Những ánh sao khuê:

Lương Định Của - nhà khoa học tận tụy với sự nghiệp trồng người, trồng cây

- Thứ Hai, 29/08/2022, 05:45 - Chia sẻ

NGUYỄN TÚC - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bác sĩ nông học Lương Định Của là tấm gương sáng của một trí thức lớn tự nguyện dấn thân vì đại nghĩa; một nhà khoa học say mê, tận tụy với sự nghiệp trồng người, trồng cây. Cuộc đời và sự nghiệp của ông sống mãi với thời gian, với nông nghiệp, đặc biệt là với bà con nông dân Việt Nam.

Nhận bằng Bác sĩ nông học - học vị cao nhất của Nhật thời đó

Lương Định Của sinh ngày 16.8.1920 trong một gia đình điền chủ theo đạo Thiên Chúa tại làng Đại Ngãi, quận Kè Sách, nay là thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Ông sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Với nghị lực phi thường vượt qua sự đau thương, mất mát, ông lao vào học tập, tốt nghiệp loại giỏi tại trường tiểu học Lasan Taberd tỉnh lỵ Sóc Trăng, rồi chuyển lên học tú tài cũng tại trường Taberd ở Sài Gòn.

Năm 1937, ông sang Hongkong (Trung Quốc) thi vào Trường Y La Salle College với mong muốn nâng cao trình độ tiếng Anh để sau đó chuyển sang học ngành thương mại. Học hết năm thứ ba, ông chuyển sang học trường đại học Kinh tế Saint John’s. Năm 1940, do chiến tranh thế giới lan rộng, trường phải đóng cửa. Ông sang Nhật Bản thi vào Khoa Sinh vật thực nghiệm chuyên ngành trồng trọt tại Trường Đại học Kyushu với ý định học thật giỏi để sau này về nước góp phần xây dựng ngành nông nghiệp Việt Nam. Với nỗ lực và tài năng của mình, ông được cấp học bổng trong suốt những năm học tập tại trường. Tốt nghiệp đại học loại giỏi, ông được Chính phủ Nhật Bản cấp học bổng để làm nghiên cứu sinh.

Năm 1945, ông kết hôn với bà Nakamura Nobuko và hai người cùng làm việc tại Viện thí nghiệm của Trường Đại học Kyushu. Năm 1951, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ nông học Khoa Di truyền chọn giống với đề tài: “Cách xử lý đa bội thể di truyền nhằm tạo ra giống lúa mới”. Đề tài này được Hội đồng khoa học đánh giá cao vì nó giúp cho ngành nông nghiệp Nhật Bản cải thiện giống lúa với năng suất và chất lượng cao hơn. Ông được nhà trường trao bằng bác sĩ nông học. Đây là học vị cao nhất của Nhật Bản thời đó. Đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất Nhật Bản trao học vị này cho người nước ngoài và trẻ nhất là Lương Định Của kể từ thời Minh Trị Thiên hoàng. Và Lương Định Của là người thứ 96 trên toàn nước Nhật Bản được nhận học vị này trong vòng 10 năm.

Sau khi có học vị cao quý đó, ông được bổ nhiệm làm giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Kyoto. Năm 1952, một người khuyên ông nên sang châu Âu hoặc qua Mỹ để có điều kiện phát triển tài năng. Nhưng, như ông đã nhiều lần tâm sự, ông xa quê để đi học cũng vì quê hương. Hai tiếng “quê hương” đã luôn luôn nhắc nhở và thúc giục ông phải học thật tốt để sớm trở về phục vụ quê hương, đất nước. Ngưỡng mộ và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghe theo lời kêu gọi của Người, ông quyết định cùng gia đình về nước để góp phần phát triển ngành nông nghiệp nước nhà.

Do quen biết một số nghị sĩ tiến bộ trong Quốc hội Nhật Bản, ông nhờ họ giúp đỡ để có thể về Việt Bắc - vùng tự do của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nghị sĩ Kazami được nhóm nghị sĩ tiến bộ giao lo liệu việc này. Bản thân ông cũng đã viết thư gửi Đại sứ nước ta tại Bắc Kinh bày tỏ nguyện vọng của mình. Song, do khó khăn về con đường ngoại giao, nguyện vọng của ông không được đáp ứng. Ông về Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn nhiệt liệt đón chào và mời ông tham gia giảng dạy tại Trường Nông - Lâm - Súc. Ông khéo léo từ chối với lý do xa quê đã lâu, lạ nước, lạ cái, cần có thời gian tìm hiểu.

Theo Giáo sư Lý Chánh Trung - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kể lại: Nhờ cô em gái có chồng là cán bộ kháng chiến, Lương Định Của liên hệ được với tổ chức cách mạng và được đón lên chiến khu, được đồng chí Phạm Hùng lúc đó là Phó Bí thư Xứ ủy tiếp và giao việc.

"Bác của chúng tôi..."

