Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Tạo sức bật trong đổi mới thi đua, khen thưởng

- Thứ Bảy, 28/05/2022, 05:28 - Chia sẻ

Thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại phiên họp sáng qua, 27.5, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và cho rằng, dự thảo Luật trình ra Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này đã được sửa đổi căn bản, toàn diện, tạo được sức bật trong đổi mới, hoàn thiện luật pháp về thi đua, khen thưởng.

Rõ tiêu chí, rõ cấp có thẩm quyền

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này sửa đổi bổ sung các nội dung lớn như: danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”; “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; Huy hiệu và kỷ niệm chương cấp tỉnh; xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung có liên quan đến các điều khoản quy định về đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; mục tiêu và nguyên tắc thi đua, khen thưởng; tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua; về hình thức khen thưởng; về đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng huân chương, Danh hiệu vinh dự Nhà nước; về thẩm quyền đề nghị khen thưởng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi đua, khen thưởng...

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Xã hội và cho rằng, báo cáo dày dặn với 31 trang giải trình và tiếp thu rõ ràng, bài bản, thuyết phục. Bày tỏ đồng tình với nội dung tại khoản 2, Điều 29 dự thảo Luật giao UBND cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu, đại biểu cũng nhấn mạnh, mục tiêu, kết quả phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương là khác nhau nên tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu cần sát với thực tiễn nhằm bảo đảm khen thưởng kịp thời, khích lệ, thúc đẩy phong trào thi đua tại địa phương. Quy định như trong dự thảo Luật còn góp phần tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao tính chịu trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề nghị, để tránh việc tiêu chuẩn quy định quá khác nhau giữa các tỉnh, thành phố; số lượng tiêu chí chênh lệch lớn trong Nghị định hướng dẫn của Chính phủ thì nên có khung tiêu chuẩn, định mức tối thiểu để các địa phương căn cứ, xây dựng tiêu chuẩn của tỉnh mình.

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, dự thảo Luật trình lần này đẩy mạnh việc phân cấp cho các bộ, ngành và địa phương trong hướng dẫn một số tiêu chuẩn về xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, trong đó bao gồm cả thi đua, khen thưởng. Tuy nhiên, để việc triển khai thực hiện bảo đảm thống nhất giữa các bộ, ngành và địa phương trong quy định các tiêu chuẩn về xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ hoặc giao Chính phủ quy định khung tiêu chuẩn chung để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương căn cứ thực hiện, tránh tình trạng mỗi địa phương thực hiện một kiểu.

Qua rà soát, một số ĐBQH nhận thấy, dự thảo Luật có 96 điều, trong đó có khoảng 30/96 điều khoản giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết. Để tránh tình trạng luật có hiệu lực lại phải chờ nghị định, nghị định lại phải chờ thông tư, các ĐBQH Nguyễn Minh Tâm, Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang)… đề nghị tiếp tục rà soát và cân nhắc những nội dung nào có thể quy định rõ ngay trong dự thảo Luật để khi luật có hiệu lực là thực thi được ngay.

Nên có hình thức “Thư khen” của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Tham khảo kinh nghiệm một số nước, khi các em học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập cũng được lãnh đạo, Tổng thống hay Thủ tướng gửi thư khen kịp thời và động viên, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, ở nước ta cũng rất cần hình thức này. “Nếu như bản thân tôi hay là con cháu của tôi nhận được thư khen của Chủ tịch Nước, của Thủ tướng Chính phủ thì quả thật rất tuyệt vời, vì các cháu sẽ phấn đấu và làm tốt hơn và không cần phải làm những hồ sơ thi đua, khen thưởng”. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, trong Điều 9 dự thảo Luật hiện nay đã ghi các hình thức khen thưởng là Huân chương, Huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen thì thêm một dòng nữa là “thư khen” thì rất tuyệt vời. Trong báo cáo giải trình cũng lý giải rằng việc này rất có lý, nhưng chờ đánh giá tác động và có thể bổ sung ở kỳ sau. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đặt câu hỏi, tại sao lần này chúng ta không làm luôn? Vì hình thức khen thưởng, động viên này rất phù hợp, kịp thời và không tốn kém gì cả.

Đồng tình với đề nghị này, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, hình thức khen thưởng là thư khen của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước là hết sức cao quý, có ý nghĩa động viên rất lớn. Đại biểu bày tỏ mong muốn hình thức khen thưởng này sẽ được xem xét đưa vào trong dự thảo Luật lần này.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan có liên quan tiếp thu thấu đáo các ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Nhật An