Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30 của Quốc hội

Quy định về phòng, chống dịch cần được nghiên cứu nâng lên thành luật

- Chủ Nhật, 08/01/2023, 06:15 - Chia sẻ

Thảo luận tại Hội trường chiều 7.1, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV là một sáng kiến lập pháp đặc biệt, đã định khung, định hình, đi trước mở đường, góp phần quan trọng cho thực hiện thành công kiểm soát dịch bệnh ở nước ta. Tuy nhiên, thực tiễn đang đòi hỏi cần nghiên cứu để nâng những quy định này thành luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc xử lý các tình huống khẩn cấp trong tương lai.

Nghị quyết 30 đã định khung, định hình, đi trước mở đường

Nhắc lại bối cảnh ra đời của Nghị quyết 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV (Nghị quyết 30), ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, tại thời điểm đó, dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp trên thế giới, đặc biệt là với biến chủng Delta đã gây những tác hại nghiêm trọng tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Mỗi ngày, số ca nhiễm tăng rất là nhanh, từ 100 ca/ngày lên tới 1.000 ca - 5.000 ca/ngày. Thuốc điều trị, phác đồ điều trị chưa có, vật tư y tế, máy móc, thiết bị, giường bệnh không đáp ứng đủ, nhân lực y tế cũng quá tải…

Quy định về phòng, chống dịch  
cần được nghiên cứu nâng lên thành luật -0
ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp, đồng hành với Chính phủ làm ngày, làm đêm để kịp thời đưa vào nội dung Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV với những nội dung quan trọng để Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan. Và, cùng với Nghị quyết 30, Quốc hội cũng ban hành 6 nghị quyết và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 10 nghị quyết để triển khai thực hiện quy định tại Nghị quyết 30, đồng hành với Chính phủ thực hiện công cuộc này.

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phân tích, Nghị quyết 30 không chỉ là một sáng kiến lập pháp mà còn hơn thế, "là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt" khi quy định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách. Quốc hội đã chia sẻ trách nhiệm hay nói đúng hơn là trao quyền của Quốc hội cho Chính phủ. Đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, "đây là cách làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử lập pháp Việt Nam và đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa cả hệ thống chính trị và người dân trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế đồng tình ủng hộ, huy động được tổng lực tối đa các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh". 

Theo đại biểu Dương Khắc Mai, Nghị quyết 30 đã định khung, định hình, đi trước mở đường, tạo hành lang pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, táo bạo, hiệu quả đã quyết định làm thay đổi cục diện chống dịch. Hàng loạt chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp và cả hỗ trợ bạn bè quốc tế được triển khai, tổ chức thực hiện. Đặc biệt, chiến lược ngoại giao vaccine, chiến lược tiêm chủng vaccine cùng nhiều biện pháp khác, sự cống hiến hết mình, quên mình của các lực lượng tham gia chống dịch, nhất là lực lượng tuyến đầu, nước ta đã cơ bản khống chế được đại dịch, tạo điều kiện tiên quyết đưa cuộc sống toàn xã hội trở lại bình thường. Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng điều hành, chọn thời điểm thích hợp để mở cửa nền kinh tế, tạo bước đột phá chiến lược cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở vững chắc cho bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội của đất nước.

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho địa phương, đơn vị

Ghi nhận và đánh giá cao việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương đã khẩn trương, kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết 30, các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong 3 năm thực hiện công tác này vừa qua. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận của Quốc hội, các ĐBQH cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện, trong đó có không ít vấn đề cần khẩn trương xử lý, tháo gỡ cho các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Nhiều ĐBQH đề cập hạn chế cụ thể liên quan đến việc ban hành văn bản hướng dẫn, trả lời của các bộ, ngành Trung ương để giải quyết các vướng mắc, phát sinh ở địa phương được Ủy ban Xã hội đưa ra trong báo cáo thẩm tra về nội dung này. ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) chỉ rõ, hiện nay chưa có cơ chế thanh, quyết toán cho các địa phương, đơn vị đã ứng trước hàng hóa, thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế của doanh nghiệp để phục vụ cấp bách cho việc cứu dân, với phương châm “chống dịch như chống giặc, đặt tính mạng, sự an toàn sức khỏe của người dân lên trên hết”.

