NHỮNG ÁNH SAO KHUÊ:

Luật sư Phạm Văn Bạch: Để Nhân dân hưởng lẽ công bằng của chân lý thì thật không gì hạnh phúc bằng

- Thứ Hai, 04/07/2022, 05:47 - Chia sẻ

NGUYỄN TÚC - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Luật sư Phạm Văn Bạch sinh ngày 10.6.1910 tại Khánh Lộc, tỉnh Trà Vinh (nay là xã Phước Hảo, huyện Châu Thành). Cha ông là công chức làm việc tại Sài Gòn, mẹ mất sớm. Thuở nhỏ, Hai Bạch sống với ông bà ngoại và người cậu ruột, học tiểu học ở Trà Vinh, học trung học ở Cần Thơ và Mỹ Tho. 

Năm 1926, Hai Bạch bị đuổi học vì tham gia biểu tình, bãi khóa đòi thả bốn học sinh của trường bị bắt giam vì nghi “làm chính trị” và để tang cụ Phan Châu Trinh. 

Sau vụ việc trên, ông theo gia đình người cậu sang Pháp để học tiếp. Tốt nghiệp cử nhân Luật và Triết học tại Trường Đại học Lyon, ông tiếp tục làm nghiên cứu sinh. Năm 1936, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Luật với đề tài: “Hiến pháp Xô-Viết và thực tiễn Xô-Viết giải pháp đúng đắn cho vấn đề dân tộc và giai cấp”. 

Luật sư Phạm Văn Bạch (bên trái) 	Nguồn: toaan.gov.vn
Luật sư Phạm Văn Bạch (bên trái) Nguồn: toaan.gov.vn

Ông kể: “Để hoàn thành luận án trên, tôi đã đi sâu nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và từ đó tôi quyết tâm đi theo con đường chính trị”. 

Cũng vì bản luận án này, ông bị mật thám Pháp “rất quan tâm” và “chăm sóc hết sức chu đáo” trong những năm tháng ông lưu trú trên đất Pháp. 

Trở về nước với tấm bằng tiến sĩ luật, ông dễ dàng tìm được một vị trí xứng đáng trong bộ máy của Chính phủ Nam Kỳ tự trị. Song, ông đã từ chối mọi lời mời mà chọn nghề dạy học và làm “thầy cãi” để có điều kiện vừa kiếm sống, vừa có thời gian tham gia các hoạt động yêu nước. Ông tìm mọi cách liên lạc với các tổ chức bí mật của Đảng Cộng sản Đông Dương ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và nhận nhiệm vụ do tổ chức giao. 

Cách mạng tháng Tám thành công, ông được cử làm Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ. 

Tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất là vấn đề sống còn lúc này. Cần đặc biệt thu hút vào Mặt trận tầng lớp địa chủ, tư sản có tinh thần yêu nước, trí thức tiến bộ và có cảm tình với Việt Minh và giao cho họ đảm nhiệm những trọng trách trong bộ máy chính quyền cách mạng. 

Thực hiện chủ trương trên của Trung ương, Hồ Chủ tịch phân công đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Thường vụ Trung ương và Tổng bộ Việt Minh ngay sau Đại hội quốc dân Tân Trào kết thúc, đi thẳng vào Sài Gòn để thực hiện những nhiệm vụ “thượng khẩn” mà đồng chí đã viết trong cuốn hồi ký “Chặng đường nóng bỏng” như sau: 

"Ngày 27.7.1945 vào đến Sài Gòn, chúng tôi cùng nhau giải quyết một loạt những vấn đề cấp bách, trong đó có việc để một đồng chí Xứ ủy đang làm Chủ tịch UBND Nam Bộ thôi và thay vào đó là cử một trí thức ngoài Đảng có uy tín. Có đồng chí cứ đinh ninh rằng, cướp được chính quyền rồi, người cộng sản phải nắm giữ hết các chức vụ chính quyền thì cách mạng mới vững. Đấu tranh để đi đến nhất trí trong nội bộ Đảng để đồng chí mình đồng tình rút khỏi cương vị đang đảm nhiệm đã khó. Song tìm người vào cương vị đó còn khó khăn hơn nhiều. Phải tìm cho được một trí thức tiêu biểu, thực lòng yêu nước, lại được cả hai xứ ủy lúc đó đồng tình đâu phải dễ". 

