Nhìn lại Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội

Nghị quyết 30 - rõ vai trò, trách nhiệm của Quốc hội hành động, vì dân

- Thứ Sáu, 06/01/2023, 05:22 - Chia sẻ

LÊ HỒNG HẠNH - Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngay tại kỳ họp đầu tiên của Khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 quyết định 8 nhóm giải pháp cấp bách để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”. Những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, thích ứng với tình hình mới là minh chứng cho tính đúng đắn, kịp thời của quyết sách này. 

Tiền đề quan trọng để Nhân dân được bình yên

“Điểm đặc biệt tôi cho là rất kịp thời và sát thực tiễn của Nghị quyết số 30/2021/QH15 (Nghị quyết 30) đó chính là việc Quốc hội rất quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là quyết định chi chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vaccine phòng dịch Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021. Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch. Nhờ sự chủ động, linh hoạt này mà Việt Nam có vaccine phòng dịch và dần bao phủ toàn quốc, nhờ đó dịch bệnh mới được kiểm soát. Thực tế thì Việt Nam chúng ta đã thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng dịch Covid-19, huy động được mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển Quỹ vaccine phòng Covid-19, truyền thông đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng, phòng, chống dịch và đã sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng” - cử tri Lê Hải Dương, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh đánh giá.

Nghị quyết 30 - rõ vai trò, trách nhiệm của Quốc hội hành động, vì dân -0
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Quang Khánh

Một sự linh hoạt trong giải pháp Quốc hội đưa ra đó chính là tạo chủ động cho Chính phủ trong điều hành các giải pháp ứng phó với diễn biến của dịch, được đại đa số cử tri và Nhân dân đồng tình cao. Đó là trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện. Đây cũng là tiền đề pháp lý quan trọng để Chính phủ chủ động ban hành các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt hơn, nhất là các chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế khác và lực lượng tuyến đấu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động; nghiên cứu thực hiện miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch.

Còn theo cử tri Lê Hồng Thái, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk: Nghị quyết 30 chính là tiền đề pháp lý để Chính phủ ban hành các quyết định, chỉ đạo các địa phương bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, giữ vững trật tự, an toàn xã hội. Chúng ta không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, chủ động đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch, kiểm soát chặt chẽ thông tin xấu độc, sai sự thật và xử lý nghiêm vi phạm trong phòng, chống dịch theo đúng quy định của pháp luật. Trong tình hình dịch bệnh bùng phát, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, lực lượng vũ trang đã vào cuộc cùng với Nhân dân chống dịch. Chưa khi nào hình ảnh người lính áo xanh và người lính không quân hàm mang màu áo trắng lại đẹp đến như vậy khi họ không quản ngại khó khăn, thậm chí hy sinh cùng Nhân dân chống dịch.

“Nghị quyết của Quốc hội đã thẩm thấu tới mọi tầng lớp cử tri và Nhân dân, được Chính phủ điều hành hiện thực hóa thành các hành động, chiến dịch cụ thể, hợp lòng dân và kết quả là chúng ta đã chiến thắng đại dịch” - cử tri Lê Hồng Thái nhấn mạnh.

Việc ban hành Nghị quyết 30 của Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng, đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc khẩn trương xây dựng, ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành nhiều nghị quyết thể hiện quyết tâm tập trung nguồn lực ngân sách nhà nước cho phòng chống dịch; nhiều cơ chế, chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, chi hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đời sống Nhân dân. Đó cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp ở địa phương thực thi. Ngoài cơ chế, chính sách của Trung ương, HĐND các địa phương cũng đã bàn nhiều giải pháp để kiểm soát dịch bệnh, đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra cho năm 2021 - năm đầu của kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Ban hành chính sách từ lòng dân

Tổng kết năm 2022, cả nước và nhiều địa phương đã gặt hái được những thành tựu to lớn trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện chúng ta đã thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp với những biến chủng mới nguy hiểm, khó lường. Năm 2023 cũng là năm được dự báo sẽ có nhiều thử thách mang yếu tố khách quan và chủ quan tác động tới nền kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của nước ta. Do đó, việc tiếp tục có các chính sách nối tiếp, kéo dài Nghị quyết 30 là rất cần thiết.

“Đến nay, các giải pháp cấp bách theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội đã hoàn thành sứ mệnh cao cả, được Nhân dân và cử tri đánh giá cao. Quyết sách kịp thời này cũng đã mở ra hướng mới cho việc xem xét kéo dài. Cụ thể, căn cứ tình hình thực tế, nếu cần thiết kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp này thì Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Trong bối cảnh hiện nay, việc kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp của Nghị quyết 30 rất cần thiết. Nhất là trong công tác khám, chữa bệnh, thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân, rất mong Quốc hội xem xét” - cử tri Trịnh Thị Lục, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An bày tỏ.

“Năm 2023, dự báo hoạt động của các doanh nghiệp sẽ đối mặt với những khó khăn, nhất là khi giá cả vật liệu đầu vào tăng cao, đầu ra bấp bênh. Do đó, duy trì tiếp tục các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động là điều cần thiết” - cử tri Phạm Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh đề xuất.

Nghị quyết 30 của Quốc hội ra đời trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, cả nước đang nỗ lực chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội. Nghị quyết đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả của mình trước Tổ quốc, Nhân dân với những kết quả, những con số biết nói, khẳng định Quốc hội đã hoàn thành tốt trọng trách của mình trước Nhân dân. Nghị quyết 30 cũng để lại bài học kinh nghiệm quý trong việc ban hành các quyết sách. Đó là việc quyết định căn cứ sát thực tiễn, kịp thời, lấy tính mạng, sức khoẻ và sự bình yên của Nhân dân làm căn cứ cao nhất để quyết định.

Bên cạnh các biện pháp kịp thời, việc Quốc hội trao quyền cho Chính phủ và phân cấp cho các địa phương chủ động trong ban hành các biện pháp, chính sách phòng, chống dịch cũng như phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh là những quyết sách thiết thực cần tiếp tục được kế thừa, phát huy trong thời gian tới.