Từ phản ánh của cử tri, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho biết, sau khi dịch được kiểm soát, các địa phương, cơ quan, đơn vị gặp nhiều khó khăn về quy trình, quy định thanh, quyết toán kinh phí. Các địa phương, đơn vị cũng không thể mua hàng hóa đã tạm ứng để trả lại cho doanh nghiệp hoặc không có cơ chế thanh toán đặc biệt để hoàn tiền cho các doanh nghiệp. Việc xác định giá các loại hàng hóa tại thời điểm dịch bệnh cũng rất bất cập do nguồn cung vô cùng khan hiếm, đẩy giá các mặt hàng y tế tăng cao. Bên cạnh đó, việc tham khảo giá trên các trang thông tin của Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiều thông tin khác nhau, nhiều mức giá khác nhau tại cùng một thời điểm. “Những vấn đề nêu trên đã dẫn đến hệ lụy địa phương, đơn vị chưa trả tiền cho các doanh nghiệp - những người sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ khi chính quyền cần nhất để cứu dân”, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân trăn trở.

Chỉ rõ hiện nay còn 48 tỉnh, thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong thanh, quyết toán chi phí hoạt động phòng, chống dịch, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng, đây là tồn đọng lớn, cần được phân tích, đánh giá đầy đủ, khách quan trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Do vậy, Chính phủ, các bộ, ngành cần có giải pháp giải quyết theo cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách như quy định tại Nghị quyết 30 để không ảnh hưởng lớn đến tinh thần, tâm lý và hoạt động của các cán bộ, công chức, viên chức các cấp nói chung và nhất là của ngành y tế. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng kiến nghị, dự thảo Nghị quyết về nội dung này cần quy định rõ việc thanh toán chi phí phòng chống dịch Covid-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh phải theo thủ tục đơn giản, rút gọn.

Giải trình các vấn đề được ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, sự chậm trễ trong thanh toán chi phí thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có nguyên nhân từ việc đây là đại dịch lần đầu tiên xuất hiện, chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, kể cả phác đồ điều trị cũng phải thay đổi liên tục, trong khi đó nhân lực làm chuyên môn y tế thiếu và phải huy động, kể cả những người hành nghề ở trong những phạm vi chuyên môn khác nhau, sinh viên và tình nguyện viên để chăm sóc cho bệnh nhân bị nhiễm Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, việc lập các giấy tờ, thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn và tình hình dịch bệnh cấp bách đòi hỏi các hoạt động phòng, chống dịch phải khẩn trương, nhanh chóng trong điều kiện không bình thường. Do vậy, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội cho phép tiếp tục thanh toán chế độ chính sách cho người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 đã thực hiện trước ngày 31.12.2022 mà chưa thanh toán xong.

Để tập trung thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, thời gian qua Bộ Y tế cũng đã rà soát và ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 56 về những thủ tục giải quyết chế độ nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội,  giúp tháo gỡ những khó khăn về mặt quy trình, thủ tục thực tiễn để các địa phương triển khai thực hiện. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ và ngành y tế đang phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương để tổng kết 3 năm trong công tác phòng chống dịch để từ đó đánh giá những mặt làm được những mặt chưa làm được, nguyên nhân, tồn tại và đặc biệt là những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới.

Đại dịch Covid-19 là dịch bệnh vô cùng nguy hiểm, phức tạp, chưa có trong tiền lệ lịch sử. Ở nước ta, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người và tác động nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 cho thấy tính chủ động, tinh thần trách nhiệm của Quốc hội bám sát chủ trương của Đảng và thực tiễn cuộc sống. 

Thực tiễn 3 năm triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng cho thấy rõ việc tiếp tục thực hiện những quyết sách đúng đắn, kịp thời quy định tại Nghị quyết 30 là vô cùng cần thiết, nhằm giải quyết dứt điểm khó khăn, tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Không chỉ dừng ở đó, ĐBQH kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu để nâng các quy định đúng đắn về phòng, chống dịch tại Nghị quyết 30 thành luật, qua đó tạo cơ sở pháp lý vững chắc xử lý các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tương lai.

Thanh Hải