Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể:

Dù khó khăn nhưng chúng ta sẽ cố gắng hoàn thành đúng tiến độ!

- Thứ Sáu, 10/06/2022, 05:42 - Chia sẻ

Giao thông vận tải là mạch máu của nền kinh tế. Giao thông vận tải phát triển đến đâu thì kinh tế phát triển đến đó. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của lĩnh vực được giao phụ trách, ngay từ những phút đầu tiên đăng đàn, với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, trách nhiệm và nắm chắc thực trạng vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chủ động nhận trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm liên quan đến “một số dự án chậm tiến độ”, “một số dự án chất lượng có vấn đề” cũng như “chậm giải quyết các vấn đề BOT”..., không chờ đại biểu Quốc hội chất vấn trực tiếp.

Dù khó khăn nhưng chúng ta sẽ cố gắng hoàn thành đúng tiến độ! -0
Ảnh: Quang Khánh

Cũng với tinh thần ấy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Hôm nay, chúng tôi rất may mắn được Quốc hội chọn để chất vấn. Đây cũng là một cơ hội lớn để ngành giao thông vận tải giải trình những vấn đề lớn mà xã hội quan tâm”.

Ngành giao thông vận tải không có tư duy nhiệm kỳ

Không né tránh tồn tại, hạn chế, vướng mắc, thẳng thắn nhận trách nhiệm cũng là tinh thần xuyên suốt được Bộ trưởng sôi nổi duy trì trong hơn 3 tiếng đồng hồ trả lời chất vấn trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước. Đặc biệt, trước mỗi vấn đề đại biểu đặt ra, Bộ trưởng đều có định hướng, đề xuất và phương án cụ thể xử lý, tháo gỡ. Qua đó, nhiều vấn đề của ngành giao thông vận tải được phân tích, mổ xẻ, soi chiếu công khai, minh bạch, cho thấy bức tranh khá toàn diện về lĩnh vực giao thông vận tải. Trong đó, bên cạnh những gam màu tươi sáng, những việc đã làm được, cũng có những mảng chưa thật sự sáng, tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ chưa được xử lý dứt điểm.

Trong số 30 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 9 đại biểu tham gia tranh luận, rất nhiều “khi nào”, “vì đâu”, “giải pháp gì” và “bao giờ”... - những câu hỏi mà các bộ trưởng, trưởng ngành đều “rất ngại”, nhưng là điều nhân dân và cử tri đang mong chờ - đã được các đại biểu ngắn gọn đặt ra với “tư lệnh ngành” giao thông vận tải. Và, Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến.

Một trong số những tồn tại như vậy liên quan đến câu chuyện vận hành, triển khai hệ thống thu phí không dừng ở các trạm BOT trên đường cao tốc với nhiều lần “xin gia hạn”, “xin lùi”. Đây là chủ trương đã bắt đầu thực hiện từ năm 2015. Tiếp đó, theo Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21.10.2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao BOT), việc thu phí không dừng được áp dụng thực hiện thống nhất trên cả nước từ năm 2019. Tuy nhiên, 5 năm đã trôi qua, sau nhiều lần gia hạn của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay việc triển khai thực hiện thu phí không dừng vẫn... “chưa hoàn thành”. Theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, công việc này phải hoàn thành trước ngày 30.6 năm nay. Với tiến độ như hiện nay thì thời hạn này “cũng gần như không đạt được”. ĐBQH Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chính của việc chậm trễ này là vì đâu? Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, từ ngày 31.7 năm nay, nếu trạm thu phí nào không lắp đặt hệ thống thu phí không dừng thì phải xả trạm, theo Bộ trưởng có thực hiện được không, hay tiếp tục xin gia hạn và xin lùi?

Trả lời câu hỏi khó mà vắt qua 2 nhiệm kỳ mà vẫn chưa giải quyết xong này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận, “trong quá trình triển khai, chúng tôi vướng mắc rất nhiều…”. Năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết 437 và giao cho ngành cũng như Chính phủ đến năm 2019 phải xong, tuy nhiên “với số lượng hơn 113 trạm BOT, quy mô khoảng 400 làn đường, Bộ Giao thông Vận tải đã rất nỗ lực, nhưng không thể nào đáp ứng kịp”. Với mốc thời hạn 30.6 tới đây, Bộ trưởng cho biết, toàn bộ các trạm BOT, trừ các trạm của Tổng Công ty đường cao tốc, phải hoàn thành đầy đủ các làn và mỗi trạm chỉ để 2 làn ở hai bên để giải quyết những tình huống phức tạp hoặc đột xuất, còn lại phải lắp đặt hệ thống thu phí không dừng. Đối với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), do vừa mới tháo gỡ được về cơ chế, nên Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo đến 31.7 tới là sẽ hoàn thành toàn bộ. “Theo tiến độ chúng tôi nắm được thì các công việc đều đang bảo đảm và Chính phủ đợt này rất cương quyết, nếu đến 30.6 các trạm BOT ngoài đường cao tốc mà chưa hoàn thành, chúng tôi sẽ cho dừng thu phí và tập trung làm, khi nào xong chúng ta sẽ cho thu phí lại. Riêng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng vậy, đến 31.7 nếu không thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ cũng sẽ cho xả trạm và khi nào lắp xong thì cho thực hiện lại”, Bộ trưởng khẳng định.