Theo đề xuất của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và luật sư Phạm Ngọc Thuần, cuối cùng nội bộ nhất trí mời luật sư Phạm Văn Bạch đang ở Cần Thơ đảm nhiệm chức Chủ tịch UBND Nam Bộ. Nhưng anh Hai Bạch từ chối với lý do công việc quá sức, vả lại chưa từng làm bao giờ. Sau vài đêm thuyết phục, anh Bạch chấp nhận với điều kiện: đặc phái viên của Trung ương phải làm cố vấn, Xứ ủy phải giúp đỡ anh xây dựng cơ quan; hướng dẫn anh những công việc cần làm; giải tán đội vệ binh cộng hòa - một tổ chức quân nhân cách mạng mới được thành lập theo nghi thức quân đội hoàng gia Anh. Thay vào đó giúp anh xây dựng các đội tự vệ Nhân dân cách mạng. 

Đêm 22 rạng sáng 23.9.1945, quân đội Pháp được sự trợ giúp của quân Anh với danh nghĩa quân Đồng Minh, đã nổ súng tấn công các lực lượng của ta, chiếm UBND Nam Bộ. 

Cuối năm 1945 đầu năm 1946 chiến tranh lan rộng ra miền Nam Trung Bộ nên Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ được giải thể. Thay vào đó, Trung ương quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam và cử luật sư Phạm Văn Bạch làm Chủ tịch, luật sư Phạm Ngọc Thuần làm Phó Chủ tịch. 

Ngày 26.6.1946 bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và một đồng chí Xứ ủy Nam Kỳ đã giới thiệu luật sư Phạm Văn Bạch và được tổ chức kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. 

Ngày 28.1.1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 120/SL giải thể Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam, đồng thời thành lập Ủy ban Kháng chiến kiêm hành chính Nam Trung Bộ và Ủy ban Kháng chiến kiêm hành chính Nam Bộ. Luật sư Phạm Văn Bạch được cử làm Chủ tịch, luật sư Phạm Ngọc Thuần và Trung tướng Nguyễn Bình được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến kiêm hành chính Nam Bộ.

Ngày 25.3.1948, chữ kiêm được bãi bỏ và đổi thành Ủy ban Kháng chiến - hành chính Nam Bộ, luật sư Phạm Văn Bạch được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm giữ chức vụ này cho đến khi có Hiệp định Genève, tháng 7.1954. 

Có thể nói suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ (1945 - 1954), luật sư Phạm Văn Bạch là người đứng đầu bộ máy chính quyền ở Nam Bộ. Được sự lãnh đạo của Trung ương, của Xứ ủy, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, như báo cáo tổng kết 9 năm kháng chiến đã nêu: “Trong vùng ta kiểm soát không trộm cắp, pháp chế dân chủ Nhân dân của Chính phủ và chính quyền Nam Bộ luôn được tuân thủ ở các vùng giải phóng. Nguyên tắc tập trung dân chủ luôn được tôn trọng, không hề có hành động “phép vua thua lệ làng”. Công an các cấp thực sự là bạn của dân”.

Sau Hiệp định Genève, tháng 9.1954 Luật sư Phạm Văn Bạch được Trung ương điều ra Bắc và lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Phó Trưởng ban miền Nam của Trung ương Đảng (1954); Thứ trưởng Bộ Nội vụ (1954 - 1957) kiêm Phó Ban quan hệ Bắc - Nam, rồi Thứ trưởng Phủ Thủ tướng kiêm Ủy viên Ủy ban kiện toàn tổ chức Trung ương của Chính phủ. 

Về mặt tổ chức đoàn thể, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ thế giới (ADL), Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. 

Song công việc ông đảm nhiệm lâu nhất, say mê nhất, đóng góp nhiều công sức, tâm huyết nhất và mang lại hiệu quả nhất như ông đã từng tâm sự là: Chánh án tòa án Nhân dân tối cao. Ông giữ chức Chánh án từ năm 1959 cho đến ngày về hưu là tháng 6.1981. 

Với 21 năm trên cương vị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, như ông đã tâm sự trong Hồi ký: 

"Có những vụ án khi giám đốc xét và xử cuối cùng, Tòa án Nhân dân Tối cao phát hiện ra những tình tiết mới, chứng minh không thể chối cãi rằng: Người đã bị lên án là không có tội hoặc đáng được khoan hồng hoặc khẳng định được kẻ bị kết án đúng là đã phạm tội. Theo đó, bản án được sửa chữa hoặc bổ sung. Còn nhớ, trong một vụ án, tôi đã tìm ra kẻ nguyên cáo chính ra phải là bị cáo và như thế vì công lý, vụ án đã đảo ngược”. Và “công việc tòa án rất nhiêu khê. Vì vậy, xét xử phải “chí công vô tư”. Nhưng khi tháo gỡ được cái nút nào đó để Nhân dân hưởng lẽ công bằng của chân lý thì thật không gì hạnh phúc bằng. Nhiệm vụ của mỗi chánh án tòa án Nhân dân tối cao là phải tìm hiểu, soi thấu cho thật công minh”.