Trí tuệ và bản lĩnh của đại biểu Quốc hội

- Thứ Ba, 06/09/2022, 06:03 - Chia sẻ

TS.BÙI NGỌC THANH - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra nhanh chóng và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là phải “tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”, thì tất yếu phải tiếp tục nâng cấp trình độ đại biểu Nhân dân lên một tầm cao mới.

Nhân rộng kiến thứcnâng tầm trí tuệ

Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Do đó, bất kỳ vấn đề gì, thuộc lĩnh vực nào cũng yêu cầu đại biểu phải có đóng góp ý kiến, phải có chính kiến (chứ không phải ngồi chờ, khi nào có việc nào đúng chuyên môn, nghiệp vụ của mình thì mới tham gia phát biểu).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Lâm Hiển

Các số liệu cơ cấu đại biểu theo trình độ học vấn (cấp độ được đào tạo) của đại biểu Quốc hội Khóa XV theo tổng hợp của Hội đồng Bầu cử quốc gia cho thấy: trên đại học có 392 đại biểu (78,56%), trong đó tiến sĩ là 144 đại biểu, thạc sĩ là 248 đại biểu; đại học có 106 đại biểu (21,24%); dưới đại học duy nhất chỉ có 1 đại biểu (0,2%). Về học hàm, có 12 giáo sư, 20 phó giáo sư. Khóa này có tới 181 đại biểu Quốc hội có kiến thức luật học (36,3%), cao hơn nhiều so với nhiều khóa trước.

Tuy nhiên các con số trên mới chỉ nói lên tiềm năng của Quốc hội, chưa nói lên đó là kết quả hay hiệu quả hoạt động. Vì tuyệt đại bộ phận các đại biểu chỉ được đào tạo, có kiến thức về một chuyên môn, thậm chí là một chuyên môn hẹp, rất hẹp; rất ít đại biểu có hai, ba chuyên môn. Trong khi đó, tất cả các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, khoa học, kỹ thuật, chính trị, xã hội... được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội thì đại biểu đều cần phải có ý kiến, đóng góp trí tuệ. Đây là một thách thức rất lớn đối với đại biểu, nhất là với 60% tổng số đại biểu mới tham gia Quốc hội lần đầu. Bởi vậy, nhanh chóng nghiên cứu nhân rộng sự hiểu biết sang các lĩnh vực chưa biết, chưa được đào tạo ở mỗi đại biểu là vô cùng cấp thiết.

Hoạt động ở Quốc hội cần có các khu vực kiến thức: pháp luật; kinh tế; văn hóa; xã hội; ngôn ngữ... Mỗi khu vực lại có rất nhiều ngành, lĩnh vực cụ thể. Đại biểu phải tự học, tự đào tạo theo phương thức: Học ngay từ những ngày đầu hoạt động Quốc hội; học quy trình, thủ tục các hoạt động của Quốc hội; biết kinh tế rồi thì học pháp luật; biết pháp luật rồi thì học các vấn đề xã hội, học các lĩnh vực kinh tế khác; học phương pháp tổng hợp kiến thức; học phương pháp diễn đạt; học cách thức đối thoại... Trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0, thời đại chuyển đổi số, lại phải nhanh chóng cập nhật thông tin, kiến thức mới cho kịp thời. Càng hiểu biết rộng càng tốt, càng có kiến thức chuyên sâu càng hay. Có như thế mới mong có đóng góp hữu ích, thiết thực cho Quốc hội.

Rèn luyện, phấn đấu nâng cao bản lĩnh

Đảng ta đang “xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”. Đại biểu Quốc hội là chính khách cũng thuộc đội ngũ cán bộ này.

Nội hàm cơ bản của bản lĩnh của cán bộ đã được Đảng ta khái quát thành “7 dám”: dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung. Bản lĩnh của đại biểu chi phối toàn bộ 5 tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội ở các cấp độ, phạm vi khác nhau.

