Hiệu quả thực chất, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và Nhân dân

- Chủ Nhật, 12/06/2022, 06:00 - Chia sẻ

Nhìn lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV, ĐBQH THÁI QUỲNH MAI DUNG (Vĩnh Phúc) cho rằng, phiên chất vấn đạt hiệu quả cao, ngày càng đổi mới, đi vào thực chất, làm rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và Nhân dân.

Rõ trách nhiệm trong các vấn đề được chất vấn

- Quốc hội vừa kết thúc hai ngày rưỡi chất vấn các thành viên Chính phủ. Bà đánh giá thế nào về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này?

Ảnh: N. An
Ảnh: N. An

- Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn và mang tính xây dựng. Nội dung chất vấn bám sát các nhóm vấn đề đặt ra; có trọng tâm, trọng điểm; phản ánh đúng thực trạng điều hành, quản lý nhà nước của các bộ, ngành liên quan và mang đậm hơi thở cuộc sống. Theo dõi trên các phương tiện truyền thông, báo chí và các trang mạng xã hội về hoạt động chất vấn của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba, tôi thấy dư luận bàn luận rất sôi nổi về nội dung của các phiên chất vấn, qua đó cho thấy hoạt động chất vấn của Quốc hội thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và Nhân dân.

- Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn lần này có những nét đổi mới gì, thưa bà?

- Hoạt động chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục được đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, với cách thức tiến hành thực chất, “hỏi nhanh, đáp gọn”, đi thẳng vào vấn đề cốt lõi. Các đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân, đặt nhiều câu hỏi chất vấn hay, nêu lên những vấn đề vừa mang tính thời sự, cấp bách, vừa có tính cơ bản, chiến lược lâu dài trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước. Các “tư lệnh ngành” chịu trách nhiệm trả lời chính đối với các nhóm vấn đề chất vấn đã trả lời trách nhiệm, thẳng thắn, bám sát nội dung được chất vấn, giải tỏa được nhiều băn khoăn của đại biểu. Song bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu nhưng các bộ trưởng, trưởng ngành còn trả lời chung chung, chưa làm rõ trách nhiệm cũng như giải pháp khắc phục.

Tôi đặc biệt ấn tượng với sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Chủ tịch Quốc hội điều hành rất linh hoạt và đặc biệt có tính dẫn dắt, định hướng cao để nội dung chất vấn đi đúng trọng tâm, làm rõ được trách nhiệm và giải pháp thực hiện. Đơn cử, trong nội dung chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, khi Bộ trưởng trả lời câu hỏi của một số đại biểu về vấn đề điều chỉnh biểu thuế xuất nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng rà soát các loại thuế và phí, cái nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cái nào thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cái nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Hay liên quan đến vấn đề xe cứu thương được biếu, tặng trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không được hưởng chính sách miễn, giảm thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận quy định của pháp luật về vấn đề này chưa phù hợp với thực tiễn trong khi cơ quan thuế phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, thì Chủ tịch Quốc hội đã nhắc nhở ngay với Bộ trưởng: Nhiều vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch khác với luật hoặc chưa quy định trong pháp luật thì Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội đã giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành trong những trường hợp này. Như vậy, những vấn đề thực tiễn phát sinh trong giai đoạn phòng, chống dịch nếu khác với quy định của pháp luật thì bộ, ngành, Chính phủ cần kiến nghị, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ngay. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, "không máy móc ở chỗ này". Cách điều hành như vậy tôi cho là hết sức sâu sát, am hiểu tường tận thực tiễn công tác điều hành, quản lý nhà nước, giúp các bộ trưởng thấy rõ trách nhiệm của mình trong các vấn đề được chất vấn.

Giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ

- Bà đánh giá thế nào về phần trả lời của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc?

- Mặc dù đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng Bộ trưởng là người rất dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và đã thể hiện phong thái điềm tĩnh, tự tin, nắm vững các vấn đề được đại biểu Quốc hội chất vấn. Báo cáo của Bộ Tài chính gửi đến các đại biểu Quốc hội cũng như trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã cho thấy nỗ lực lớn của Bộ Tài chính trong công tác xây dựng các thể chế, chính sách và triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn thu, đáp ứng nhiệm vụ chi, tạo điều kiện cho tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư phát triển, đóng góp cho việc phát triển của nền kinh tế.

Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là việc triển khai Nghị quyết 43 ngày 30.1.2022 của Quốc hội về một số chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Tài chính đã rất tích cực tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành, triển khai thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội vẫn còn chậm, trong khi thời hạn giải ngân của gói chính sách này chỉ thực hiện trong 2 năm.

Bên cạnh đó, lĩnh vực tài chính hiện nay vẫn còn một số hạn chế như: thu ngân sách cao nhưng chưa bền vững; áp lực lạm phát trong trung hạn vẫn còn lớn, nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, nguyên vật liệu xây dựng… tăng cao; còn hiện tượng đầu cơ, găm giá, tăng giá bất hợp lý; mua sắm tập trung, đấu thầu mua sắm công, tiêu chuẩn, định mức chưa hướng dẫn cụ thể theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ; thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trì trệ…

Những tồn tại, bất cập nêu trên đòi hỏi Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Bộ trưởng, trưởng ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có các giải pháp căn cơ, hiệu quả, quyết liệt hơn nhằm khắc phục cho được, tập trung vào các vấn đề trọng tâm trong thời gian tới.

- Trực tiếp chất vấn Bộ trưởng về hai vấn đề: tình trạng chuyển giá trong khối doanh nghiệp FDI gây thất thu cho ngân sách nhà nước và giải pháp chấn chỉnh các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, bà có hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng?

- Đối với câu hỏi về tình trạng chuyển giá trong khối doanh nghiệp FDI, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã trả lời tương đối rõ những giải pháp mà Bộ Tài chính đã và đang tích cực thực hiện để chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI. Đối với nội dung chất vấn liên quan tới thị trường chứng khoán, Bộ trưởng mới chỉ nêu chung chung rằng Bộ đang tích cực theo dõi, giám sát và tăng cường thanh tra đối với những dấu hiệu bất thường, những vi phạm và xử lý nghiêm đối với việc thao túng, đưa ra những thông tin sai lệch trên thị trường chứng khoán. Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo thêm với Quốc hội trong lĩnh vực này, để làm rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý để bảo đảm thị trường phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững.

- Bà kỳ vọng gì sau các phiên chất vấn của Quốc hội?

- Tôi kỳ vọng rằng, sau các phiên chất vấn vừa qua, các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ thực hiện đúng, đủ, nghiêm túc, quyết liệt các kiến nghị được nêu trong Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV. Như Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh “chất vấn không phải chỉ để truy trách nhiệm mà quan trọng hơn là phải tìm ra được những biện pháp, giải pháp hữu hiệu nhất để xử lý những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước”. Các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước sẽ chờ đợi và giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, để hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội đạt được hiệu quả thực chất.

- Xin cảm ơn bà!

NHẬT AN thực hiện