Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Trách nhiệm rành mạch sẽ khó sinh tiêu cực

- Thứ Năm, 16/06/2022, 05:32 - Chia sẻ

Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đã dành một chương, với 5 điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhưng nhiều điều khoản khác của dự thảo Luật cũng có quy định về quyền của đơn vị này. Do vậy, nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu phải quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, vì trách nhiệm càng rành mạch bao nhiêu thì nguy cơ nảy sinh tiêu cực sẽ càng ít bấy nhiêu. 

Xác định địa vị pháp lý cụ thể của PVN

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật hiện hành nhằm tăng cường phân cấp thẩm quyền trong thực hiện hoạt động dầu khí. Theo đó, dự thảo Luật phân cấp cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) phê duyệt Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí (ODP), phê duyệt điều chỉnh nội dung Kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí (EDP), Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí (FDP) và Kế hoạch thu dọn công trình dầu khí trong một số trường hợp nhất định, chấp thuận đốt và xả khí theo kế hoạch hằng năm liên quan đến an toàn vận hành, bảo dưỡng định kỳ của mỏ dầu khí.

Trách nhiệm rành mạch sẽ khó sinh tiêu cực -0
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, cần nghiên cứu việc xác định địa vị pháp lý cụ thể của PVN. Bởi, như phân tích của ĐBQH Tống Văn Băng (Hải Phòng), Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi năm 2000 quy định Tổng công ty Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước. Quy định này phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 1995 và năm 2003. Tương tự, Luật Dầu khí (sửa đổi) năm 2008 quy định PVN là công ty mẹ, là công ty nhà nước cũng phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2005. Tại dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) quy định theo hướng PVN là doanh nghiệp nhà nước. “Nội dung này cần xác định cụ thể hơn theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, vì tại Điều 88 quy định về doanh nghiệp nhà nước theo góc độ là chủ sở hữu, tức là sở hữu vốn, doanh nghiệp nhà nước chưa phải là một loại hình doanh nghiệp. Theo quy định hiện nay của Luật Doanh nghiệp có 4 loại hình doanh nghiệp cơ bản. Đối với nội dung liên quan đến loại hình sở hữu vốn thì Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ liên quan đến nội dung này nhiều hơn”, ĐB Tống Văn Băng phân tích.

Mặt khác, một số ĐBQH nhận thấy, từ Điều 52 đến Điều 56 của dự thảo Luật chủ yếu xác định PVN có các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quyền, nghĩa vụ dưới nhiều giác độ như có thể được Chính phủ hoặc Bộ Công thương ủy quyền về quản lý nhà nước và chủ thể kinh doanh, nhưng quy định chưa thật rõ. Do vậy, ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) đề nghị xem xét và quy định rõ hơn, ví dụ PVN là doanh nghiệp Nhà nước được tổ chức dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và nội dung này có thể phù hợp với Nghị định 69/2014.

Ngoài 5 điều được quy định tại Chương IX, dự thảo Luật còn dành 34 khoản trong 21 điều quy định về thẩm quyền của PVN. Với việc thẩm quyền của Tập đoàn này được quy định ở nhiều điều, khoản như vậy, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) lưu ý, nếu không tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định sẽ rất dễ nhập nhèm, khó xác định trách nhiệm, không minh bạch, dễ phát sinh tiêu cực. Bởi, như phân tích của ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy, có lúc PVN đóng vai trò của nhà thầu như quy định tại Điều 23, Điều 32 và Điều 33, có lúc lại đóng vai trò của Công ty mẹ như quy định tại Điều 35 và Điều 36, hay gần như đóng vai trò quản lý nhà nước như tại các điều từ Điều 37 đến Điều 45. Đồng thời, các Điều 39, 40, 43 quy định thẩm quyền phê duyệt các kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí của Bộ Công thương nhưng lại giao thẩm quyền điều chỉnh các kế hoạch này cho PVN trong trường hợp tổng mức đầu tư hoặc tổng chi phí sau điều chỉnh lần lượt nhỏ hơn 10% và 20%. “Việc quy định như vậy dễ dẫn đến tiêu cực, câu kết với nhà thầu chia nhỏ đến mức đáp ứng tiêu chí ở cấp được ủy quyền phê duyệt nhằm vụ lợi, tránh sự kiểm soát của cấp có thẩm quyền”, đại biểu tỉnh Bến Tre lưu ý.

