Tiếp tục rà soát, cân đối giải pháp, nguồn lực, bảo đảm khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển

- Thứ Sáu, 06/01/2023, 05:19 - Chia sẻ

Lược ghi báo cáo thẩm tra Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày

Quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển và nhiệm vụ trọng tâm 

Quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển: Quy hoạch tổng thể quốc gia được lập nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, theo hướng phân bố không gian, phân vùng và liên kết vùng, do vậy, cần nghiên cứu làm rõ hơn, các nội dung phải định hướng trong việc sắp xếp, phân bố không gian để đạt được các mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra. Đồng thời, đề nghị bổ sung, nhấn mạnh hơn việc giảm chồng chéo, xung đột trong sử dụng không gian giữa các ngành, các địa phương và quan điểm về phát triển kinh tế biển.

Tiếp tục rà soát, cân đối giải pháp, nguồn lực, bảo đảm khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển -0

Mục tiêu phát triển đến năm 2030: Báo cáo quy hoạch đã có sự phân loại một số mục tiêu cụ thể, trong đó nội dung mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện mục tiêu tổng quát cũng như các mục tiêu về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu cho việc phát triển kết cấu hạ tầng mới tập trung chủ yếu cho hạ tầng giao thông, trong khi một số ngành khác có vai trò quan trọng nhưng còn chung chung như: hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thủy lợi… Do đó, đề nghị bổ sung, làm rõ.

Về tầm nhìn đến năm 2050: đề nghị bổ sung mục tiêu về giáo dục, đào tạo, phát triển con người toàn diện, mang đầy đủ đặc trưng của con người xã hội chủ nghĩa; có chỉ số phát triển con người ở mức rất cao (chỉ số HDI từ 0,8 trở lên), đời sống của người dân hạnh phúc.

Những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch: Báo cáo quy hoạch đã xác định những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá của quốc gia trong thời kỳ quy hoạch. Tuy nhiên, nội dung thuyết minh chưa có sự gắn kết giữa các đột phá với những lợi thế so sánh và cơ hội phát triển, khó khăn và thách thức đối với sự phát triển của quốc gia. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ hơn việc ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ về phát triển hạ tầng giáo dục, y tế trong việc hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Về định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội 

Các vùng động lực quốc gia và hành lang kinh tế: Báo cáo quy hoạch đã đề xuất các định hướng phân vùng trọng điểm đầu tư, vùng khuyến khích phát triển và vùng hạn chế phát triển; các khu vực lãnh thổ cần bảo tồn, cấm khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, trừ định hướng phân vùng hạn chế phát triển; các khu vực lãnh thổ cần bảo tồn, cấm khai thác, sử dụng thì các vùng còn lại đều chưa làm rõ được tiêu chí phân vùng cũng như mục tiêu phân vùng và mối quan hệ giữa các vùng. Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cho rằng, kết cấu hiện tại chưa làm rõ được sự gắn kết giữa các vùng động lực quốc gia với nhau, với các hành lang kinh tế và với định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng.

Định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng: theo Báo cáo quy hoạch, định hướng bố trí các ngành sản xuất, kinh doanh tập trung vào các vùng động lực, trên các hành lang kinh tế như hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, các đô thị... trọng điểm để khai thác tiềm năng, lợi thế, phát huy vai trò của các vùng động lực, các hành lang kinh tế. Tuy nhiên, nội dung phân tích của từng ngành chưa có sự gắn kết với định hướng phân vùng động lực và các hành lang kinh tế. Do đó, đề nghị bổ sung, làm rõ các định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Về định hướng phân vùng và liên kết vùng: Quy hoạch tổng thể quốc gia cần xác định các chức năng chính cho các vùng/khu vực, bảo đảm tránh xung đột trong định hướng phát triển các ngành. Tuy nhiên, nội dung Báo cáo chưa đề cập tới phương án phân vùng hiện nay có những khó khăn gì. Do đó, cần làm rõ để có đủ cơ sở đánh giá tính khả thi, hiệu quả của phương án phát triển của các ngành và khả năng liên kết vùng. 

Về định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn: việc xây dựng định hướng phát triển hệ thống đô thị cần bám sát các nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó lưu ý: quy hoạch phát triển hệ thống đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người, chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; việc phát triển hệ thống đô thị phải gắn với việc bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng đô thị theo hướng phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; việc phát triển hệ thống đô thị phải bảo đảm nâng cao chất lượng sống của người dân tại đô thị ở mức cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho dân cư đô thị.

Về định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội

Về mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao: đối với lĩnh vực thể thao, cần quan tâm đến việc phát triển và tạo không gian phát triển kinh tế thể thao, xã hội hóa lĩnh vực thể thao để giảm bớt việc sử dụng ngân sách nhà nước. Đối với lĩnh vực văn hóa, cần làm rõ hơn định hướng xã hội hóa lĩnh vực văn hóa.

Về mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ: đề nghị nghiên cứu, bổ sung định hướng phát triển mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập liên quan đến các lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số.

Về mạng lưới cơ sở giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp: đề nghị nghiên cứu, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm bảo đảm hợp lý về quy mô, cơ cấu ngành nghề và phân bố vùng miền.