Năm 1954, ông cùng gia đình tập kết ra Bắc và làm việc tại Viện Nghiên cứu Nông - Lâm, Trường Đại học Nông nghiệp, rồi Viện trưởng Viện Cây lương thực và thực phẩm, Bộ Nông nghiệp. Năm 1955, ông được điều động về phụ trách Tổ lúa tại trại Quang Trung thuộc Viện Nghiên cứu Bộ Nông - Lâm nghiệp. Bà Nobuko được tổ chức phân công giúp ông trong công tác thí nghiệm lai cây lúa. Ngoài ra, bà còn làm biên dịch viên kiêm phát thanh viên tiếng Nhật Bản của Đài Tiếng nói Việt Nam. Điều bà thường tự hào kể với mọi người là: Bà không bao giờ quên là đã được dịch và trực tiếp đọc bản tin trưa ngày 30.4.1975 về Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng và miền Nam được hoàn toàn giải phóng bằng tiếng Nhật Bản.

Tháng 9.1946, Trường Đại học Nông nghiệp được thành lập và ông được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng. Là một nhà bác học trong lĩnh vực nông nghiệp, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của một trường đại học trọng điểm của đất nước, song ông sống, lao động không khác gì với các đồng nghiệp, vẫn làm việc trong căn phòng đơn sơ được phân từ trước đó. Ngoài giờ lên lớp và họp Đảng ủy, Ban Giám hiệu, ông vẫn xắn quần móng lợn, lặn lội trên những cánh đồng lúa thí nghiệm, làm việc như một nông dân thực thụ. Ông là người đầu tiên vận dụng một cách sáng tạo những kinh nghiệm canh tác của nước ngoài, chủ yếu là của Nhật Bản vào ngành nông nghiệp Việt Nam, như: cấy chăng dây thẳng hàng, cấy ngửa tay để lúa không bị ngập quá sâu dưới bùn, dùng cào cỏ Nhật Bản...

Lương Định Của đã lai tạo ra nhiều giống lúa mới, như nông nghiệp 1, lúa mùa muộn Saibuibo, Chiêm 314, NN75-1 và một loạt giống cây trồng mới mà bà con nông dân tỉnh Hải Hưng thường lấy tên ông để đặt cho sản phẩm, như dưa hấu ông Của (không hạt), dưa lê ông Của, khoai lang, rau muống, đu đủ, xương rộng ông Của... Ông cũng là tác giả của nhiều mô hình canh tác, điển hình là mô hình bờ vùng, bờ thửa; là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu được công bố trên các tập san ở trong nước và quốc tế.

Bác sĩ nông học Lương Định Của được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1967, Huân chương Lao động hạng Nhất và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Kỹ thuật đợt đầu tiên năm 1996. Ông cũng là đại biểu Quốc hội các Khóa II, III, IV, V; liên tục là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ năm 1955 đến 1975. Có nhiều con đường, trường học được đặt tên Lương Định Của ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Sóc Trăng. Năm 2006, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lập ra "Giải thưởng Lương Định Của", và trao tặng hàng năm cho các thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới... 

Năm 1975, trước yêu cầu tha thiết của Cuba, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cử ông dẫn đầu đoàn chuyên gia nông nghiệp sang giúp bạn nghiên cứu phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là phát triển cây lúa nước. Hoạt động của Đoàn do ông phụ trách được bạn đánh giá cao.

Xét về mặt cống hiến khoa học, như Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu đã nhận xét: “Bác sĩ nông học Lương Định Của là người đầu tiên ở Việt Nam chọn giống theo công nghệ gen theo học thuyết Mendel - Morgan, đỉnh cao của công nghệ hiện đại”. Còn, nhà khoa học - Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, người có nhiều năm gắn bó với Lương Định Của tâm sự với chúng tôi: “Bác của chúng tôi - tiếng gọi thân thương mà bà con nông dân tỉnh Hải Hưng dành cho ông, một người với trái tim cháy bỏng lòng yêu nước và nhiệt huyết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đã đem hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp khoa học nông nghiệp vào những buổi ban đầu, là một trong những nhà khoa học đặt những viên gạch đầu tiên cho khoa học - kỹ thuật Việt Nam để có được sự phát triển như ngày hôm nay”.

Ông đột ngột ra đi vào ngày 28.12.1975 ở tuổi 55 - tuổi đang độ chín về cả trí thức lẫn thực tiễn, là mất mát to lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong hồi ký của mình, bà Nakamura Nobuko - người bạn đời của ông viết rằng: “Tôi luôn luôn tin tưởng là tôi biết về anh Của nhiều nhất, nhưng chứng kiến cảnh tang lễ, niềm tin này bắt đầu lung lay. Nhiều cán bộ cao cấp, nhiều cơ quan, đoàn thể địa phương, nhiều đoàn dài học sinh, hàng trăm người nông dân xếp hàng trước cửa Bộ Nông - Lâm - Nghiệp... cho thấy tôi mới hiểu anh với tư cách một người chồng, người cha, chứ chưa hiểu hết sự đánh giá về mặt xã hội”.