Khai thông “điểm nghẽn” giải ngân đầu tư công, gỡ khó cho nền kinh tế

- Thứ Năm, 01/06/2023, 18:43 - Chia sẻ

Đánh giá kết quả một ngày rưỡi thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội nhận định, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết, nhiều đề xuất, giải pháp được đưa ra để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong điều hành nền kinh tế.

ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc):
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo, đột phá hơn nữa

Khai thông “điểm nghẽn” giải ngân đầu tư công, gỡ khó cho nền kinh tế

Phiên thảo luận về tình hình KT-XH và NSNN luôn là một trong những nội dung được đông đảo cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi, bởi nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, phản ánh thực tiễn cuộc sống ở nhiều ngành nghề, địa phương, lĩnh vực hoạt động được các đại biểu Quốc hội đưa đến nghị trường, cùng thảo luận, phân tích, mổ xẻ. Qua một ngày rưỡi làm việc, có thể thấy không khí thảo luận trên nghị trường rất trách nhiệm, tâm huyết, sôi nổi, thẳng thắn. Bên cạnh các ý kiến phát biểu, nhiều đại biểu đã tham gia tranh luận để cùng làm rõ ngọn ngành các vấn đề.

Qua báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng như phát biểu tại phiên họp cho thấy, nền kinh tế của chúng ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, tạo áp lực lớn lên công tác điều hành kinh tế vĩ mô để có thể “về đích” trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025. Tôi đánh giá cao việc nhiều đại biểu đã hiến kế giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phản ứng chính sách nhanh nhạy hơn, điều hành linh hoạt các chính sách tài chính - tiền tệ nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ trình, thẩm định, phê duyệt quy hoạch… Mong rằng, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo và đột phá hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, không chỉ ở Trung ương mà cả ở các địa phương, cơ sở; đồng thời cần sự nỗ lực của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị; sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân để chúng ta có thể thực hiện được kế hoạch, mục tiêu đã đề ra.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị):
Sớm có giải pháp thỏa đáng, hành động kịp thời, gỡ khó cho nền kinh tế

Khai thông “điểm nghẽn” giải ngân đầu tư công, gỡ khó cho nền kinh tế

Các đại biểu đã đưa ra nhiều đánh giá khách quan về những kết quả đạt được, chỉ rõ các vấn đề còn khó khăn, thách thức trên mọi khía cạnh của đời sống KT-XH đất nước. Nhiều ý kiến đã phản ánh đúng, trúng thực tế ở địa phương, cơ sở trên mọi lĩnh vực cử tri và Nhân dân quan tâm; đồng thời, gợi mở nhiều giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường như hiện nay.

Tôi đặc biệt quan tâm đến một vấn đề nhức nhối được nhiều đại biểu phản ánh, đó là nghịch lý “tiền sẵn trong túi mà không tiêu được”. Đây chính là “cục máu đông” gây tắc nghẽn dòng tiền của nền kinh tế. Vấn đề này không mới, các nguyên nhân được cơ quan quản lý nhà nước chỉ ra mỗi năm cũng dài thêm, nhưng tới nay, điểm mấu chốt của vấn đề vẫn chưa thể giải quyết được triệt để. Theo tôi, nghịch lý này có nguyên nhân từ tổ chức thực hiện, song nếu mọi quy định đều rõ ràng, minh bạch, thì việc nêu “địa chỉ” trách nhiệm sẽ dễ dàng hơn.

Nền kinh tế hiện đang rất cần tiền, nhưng điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công chậm chắc chắn chưa thể được khai thông ngay một sớm một chiều. Do đó, trước mắt, Quốc hội cần tiếp tục cho phép hoãn, giãn, giảm một số khoản thuế, phí, kể cả kéo dài hiệu lực sang năm 2024 để hỗ trợ thiết thực, trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời, cũng giúp cân bằng với chi đầu tư phát triển thực hiện chậm. Đây là giải pháp cần thiết. Từ những phát biểu tâm huyết của các đại biểu, mong rằng, các thành viên Chính phủ sẽ sớm có giải pháp thỏa đáng và hành động kịp thời để gỡ khó cho nền kinh tế. Từ đó, tạo đà cho việc hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, cũng như cả giai đoạn 2021 - 2025.

ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu):
Khẩn trương triển khai đúng, trúng các giải pháp đã đề ra

Khai thông “điểm nghẽn” giải ngân đầu tư công, gỡ khó cho nền kinh tế

Qua phiên thảo luận, có thể thấy, những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023 là nhờ hiệu quả từ các chủ trương lãnh đạo của Đảng, các quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội và sự nỗ lực điều hành, quản lý vĩ mô với sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tinh thần đồng lòng, chia sẻ của Nhân dân và doanh nghiệp. Chính phủ đã rất quyết liệt và đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó có Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23.2.2023.

Tuy nhiên, như các đại biểu đã chỉ ra, thì vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, như trong những tháng đầu năm có 74/115 cơ quan giải ngân vốn dưới 15%, cho thấy khâu tổ chức thực hiện còn yếu. Bên cạnh đó, vấn đề giải phóng mặt bằng các dự án cũng đang là điểm nghẽn. Tôi cho rằng, nên giao vấn đề này cho địa phương thực hiện để bảo đảm tiến độ. Như với dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, khi Trung ương giao về cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương đã thực hiện giải phóng mặt bằng rất hiệu quả, đến nay đã hoàn thành 80%. tiến độ.

Các vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công hiện đang được Chính phủ quyết liệt tháo gỡ. Đề nghị khi Chính phủ có kết luận chỉ đạo về vấn đề này, gửi các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố để thống nhất thực hiện nghiêm túc cũng như để các địa phương không có dự án được tiếp cận nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong giải quyết vướng mắc về đầu tư các dự án. Qua phiên thảo luận, mong rằng, Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch thấu đáo, thực hiện đúng, trúng các giải pháp, đáp ứng mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước.

Thanh Chi - Trung Thành - Minh Trang thực hiện
#