Về mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội và hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập: có ý kiến cho rằng các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển về cơ sở trợ giúp xã hội trọng điểm vùng, hệ thống giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập chưa thể hiện được mức độ bao phủ của mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội và khả năng đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội của các tầng lớp dân cư. Do đó, đề nghị bổ sung, làm rõ nội dung trên.

Về mạng lưới cơ sở y tế: việc đặt ra mục tiêu đạt 35 giường bệnh viện và 19 bác sĩ trên 1 vạn dân là khó khả thi so với mục tiêu được đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII. Thực tế, năm 2022 số bác sĩ trên 1 vạn dân mới đạt 9,4 bác sĩ, do đó, cần cân nhắc và bổ sung đánh giá kỹ lưỡng chỉ tiêu nêu trên.

Về định hướng phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia

Về hạ tầng giao thông: đề nghị làm rõ định hướng phát triển hạ tầng giao thông để khắc phục được những điểm nghẽn trong liên kết giao thông của thời kỳ trước, đặc biệt là sự thiếu đồng bộ giữa các phương thức vận tải và chi phí logistics nội địa quá cao làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế và hỗ trợ cho sự phát triển của những vùng động lực, hành lang kinh tế.

Về hạ tầng năng lượng, điện lực, dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt: đề nghị bổ sung các dự báo về nhu cầu năng lượng để làm cơ sở đề xuất định hướng phát triển ngành, lĩnh vực và làm rõ hơn việc khắc phục những tồn tại, hạn chế thời kỳ trước.

Về hệ thống thủy lợi và công trình phòng, chống thiên tai: đề nghị bổ sung các phương án nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long và các vùng cửa sông ven biển.

Về hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá: đề nghị cần rà soát định hướng phát triển của nội dung này bảo đảm thống nhất với định hướng phát triển thủy sản, sử dụng không gian biển và khắc phục những hạn chế, bất cập của thời kỳ 2011 - 2020.

Về hạ tầng phòng cháy và chữa cháy: đề nghị rà soát, hoàn thiện nội dung này để bảo đảm phù hợp về nội hàm và phạm vi của quy hoạch.

Về khu kinh tế ven biển: đề nghị làm rõ định hướng phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030 đối với 8 khu kinh tế ven biển đã được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2011 - 2020.

Về định hướng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia: khoản 2 Điều 22 của Luật Quy hoạch không quy định nội dung này. Do đó, đề nghị bổ sung, làm rõ.

Định hướng sử dụng tài nguyên quốc gia: đề nghị nghiên cứu, bổ sung nội dung sử dụng tài nguyên nước trong mùa và làm rõ chỉ tiêu định lượng cụ thể cho mục tiêu khai thác và rà soát các nội dung liên quan để bảo đảm phù hợp với các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Định hướng bảo vệ môi trường: đề nghị bổ sung dự báo tổng lượng chất thải rắn phát sinh theo các thời kỳ quy hoạch làm cơ sở định hướng quản lý cho các loại chất thải rắn, đặc biệt là xử lý chất thải rắn nguy hại nên xem xét theo hướng liên vùng. Về định hướng quản lý nước thải, đề nghị bổ sung dự báo tổng lượng nước thải phát sinh theo các giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch.

Định hướng phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu: đề nghị nghiên cứu, bổ sung định hướng để có phương án giảm nhẹ tác động của thiên tai và chủ động thích ứng với những tác động nói trên. Ngoài ra, để giảm nhẹ tác động của thiên tai và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu tại các đô thị lớn cần bổ sung định hướng đối với các đô thị theo khu vực có điều kiện tự nhiên đặc thù như: khu vực đồng bằng, trung du, miền núi.

Về danh mục dự án quan trọng quốc gia: Cần làm rõ cơ sở, nguyên tắc, phương án xây dựng danh mục dự án, xác định rõ thuật ngữ “dự án quan trọng của quốc gia” và “dự án quan trọng quốc gia”; việc xây dựng danh mục dự án cần làm rõ được tầm nhìn, quy mô chiến lược, liên kết vùng, phát triển hành lang kinh tế, vùng động lực quốc gia và phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực đầu tư công, nguồn lực xã hội và tránh dàn trải, thiếu hiệu quả. Đề nghị rà soát lại Danh mục các dự án quan trọng của quốc gia để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các dự án; đồng thời, nghiên cứu theo hướng là dự kiến để mang tính động, mở có thể điều chỉnh trong quá trình triển khai thực hiện.

Về giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch: đề nghị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và nghiên cứu cụ thể hóa Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đối với các nội dung này. Bên cạnh đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch cũng như nhiều định hướng phát triển lớn (riêng định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội đã bao gồm 4 vùng động lực quốc gia, 10 hành lang kinh tế, 2 khu vực lãnh thổ cần bảo tồn và vùng hạn chế phát triển và 3 ngành quan trọng cần phát triển). Do đó, đề nghị cần tiếp tục rà soát, cân đối các giải pháp, nguồn lực thực hiện để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của đất nước.

* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt.

Nguyễn Bình lược ghi