Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước:

Nhìn xa hơn, rộng hơn, khắc phục tình trạng "vượt quá khả năng dự báo"

- Thứ Tư, 31/05/2023, 17:32 - Chia sẻ

Cần nhìn xa hơn, rộng hơn, sớm nhìn ra những vấn đề của chính mình trong sự liên hệ mật thiết với thế giới để dù tình hình thế giới biến động phức tạp thế nào đi nữa cũng không để xảy ra tình trạng “vượt quá khả năng dự báo” như báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra. 

Trong phiên thảo luận chiều nay, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đặc biệt chú trọng tới công tác đánh giá, phân tích, dự báo thị trường cả trong và ngoài nước, nhất là khi có những biến động lớn về thị trường xuất, nhập khẩu bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng.

Nhìn xa hơn, rộng hơn, khắc phục tình trạng
ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) phát biểu tại phiên họp chiều nay, 31.5

ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) phân tích, nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút của các ngành công nghiệp gia công, chế biến thâm dụng lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ… ngoài tình hình thị trường còn có sự cạnh tranh trong chuyển dịch chuỗi giá trị sản xuất do giá lao động, tỷ giá, lãi suất, chi phí môi trường… làm cho sản phẩm của chúng ta làm ra đắt hơn thì họ phải di chuyển sản xuất đi quốc gia khác. Hay như các hàng rào kỹ thuật của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế về xuất xứ hàng hóa, môi trường, sản xuất xanh, giảm khí thải các-bon, lao động, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hóa, kiểm dịch,… cũng là những trở ngại, đôi khi là “bất chợt” khiến cho các doanh nghiệp bị lúng túng.

Ngay trong lĩnh vực du lịch, đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, được cử tri phản ánh là phí thị thực của ta khá cao, có khi bằng 30 - 40% giá vé máy bay khứ hồi của du khách. Vấn đề này cũng phải xem xét lại để làm sao cho dịch vụ du lịch sớm phục hồi tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của đất nước.

"Vấn đề là, chúng ta cần nhìn xa hơn, rộng hơn, sớm nhìn ra những vấn đề của chính mình trong bối cảnh có sự liên hệ chặt chẽ, mật thiết với thế giới, làm nền tảng cho sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đúng hướng, bài bản, khoa học, sát với thực tiễn của tình hình. Làm sao để cho dù tình hình kinh tế - chính trị thế giới biến động phức tạp thế nào đi nữa cũng không để xảy ra tình trạng vượt quá khả năng dự báo như báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra. Hạn chế tối đa những bất cập trong phân tích, dự báo tình hình, trong đề xuất và triển khai thực hiện các kế hoạch trong ngắn hạn cũng như dài hạn, nhằm nâng cao khả năng chống chịu và phản ứng trước các cú sốc từ bên ngoài", đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh.

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đại biểu Tạ Thị Yên, "đây là vấn đề cấp thiết của địa phương, rất mong Quốc hội, Chính phủ xem xét, tháo gỡ. Nếu để đến cuối năm thì sẽ thêm chậm, tiền của sẽ bị lãng phí và có thể nhiều nội dung của các Chương trình sẽ không đạt mục tiêu đề ra vì chỉ còn có hơn 2 năm để triển khai thực hiện giai đoạn này.

Chỉ ra vướng mắc nhất khi thực hiện các Chương trình là giải ngân nguồn vốn sự nghiệp, đại biểu cho biết, đối với Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vốn sự nghiệp được giao chi tiết cho từng địa phương, theo từng dự án thành phần, giao cụ thể đến từng nội dung thuộc các lĩnh vực (sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hoá, kinh tế…) dẫn đến nhiều nội dung không phù hợp với nhiệm vụ chi của địa phương.

"Nội dung cần thì không được phân bổ, có những nội dung thì được phân bổ quá nhiều, vượt quá nhiệm vụ chi, không thể giải ngân được. Nhưng địa phương lại không được tự điều chỉnh vì đây là thẩm quyền này của Trung ương. Việc giao vốn như hiện nay không sai so với quy định của pháp luật hiện hành nhưng làm giảm tính chủ động của địa phương và ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng ngân sách", đại biểu nói. 

Từ thực trạng đó, đề nghị Quốc hội có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia trên tinh thần cho phép địa phương được chủ động điều chỉnh dựa trên nhu cầu thực tế để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, vì nếu thực hiện các thủ tục trình trung ương điều chỉnh sẽ mất rất nhiều thời gian. Đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét đưa nội dung này vào Nghị quyết Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khoá XV.

N. Bình
#