Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc

“Trăn trở của tôi chung với trăn trở của bà con nhân dân”

- Thứ Tư, 07/06/2023, 06:00 - Chia sẻ

Hôm qua, lần đầu tiên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước sau nửa nhiệm kỳ nhận nhiệm vụ “tư lệnh” lĩnh vực dân tộc.

“Trăn trở của tôi chung với trăn trở của bà con nhân dân” -0
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Trong số 4 nhóm vấn đề đưa ra chất vấn Bộ trưởng Hầu A Lềnh chiều qua, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm liên quan đến trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030).

Và, trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều đại biểu đặt câu hỏi với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là chương trình mới, lần đầu tiên dành riêng cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với mục tiêu tăng cường đầu tư và tạo điều kiện để đồng bào phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế, nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển cùng đất nước.

Tuy nhiên, chính vì “mới” và “lần đầu tiên”, nên quá trình triển khai cũng không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc, nhất là khâu hoàn thiện các quy định, văn bản hướng dẫn để vận hành Chương trình. Mặc dù Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và cá nhân Bộ trưởng Hầu A Lềnh đã có rất nhiều nỗ lực, nhưng cũng phải đến năm 2022, Chương trình mới chính thức được triển khai trong thực tiễn, chậm so với mục tiêu và tiến độ đề ra. Chỉ rõ thực tế này, nhiều đại biểu cùng chung một câu hỏi: Đâu là nguyên nhân và giải pháp của Bộ trưởng để bảo đảm Chương trình được triển khai có hiệu quả trong thực tiễn, tránh lãng phí nguồn lực?

Thẳng thắn thừa nhận “tiến độ trong 3 năm qua đúng là chậm”, trong đó có “vấn đề về quy định, văn bản hướng dẫn và các vướng mắc nảy sinh cần tháo gỡ, sửa chữa” như đại biểu nêu, song đây chưa phải là khó khăn khiến Bộ trưởng “lo nhất”. Bởi, về văn bản hướng dẫn, như trả lời của Bộ trưởng, thì “cơ bản đã ban hành xong trong năm 2022”, chỉ còn 2 văn bản chưa ban hành (một của Bộ Thông tin và Truyền thông, một của Ủy ban Dân tộc); mà “điều lo nhất là quá trình triển khai trên thực địa đối với đội ngũ cán bộ”.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được thiết kế với 10 dự án thành phần, có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, triển khai trên địa bàn 51 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trên cơ sở tích hợp một số chính sách từ giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn trước đây còn hiệu lực cùng một số chính sách mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Trong số các dự án thành phần của Chương trình, có những dự án triển khai cụ thể đến tận thôn, bản, từng hộ gia đình, mà trách nhiệm của Trung ương chỉ là hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra. “Tỉnh phân cấp cho huyện, huyện lại phân cấp cho xã, thậm chí xuống đến cấp thôn, bản để cấp phát cho bà con nhân dân tổ chức thực hiện tại thôn, bản và đến từng hộ gia đình”. Với “rất nhiều chi tiết nhỏ lẻ” như vậy, thì “đây là vấn đề chúng tôi rất trăn trở và thấy khó nhất”, Bộ trưởng thẳng thắn.

Cho nên, về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, Trung ương sẽ “tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho địa phương”. Còn đối với địa phương, “trong các văn bản hướng dẫn lần này sẽ tăng cường phân cấp tối đa tất cả mọi nguồn lực để địa phương quyết, Trung ương chỉ hướng dẫn và kiểm tra, trách nhiệm của địa phương là tập trung lực lượng để triển khai. Đây là điều chúng tôi hết sức lo lắng”, Bộ trưởng nhắc lại.

Có lẽ không phải đợi đến việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan trực tiếp đến đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay mới cho thấy “cái khó” của lĩnh vực Ủy ban Dân tộc được giao phụ trách. Bởi hầu hết các nội dung, nếu không muốn nói là tất cả, thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc đều có phạm vi rất rộng, gần như trải khắp dải đất hình chữ S của nước ta và đều rất đặc thù, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo còn muôn vàn khó khăn. Chưa kể, đồng bào mỗi nơi, mỗi dân tộc lại có tập quán, phong tục, thói quen canh tác, sản xuất và sinh sống khác nhau.

Cho nên, dù là lĩnh vực luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, dành nhiều chính sách ưu tiên, đầu tư, song so với “miền xuôi”, thì đời sống của bà con cũng như các điều kiện về cơ sở hạ tầng, đất sản xuất, đất canh tác... cũng còn ít nhiều khoảng cách, đòi hỏi cần tiếp tục có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ hơn nữa mới có thể giải quyết được.

Và nhóm vấn đề đưa ra chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc lần này có lẽ là những đòi hỏi cấp thiết như vậy. Đó là chính sách như thế nào để thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn? Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là gì? Việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng ra sao?

Tất cả những khó khăn đặc thù đó dường như được “gói” khá trọn vẹn trong chất vấn của ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn): Nếu được chọn một vấn đề Bộ trưởng trăn trở nhất về công tác dân tộc, thì đó là vấn đề gì? Bộ trưởng đã làm những gì để giải quyết trăn trở này?

“Điều trăn trở của tôi có lẽ chung với điều trăn trở của bà con Nhân dân”. Khẳng định điều này, Bộ trưởng Hầu A Lềnh chân thành: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dần dần từng bước đã hoàn thiện. Điều đó chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện trong cả hệ thống chính trị. Song, dù chúng ta có chính sách đến đâu, có nguồn lực nhiều đến đâu, nhưng nếu bà con Nhân dân không nhận thức được, hoặc không tiếp nhận được, không đồng lòng và không cùng với Nhà nước thực hiện, thì sẽ không thành công.

Cho nên, “vấn đề trăn trở nhất của tôi là nhận thức của người dân và làm sao để người dân cảm nhận đây là chủ trương của Đảng, là chính sách của Nhà nước và trách nhiệm của người dân là cùng chung tay để làm”, Bộ trưởng nói. Để giải quyết vấn đề này, theo Bộ trưởng, “không gì hơn là phải tiếp tục tuyên truyền để bà con có kiến thức, biết tiếng Việt, nắm được khoa học kỹ thuật..., thì mới tiếp nhận được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; cộng với sự hỗ trợ từ chính sách, từ công tác tuyên truyền, vận động của các cơ quan, đoàn thể tích hợp lại mới giải quyết được vấn đề. Đây cũng là một bài học rất tốt trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc”.

Sau nửa nhiệm kỳ nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng Hầu A Lềnh lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội. Song, trước những vấn đề đại biểu đặt ra, Bộ trưởng đã cho thấy bản lĩnh, trách nhiệm của một "tư lệnh ngành", nắm chắc tình hình, thực trạng trong lĩnh vực được giao quản lý, thấu hiểu tâm tư, tình cảm và mong muốn của đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

Theo chương trình, sáng nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và các thành viên Chính phủ liên quan còn 50 phút để trả lời chất vấn trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước.

Lam Giang