo dõi ngày thứ nhất phiên thảo luận của Quốc hội ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, tôi đánh giá không khí diễn ra rất sôi nổi, trách nhiệm. Các đại biểu đã tham gia các ý kiến thẳng thắn, đúng và trúng những vấn đề đông đảo cử tri cả nước quan tâm. Nhìn vào những kết quả đạt được năm 2022, chúng ta có quyền tự hào vì đã vượt qua khó khăn thách thức, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục tăng trưởng cao so với khu vực và thế giới với 8,02%. Đối với những tháng đầu năm 2023, thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; ngành du lịch tiếp tục phục hồi. Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, quốc phòng an ninh được bảo đảm.

Tuy nhiên, cũng cần thắng thắn nhìn nhận bức tranh kinh tế - xã hội của nước ta vẫn còn nhiều mảng sáng - tối đan xen. Do đó, việc Quốc hội dành thời gian thỏa đáng, quy tụ trí tuệ tập thể để nhìn nhận, đánh giá và tìm ra các các giải pháp hữu hiệu nhằm tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế vĩ mô thời gian tới hết sức quan trọng. Từ thực tế của địa phương, tôi mong muốn Chính phủ sớm chỉ đạo, thực hiện ngay việc rà soát, làm rõ nguyên nhân, từ đó triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trong thời gian qua. Đồng thời, ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay những bất cập của cơ chế chính sách, những quy định hướng dẫn liên quan đến việc triển khai thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi việc”; “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”... Do đó, tại phiên thảo luận, tôi rất tâm đắc với ý kiến của nhiều ĐBQH thẳng thắn chỉ rõ hiện nay còn một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai… Do đó, thời gian tới các quy định pháp luật liên quan đến công chức, viên chức cần phải được bảo đảm đồng bộ, thống nhất, làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đặc biệt, cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu… Có như vậy, những “điểm nghẽn” trong thực thi công vụ mới được “khơi thông” và các nghị quyết của Đảng và Nhà nước mới thực sự đi vào cuộc sống.

Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hà Tĩnh PHẠM XUÂN PHÚ:
Ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay những bất cập về cơ chế chính sách

Trực diện những vấn đề nội tại của đời sống kinh tế - xã hội

Qua theo dõi phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước của Quốc hội, tôi đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, năng động, sáng tạo của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong thời gian qua. Một trong những thành tích nổi bật của những tháng đầu năm 2023 đó là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được quan tâm, quốc phòng, an ninh được tăng cường, chỉ số giá tiêu dùng CPI và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Dưới sự điều hành linh hoạt, khoa học của chủ tọa, các ĐBQH đã chỉ rõ nhiều bất cập, hạn chế cùng với những khó khăn, thách thức đất nước đang phải đối mặt. Một trong những bất cập được nhiều ĐBQH nêu và đông đảo cử tri quan tâm là những tháng đầu năm 2023, đó là tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 5,6%. Nhiều tỉnh, thành phố lớn tăng trưởng ở mức âm, số doanh nghiệp giải thể và phá sản tăng cao. Bên cạnh đó, rủi ro dịch bệnh, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện lớn; tình trạng cắt giảm lao động của doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức…

Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của các đại biểu là cần rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập Chính phủ đã nêu trong báo cáo trình Quốc hội. Cụ thể, ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay những bất cập của cơ chế chính sách, những quy định hướng dẫn liên quan đến việc triển khai thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia… Đồng thời, tích cực chỉ đạo, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình phòng cháy chữa cháy, phù hợp với thực tiễn…

Trần Tâm - Bách Hợp - Diệp Anh thực hiện