Trong hoàn cảnh các thế lực thù địch liên tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta bằng đủ mọi thủ đoạn thâm độc, đặc biệt là thủ đoạn công phá nền tảng tư tưởng thì có bản lĩnh chính trị kiên trung sẽ giúp đại biểu vững vàng thực hiện tiêu chuẩn số 1 với hiệu quả cao nhất, đó là luôn luôn “Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đúng như lời Bác Hồ đã dạy “những người được cử vào Quốc hội phải luôn luôn cố gắng xứng đáng là người đầy tớ trung thành của đồng bào... hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”. Có bản lĩnh chính trị, đại biểu sẽ không bao giờ dao động, lung lay, nao núng, nghiêng ngả trước mọi luận điệu xuyên tạc trắng trợn hay những đòn tâm lý đường mật của các thế lực thù địch, và như thế sẽ không rơi vào tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - điều mà các thế lực thù địch, chống phá lúc nào cũng nôn nóng trông đợi ở chúng ta.

Có bản lĩnh thì đại biểu mới hun đúc, rèn luyện và giữ gìn được phẩm chất, đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư - điều mà Bác Hồ đặt ở vị trí hàng đầu của mỗi con người, mỗi đại biểu Nhân dân (tiêu chuẩn thứ hai). Có bản lĩnh thì người đại biểu mới có gan kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Cử tri coi thái độ phòng, chống tham nhũng là thước đo phẩm giá, đạo đức, nhân cách của người đại biểu của dân. Vì thế khi vận động bầu cử, cử tri mới hỏi ứng cử viên đại biểu Quốc hội rằng, đồng chí và gia đình có liên quan gì đến tham nhũng, tiêu cực không? Đồng chí có dám chắc rằng, bản thân và gia đình hoàn toàn trong sạch, không vướng vào tham nhũng, tiêu cực không?

Mặc dù Khoản 3, Điều 20 Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành đã quy định, “đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội”, nhưng trong số các đại biểu Quốc hội có đủ các cấp lãnh đạo của cả cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, nếu đại biểu không có dũng khí, thiếu bản lĩnh thì không dám phát biểu mặt trái của cơ quan, của các vị lãnh đạo cấp trên. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (thường là một trong 4 chức danh chủ chốt của cấp tỉnh: bí thư, phó bí thư thường trực, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND), nhưng không ít trường hợp trưởng đoàn đại biểu Quốc hội ở nhiều khóa không phát biểu chất vấn bộ trưởng, trưởng ngành hay các thành viên khác của Chính phủ vì sợ đụng chạm đến lợi ích của địa phương và vị thế của bản thân mình. Đáng buồn hơn nữa là, trong đoàn có đại biểu dám nói sự thật, chỉ ra những bất cập, những thiếu sót trong điều hành của hành pháp thì sau đó liền bị trưởng đoàn “có ý kiến”, có trường hợp không tồn tại được ở địa phương...! Những hiện tượng đó, dù là cá biệt cũng đều ảnh hưởng đến hoạt động của Quốc hội.

Bởi vậy, bản lĩnh là phẩm chất không thể thiếu ở mỗi đại biểu Nhân dân. Nhưng bản lĩnh không tự nhiên mà có. Muốn giữ vững và phát huy cao độ bản lĩnh thì người đại biểu Nhân dân phải thường xuyên phấn đấu không ngưng nghỉ, giữ gìn bản thân và gia đình trong sạch, đặc biệt là phải “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”; phải nhớ nằm lòng lời dạy của Bác Hồ “một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất thiết hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”

Đại biểu Quốc hội phải là người hoạt động thực tiễn

Trong 5 tiêu chuẩn của đại biểu, có rất nhiều yêu cầu cụ thể, trong đó có 3 yêu cầu rất quan trọng mang tính thời sự, đó là kinh nghiệm, uy tín tín nhiệm. Cụ thể là, đại biểu phải “có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội” (tiêu chuẩn 3) và “Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm” (tiêu chuẩn 4). Đây cũng là những yêu cầu đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng rất sớm (tháng 10.1947).

