Huy động trí tuệ tập thể, vì lợi ích của Nhân dân

Lời Toà soạn: Thực hiện Nghị quyết số  671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện đang được tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong phạm vi cả nước. Nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, Báo Đại biểu Nhân dân mở chuyên mục "Lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)" và mong nhận được ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân về dự luật đặc biệt quan trọng này!
LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): 

 HUY ĐỘNG TRÍ TUỆ TẬP THỂ, VÌ LỢI ÍCH CỦA NHÂN DÂN

Bài 1: Nhận diện những biến dạng trong nhận thức,  thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường LÊ MINH NGÂN khẳng định, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân rộng rãi nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ tập thể, tâm huyết của nhân dân để hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho phát triển đất nước.

Bài 1: Nhận diện những biến dạng trong nhận thức,  thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ

Hết sức nghiêm túc, cầu thị, có tiếp thu, giải trình rõ ràng

- Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ- UBTVQH ngày 23.12.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), là một trong những cơ quan được giao nhiệm vụ trực tiếp chủ trì lấy ý kiến Nhân dân với dự án luật đặc biệt quan trọng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai những công việc gì để thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, thưa ông?

- Xác định việc xây dựng dự án Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng thể chế của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2023, Bộ đã yêu cầu các đơn vị tập trung nguồn lực cho việc triển khai nhiệm vụ này. Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 671/NQ - UBTVQH15 ngày 23.12.2022 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ đã khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 170/NQ - CP ngày 31.12.2022 về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân để hoàn thiện dự án Luật, bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích của Nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Bài 1: Nhận diện những biến dạng trong nhận thức,  thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ -0

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như các tài liệu liên quan đến dự thảo Luật trên website lấy ý kiến Nhân dân (luatdatdai.monre.gov.vn) để các tổ chức, cá nhân có liên quan có điều kiện tiếp cận ngay với dự thảo Luật cũng như các tài liệu liên quan đến dự thảo Luật. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 170/NQ - CP của Chính phủ tại Quyết định số 120/QĐ - BTNMT. Kế hoạch đã đề ra nhiệm vụ và thời gian thực hiện việc phối hợp tổ chức các Hội nghị với một số Bộ, ngành, tổ chức các Đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương.

Để không chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng của dự thảo Luật, ngày 1.2.2023, Bộ đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị khẩn trương ban hành Kế hoạch và triển khai ngay việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn. Đến nay đã có 43 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch và triển khai thực hiện. Các địa phương còn lại cũng rất gấp rút trong khâu ban hành Kế hoạch và triển khai thực hiện.

- Thưa ông, qua tổng hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đâu là nội dung được Nhân dân quan tâm đối với dự Luật Đất đai (sửa đổi)?

- Là cơ quan soạn thảo dự án Luật, chúng tôi mong muốn người dân tham gia góp ý về toàn bộ nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), từ xây dựng bố cục, kỹ thuật văn bản đến các nội dung, chính sách trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gom lại 9 nội dung trọng tâm mà Nhân dân quan tâm và tham mưu cho Chính phủ lấy ý kiến nhân dân về những nội dung này. Đó là: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất.

Một số vấn đề liên quan đến các loại đất mang tính đặc thù cũng được người dân cho ý kiến là: chính sách về đất đai dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đất sử dụng đa mục đích, quản lý đất nông, lâm trường.

- Như ông chia sẻ, các ý kiến góp ý rất đa dạng, đa lĩnh vực, tập trung nhiều vào các vấn đề bất cập của Luật Đất đai hiện hành. Vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập hợp và xử lý những ý kiến đóng góp như thế nào, để xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sát thực tiễn nhất, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của Nhân dân?

- Bộ Tài nguyên và Môi trường rất mong muốn tập hợp được những ý kiến tâm huyết, trí tuệ của tất cả các tầng lớp Nhân dân, các nhà khoa học, chuyên gia về dự án Luật đặc biệt quan trọng này. Bộ cũng xác định rất rõ, việc tiếp thu ý kiến nhân dân phải hết sức nghiêm túc, cầu thị, đầy đủ, kịp thời, có giải trình rõ ràng. Và để thực hiện được đúng như yêu cầu đề ra, ngay trong quá trình tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 170/NQ - CP về Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ đã đề xuất gửi Báo cáo tổng hợp lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật cho Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật. Thông qua đó, các cơ quan của Quốc hội cũng sẽ giám sát sát sao việc tiếp thu, giải trình ý kiến Nhân dân của cơ quan soạn thảo. Bộ cũng phân công rất cụ thể cho nhóm chuyên gia trong Tổ biên tập dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải theo dõi từng nội dung để tổng hợp, giải trình một cách tốt nhất, bảo đảm sửa đổi Luật Đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đúng như kỳ vọng của Nhân dân và nhiệm vụ mà Nghị quyết 18 - NQ/TW ngày 16.6.2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đề ra.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân

Qua tổng kết việc thi hành Luật Đất đai hiện hành, định giá đất vẫn là vấn đề còn tồn đọng, chưa được tính đúng, tính đủ, chưa phù hợp với cơ chế thị trường trong điều kiện bình thường. Đây là vấn đề còn nhiều trăn trở từ phía cơ quan soạn thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, cơ quan có liên quan, đòi hỏi rất nhiều công sức, trí tuệ để nghiên cứu, gỡ khó.

