Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022

Triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa

- Thứ Sáu, 16/09/2022, 05:14 - Chia sẻ

Năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được thực hiện đồng bộ, thống nhất từ trung ương xuống địa phương; nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được xử lý nghiêm. Tuy vậy, tại Phiên họp thứ 15 sáng qua, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, tình hình tham nhũng vẫn chưa thuyên giảm, do đó cần tăng cường hơn nữa công tác "phòng", tích cực triển khai các biện pháp phòng, ngừa từ sớm, từ xa để có thể ngăn chặn ngay từ đầu, không phải chờ hành vi xảy ra rồi mới xử lý.

Xu thế không thể đảo ngược

Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm là nhận định được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 15. Theo đó, công tác phòng, chống tham nhũng luôn được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện rất quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khẳng định: “công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Những nỗ lực trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản cùng quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta cũng được quốc tế đánh giá rất cao. Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2021 của Việt Nam được đánh giá đạt 39/100 điểm, đứng thứ 87 trong số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ (tăng 3 điểm, 17 bậc so với năm 2020).

Thế nhưng, tham nhũng cũng đang ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, tình hình tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn rất nghiêm trọng, phức tạp. Trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán… Một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp diễn như: thông đồng, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế trong đấu thầu; lợi dụng chủ trương xã hội hóa tại các cơ sở y tế công để trục lợi; tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan…; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục; tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết thêm, theo số liệu của Chính phủ, năm 2022, cơ quan điều tra Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 637 vụ án, 1.366 bị can phạm tội về tham nhũng, tăng 107 vụ, 311 bị can so với cùng kỳ năm trước. Rõ ràng, chúng ta kiên quyết xử lý, xử lý mạnh như thế, nhưng tội phạm về tham nhũng vẫn gia tăng. Đây là do sự sơ hở trong quy định của pháp luật hay do công tác tổ chức thi hành pháp luật, do nhận thức của cán bộ còn coi thường pháp luật? Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Báo cáo của Chính phủ rất cần phân tích, đánh giá sâu sắc hơn vấn đề này để có định hướng và giải pháp khắc phục hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Hạn chế phát sinh "cơ hội" tham nhũng

Cho rằng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong phòng, chống tham nhũng phải tính đến đối tượng rất đặc thù, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, đối tượng ở đây chủ yếu là những cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ, quyền hạn. Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải được đầu tư theo hướng thực chất, hiệu quả hơn, tránh cùng cách thức tuyên truyền, phổ biến như với người dân thì không phù hợp. Ngoài ra cần tập trung định hướng dư luận xã hội, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tốt công tác công khai thông tin, nhất là thông tin về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị… để hạn chế phát sinh cơ hội tham nhũng.

Từ thực tế dù xử lý rất nghiêm, kiên quyết các vụ án tham nhũng lớn, nhưng tình hình tham nhũng vẫn chưa thuyên giảm, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, chúng ta cần đề cao hơn nữa công tác "phòng” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tích cực triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa đối với loại tội phạm này để có thể ngăn chặn ngay từ đầu, không phải chờ vi phạm rồi mới xử lý. Báo cáo của Chính phủ cũng cần chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, chú trọng phòng, chống tham nhũng trong chính các cơ quan có trách nhiệm phòng, chống tham nhũng.

Giải trình tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc rà soát các quy phạm pháp luật nhằm phát hiện sơ hở, bất cập và kịp thời khắc phục, nhất là trong các lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, phát hành trái phiếu, đấu thầu, đấu giá, mua sắm, quản lý tài chính công, sử dụng đất đai, quy hoạch… Qua đó, từng bước khép lỗ hổng, ngăn chặn vi phạm pháp luật, không để phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng năm 2022 tuy đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng đúng là vẫn còn hạn chế như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đã nêu. Cụ thể là, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thiếu tự giác chấp hành pháp luật, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Còn có trường hợp phóng viên, nhà báo thoái hóa, biến chất “tống tiền”, cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp, cán bộ nhà nước…

"Thanh tra Chính phủ đã chủ trì tổng kết Đề án tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021, đánh giá kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm; chỉ ra những hạn chế, khó khăn, nhất là các nguyên nhân cần khắc phục và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hiện, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ qua tổng kết để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng", Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết. 

Có thể thấy, năm 2022, phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh cũng đã được thành lập ở các địa phương. Nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được sửa đổi, ban hành mới đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở chính trị pháp lý đồng bộ, khả thi để phòng, chống tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn... Đây là những bước đi chắc chắn, hướng tới hoàn thiện khung thể chế để cán bộ không dám, không thể, không cần và không muốn tham nhũng.

Anh Thảo