Trong đó, về kinh nghiệm, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cả Chương II - Mấy điều kinh nghiệm - với 6 nhóm kinh nghiệm cụ thể để dạy cán bộ, trong đó rất lưu ý kinh nghiệm “Chính sách đúng mà cách làm thì sai”. Về uy tín và tín nhiệm, trong Chương IV - Vấn đề cán bộ, Bác dạy các vị lãnh đạo, các nhà làm công tác tổ chức và cán bộ những yêu cầu rất cụ thể, rất thiết thực, đó là, “khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gụi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không”. Ứng vào việc lựa chọn đại biểu dân cử ngày nay, thì đó là bài học thực tiễn sống động, vô cùng sâu sắc.

Kinh nghiệm, không phải nói là có ngay, mà phải trải qua một thời gian hoạt động, làm việc đủ lớn, đủ dài mới tích lũy được. Uy tín, tín nhiệm, không chỉ phụ thuộc vào độ dài thời gian hoạt động mà còn phụ thuộc vào trí tuệ, năng lực, trình độ công tác, kết quả công việc, phải gắn chặt với phẩm chất, đạo đức, lối sống của mỗi người nói chung, mỗi đại biểu nói riêng. Nghĩa là khi đề cử, khi lựa chọn đại biểu là phải đánh giá được “quá khứ gần cho đến thực tại” chứ không chỉ nhìn vào hiện tại với bản sơ yếu lý lịch có nhiều chức vụ quan trọng, có đủ học hàm, học vị bậc cao. Câu hỏi, “đồng chí đã làm được những gì?” quan trọng hơn câu hỏi, “đồng chí đã đạt được những văn bằng gì?”.

Tiêu chuẩn 4 đối với đại biểu là, phải “Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm”. Cách viết tiêu chuẩn này là theo văn phong pháp luật, ngôn ngữ hiện đại, còn Bác đã viết và dạy cho cán bộ từ 75 năm về trước là “người đó có gần gụi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không”. Tuy nhiên, quan trọng là nội dung của lời dạy, nội hàm của tiêu chuẩn: người cán bộ, người đại biểu Nhân dân có sống cuộc sống của dân không? Có lo nỗi lo của dân không? Có trăn trở cái trăn trở của dân không? Và có làm tròn trách nhiệm phản ánh ý nguyện của dân đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không?

Đại biểu phải luôn nhớ rằng, cán bộ, đảng viên phải thật sự gắn bó với dân, phục vụ Nhân dân được Bác dạy từ trước Cách mạng tháng Tám cho đến khi để lại Di chúc, Người vẫn nhắc lại việc này. Đảng ta, trong tất cả các văn kiện Đại hội các khóa và trong tất cả các nghị quyết Trung ương đều nhấn đậm vấn đề then chốt này (vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp đặc biệt quan trọng). Bởi vì đây đó vẫn có hiện tượng “quan cách mạng”. Có lần, một tổ dân phố họp lấy ý kiến cử tri để đề cử ứng cử viên đại biểu dân cử, khi đề cử một nhân sự được coi là “sáng giá”, nhiều ý kiến tán thành ủng hộ, nhưng có ý kiến của một cử tri nói rằng, tôi không rõ ông ấy làm việc gì, nhưng gia đình ông ấy chưa bao giờ tham gia họp tổ dân phố, bản thân ông ấy cũng chưa bao giờ sinh hoạt chi bộ hai chiều; được biết ông ấy đi nhiều nước xa xôi Âu, Mỹ, nhưng hàng xóm, láng giềng liền kề, sát vách mà chưa khi nào ông ấy bước sang, chưa lúc nào chào ai một lời...! Quả là chuyện dễ mà không dễ. Sau khi trao đổi ý kiến qua lại, thì nhân sự này không đủ trên 50% số phiếu của cử tri. 

Được biết, khi xây dựng Luật Tổ chức Quốc hội, Bộ Chính trị đã cho ý kiến rất chặt chẽ từng tiêu chuẩn đại biểu và lưu ý đầy đủ đến tiêu chuẩn liên hệ chặt chẽ với Nhân dân... Một nhiệm kỳ 5 năm, thời gian không dài, đại biểu Quốc hội phải dốc lòng, dốc sức nâng tầm trí tuệ, trui rèn bản lĩnh, thực thi nghiêm túc trách nhiệm, nhiệm vụ theo luật định thì mới mong xứng đáng với vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, và với tư cách là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong cơ quan lập pháp.