Thiết kế hành lang pháp lý phù hợp

Nhiều ĐBQH cũng cho rằng, việc bổ sung, sửa đổi những quy định mới về tổ chức, hoạt động trong khuôn khổ hành lang pháp lý sẽ tạo điều kiện để PVN tiếp tục phát triển xứng tầm và xứng đáng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ và truyền thống tốt đẹp của doanh nghiệp, đồng thời khắc phục hạn chế và kiểm soát chặt chẽ hoạt động, những hạn chế, sơ hở pháp luật - là nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực.

Để thực hiện yêu cầu nêu trên, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) gợi mở, cần tiếp cận trên khía cạnh PVN là một doanh nghiệp nhà nước nhất thiết phải hoạt động theo quy định pháp luật về doanh nghiệp, bảo đảm công bằng và bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Điều đó cũng sẽ tạo ra môi trường tốt cho PVN vươn lên trong thế cạnh tranh lành mạnh để đổi mới, sáng tạo và hiệu quả, không dựa dẫm, ỷ lại vào thế độc quyền. Bên cạnh đó, ở vị trí là một doanh nghiệp được Nhà nước giao thực hiện một số nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ, PVN được hưởng những cơ chế đặc thù là phù hợp, là công bằng về nghĩa vụ và quyền lợi.

Tuy nhiên, cả hai đặc điểm cơ bản trên trong dự thảo Luật chưa được làm rõ, chưa tách bạch để thiết kế hành lang pháp lý cho phù hợp. Lưu ý vấn đề này, ĐB Hoàng Đức Thắng đề nghị, sửa đổi, hoàn thiện quy định tại dự thảo Luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của PVN theo hướng chuyển hóa đặc điểm nêu trên của Tập đoàn từ các điều khoản quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đến thiết kế chính sách đặc thù. “Có như vậy mới bảo đảm giải quyết hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ, công bằng và bình đẳng trong hoạt động của PVN mà không xung đột với các quy định của các đạo luật khác”, ĐB Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh.

Để phân định rạch ròi quyền và trách nhiệm tương ứng, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị làm rõ một số vấn đề. Thứ nhất, PVN là doanh nghiệp nhà nước thì có được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về dầu khí hay không? Nếu có, khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí thì PVN chịu sự điều chỉnh theo pháp luật nào? Ai sẽ là người đại diện để thực hiện quyền trong trường hợp này? Thứ hai, PVN chịu trách nhiệm tới đâu trong trường hợp những nội dung do PVN thẩm định, phê duyệt hay tham mưu thẩm định, phê duyệt gây hậu quả thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước. Thứ ba, áp dụng quy định pháp luật nào để xây dựng khoản 9 Điều 53 của dự thảo Luật, theo đó, PVN được coi là không vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước khi tham gia cùng với doanh nghiệp có vốn góp của PVN mua lại quyền ưu tiên, quyền tham gia trong hợp đồng dầu khí.

Có thể thấy, dù tại dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã thiết kế một chương riêng, nhưng các ĐBQH đều yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện thêm để không trùng lặp và thể hiện rõ hơn vai trò của PVN dưới hai tư cách là một doanh nghiệp nhà nước hay thực hiện một số nhiệm vụ do Chính phủ giao về quản lý hoạt động này. Không chỉ làm rõ vai trò của PVN, dự án Luật cũng cần làm rõ vai trò, quyền và trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động dầu khí của quốc gia để tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi, hiệu quả và thuận tiện trong quản lý, điều hành. Đặc biệt là góp phần giảm thiểu các rủi ro pháp lý làm mất cơ hội đầu tư sản xuất, kinh doanh cũng như trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.

Lê Bình