Hiện nay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang quy định hai phương pháp định giá đất, đó là: bảng giá đất và giá đất cụ thể. Trên thế giới, các nước cũng áp dụng hai phương pháp này. Và thực tế cũng cho thấy, bảng giá đất chỉ áp dụng đối với trường hợp xác định đến thửa đất và bảo đảm thửa đất đó là chuẩn, phù hợp với thị trường trong điều kiện ít biến động. Với nước ta, quá trình chuyển dịch từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (hay còn gọi là các dự án phát triển) như xây dựng đô thị, dự án thương mại dịch vụ, nếu chỉ áp dụng giá đất theo bảng giá đất thì không bảo đảm tính đúng, tính đủ.

Ví dụ, một thửa đất, để định giá đất bao gồm nhiều yếu tố ảnh hưởng, đó là diện tích đất, mục đích sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất. Trong quy hoạch lại có vấn đề liên quan đến mật độ xây dựng, chiều cao công trình, giao thông, các cơ sở hạ tầng có liên quan, vấn đề khu vực, vị trí đất… Những yếu tố này đều có tác động lớn đến giá đất. Trong bảng giá đất mà UBND tỉnh lập hàng năm, thì không thể xác định được các dự án cụ thể theo quy hoạch sử dụng đất. Do vậy, nếu như chúng ta áp dụng bảng giá đất để tính cho một dự án phát triển, đặc biệt là dự án phát triển đô thị, dự án nhà ở thương mại, các dự án thu tiền sử dụng đất một lần thì không bảo đảm tính đúng, tính đủ.

Vì vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đưa ra giải pháp theo hướng:

Thứ nhất, các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất trên cơ sở chuyển đổi mục đích sử dụng đất có quy hoạch chi tiết, thì vẫn áp dụng giá đất cụ thể.

Thứ hai, bảng giá đất áp dụng trong trường hợp những nơi đã xây dựng bảng giá đất chính xác đến tận thửa đất và sự biến động đất đai không lớn, quy hoạch đã ổn định. Như vậy, việc xác định giá đất sẽ minh bạch hơn, từ số liệu đầu vào cho đến quá trình tính toán, xác định giá đất, bảo đảm tính đúng, tính đủ, phù hợp với thị trường trong điều kiện bình thường.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân

H.Ngọc ghi

Khơi thông nguồn lực đất đai

- Có ý kiến lo ngại, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ có những tác động nhất định đến thị trường bất động sản, làm tăng giá đất. Xin ông chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này?

- Mục tiêu của cơ quan soạn thảo khi sửa đổi Luật Đất đai là bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trong đó phải bảo đảm ổn định giá đất. Thực tế, giá đất tăng do tác động của nhiều yếu tố, như tài chính ngân hàng, trái phiếu, thị trường chứng khoán…Tôi nhấn mạnh, nhiệm vụ của Luật Đất đai (sửa đổi) là tạo ra cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, tránh việc đầu cơ đất đai như trong thời gian vừa qua.

- Chỉ còn gần một tháng nữa là hết thời hạn triển khai lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành kiểm tra, đôn đốc công việc này như thế nào, thưa ông?

 - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch kiểm tra, đôn đốc các địa phương. Theo đó, Bộ sẽ tổ chức các Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp làm việc theo các vùng kinh tế. Cụ thể ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc sẽ tổ chức tại Hòa Bình và Lạng Sơn, mời các địa phương trong vùng cùng tham dự; khu vực đồng bằng sông Hồng tại Thái Bình; vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung tại Nghệ An và Đà Nẵng; vùng Tây Nguyên tại Gia Lai; vùng Đông Nam Bộ tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu; vùng đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại TP. Cần Thơ.

Thời hạn tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là từ ngày 3.1 - 15.3.2023. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp và hoàn thiện Báo cáo lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật vào ngày 20.3.2022. Sau đó khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của nhân dân, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Chính phủ, trình các cơ quan của Quốc hội xem xét, thẩm tra.

- Ông kỳ vọng như thế nào với việc huy động trí tuệ toàn dân vào sửa đổi Luật Đất đai lần này?

- Đất đai là nguồn lực quan trọng của quốc gia. Luật Đất đai (sửa đổi) không chỉ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất mà mục tiêu là phải tạo ra đột phá mới, động lực mới cho phát triển KT - XH. Sửa đổi Luật Đất đai là một trong những nội dung lập pháp quan trọng nhất trong năm 2023 cũng như trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Thông qua việc lấy ý kiến của người dân, cơ quan hoạch định chính sách sẽ có thông tin về thực tế cuộc sống để đưa ra những quy định phù hợp với các điều kiện xã hội hiện có. Từ đó, bảo đảm văn bản pháp luật ban hành sẽ có tính khả thi cao, tránh được bệnh chủ quan, duy ý chí, áp đặt từ một phía. Bên cạnh đó, đây cũng là một hình thức tuyên truyền tích cực, chủ động để người dân nghiên cứu, thảo luận trước một bước với văn bản pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để văn bản đi vào cuộc sống khi được chính sách ban hành.

Cũng trong lần sửa đổi này, có rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu, cần sự góp ý, giải pháp từ phía người dân, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, hiệp hội, để đạt mục tiêu cao nhất: Tạo môi trường thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, làm sao từ chính sách đất đai để phục hồi, phát triển, bảo vệ chất lượng đất, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn văn hóa, lịch sử, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường kỳ vọng, qua tiếp thu ý kiến người dân sẽ gỡ bỏ được những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội, tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản.

Xin cám ơn ông!