Trả lời câu hỏi có hay không tư duy nhiệm kỳ trong lựa chọn dự án đầu tư công ở ngành giao thông vận tải mà ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) đặt ra, Bộ trưởng nêu rõ: “Riêng ngành giao thông vận tải chúng tôi hoàn toàn không có tư duy nhiệm kỳ, bởi tất cả các quốc lộ, các cao tốc đều nằm trong các quy hoạch, mà quy hoạch này định hướng là nhiều chục năm, không phải chúng ta bộc phát đưa vào. Do đó, đa số dự án chúng tôi đăng ký với Quốc hội, với Chính phủ và những dự án lớn thường nằm trong các Nghị quyết của Đại hội Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng và tất cả căn cứ này bảo đảm tính khách quan, minh bạch”.

Chậm tiến độ không liên quan đến nguồn vốn mà do tổ chức thực hiện

Một tồn tại cũng được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời khá thỏa đáng tại phiên chất vấn, liên quan đến những dự án chậm tiến độ mà nhiều đại biểu đặt câu hỏi chất vấn.

Theo Bộ trưởng, “chậm hiện nay và chậm trước đây khác nhau”. Thực tế, chậm hiện nay không nhiều, vì theo Luật Đầu tư công hiện hành, khi Quốc hội biểu quyết hoặc Chính phủ biểu quyết thì đã có đủ tiền. Do đó, chậm hiện nay không liên quan đến nguồn vốn mà do khâu tổ chức thực hiện, ảnh hưởng của thời tiết, địa chất… Và, hiện tượng chậm cũng không nhiều như trước đây khi mà đa số dự án chúng ta bố trí nhỏ giọt, không đủ và kéo dài, đáng lẽ là 5 năm thì chúng ta kéo dài 7 - 8 năm dẫn đến lãng phí, chậm. Với quyết tâm hiện nay, Chính phủ kiểm tra hàng tháng và thứ Bảy, Chủ nhật cần thiết thì Thủ tướng, Phó Thủ tướng đi kiểm tra công trường, Bộ trưởng tin rằng, việc giám sát hiện nay sẽ sâu sát. Các cơ quan, địa phương cũng ý thức là dự án trọng điểm sẽ góp phần tạo đột phá cho phát triển kinh tế địa phương, do đó Đảng bộ, chính quyền các địa phương hiện nay rất quyết tâm. Trung ương cũng quyết tâm. Bộ Giao thông Vận tải chúng tôi tham mưu cũng rất quyết tâm, đã bố trí vốn thì chúng tôi sẽ cố gắng thanh toán đủ và bám sát để xử lý nghiêm, từ nhà thầu đến Ban quản lý dự án, các bộ phận có liên quan, kịp thời giải quyết vướng mắc để khắc phục tình trạng chậm tiến độ. “Chúng tôi có niềm tin là trong giai đoạn từ nay về sau, vấn đề chậm tiến độ của các dự án sẽ được giảm nhẹ”, Bộ trưởng nói.

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000km đường cao tốc và tới năm 2030 hoàn thành 5.000km đường cao tốc. Trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương, của Đại hội, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 18 ngày 8.10.2021, xác định tuyến đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 phải được hoàn thành và phải ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai dự án cao tốc này. Chính phủ đã trình Quốc hội và đã được Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, bổ sung nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tổng nguồn lực bố trí cho đường cao tốc là 339.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2021 - 2025.

Quan tâm chất vấn về nhiệm vụ này, nhiều đại biểu chỉ rõ những khó khăn, thách thức về vốn, giải phóng mặt bằng, tái định cư, vật liệu thi công… với ngành giao thông, đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để giải quyết những khó khăn sẽ phát sinh trong thời gian tới để bảo đảm thực hiện cho được mục tiêu xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021 - 2025.

Thừa nhận “đây là áp lực rất lớn”, song theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, những khó khăn đại biểu nêu đã và đang được từng bước giải quyết. Ví dụ, về vốn, thì “phải cân đối đủ vốn mới được phê duyệt, do đó chúng ta không lo về vốn nữa”. Về giải phóng mặt bằng, do dự án nằm rải rác ở nhiều tỉnh thành, do đó các tỉnh “phải tập trung toàn lực để thực hiện công tác này, cố gắng làm nhanh nhất để chúng ta có điều kiện thi công”… Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ sẽ có Ban Chỉ đạo Trung ương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. “Kế hoạch này là rất lớn, rất khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất lớn, tuy nhiên với kinh nghiệm của Bộ Giao thông Vận tải cũng như sự tham mưu của các bộ, ngành cho Chính phủ và các địa phương, chúng tôi tin rằng dù có khó khăn nhưng chúng ta sẽ cố gắng hoàn thành được đúng tiến độ”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giao thông vận tải cũng còn không ít vướng mắc, khó khăn, hạn chế. Chính vì thế, trong phát biểu kết luận phiên chất vấn với lĩnh vực này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, các Bộ trưởng và trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đã đề ra, khắc phục cho được tồn tại, hạn chế. Trong đó, cần tập trung triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ để đẩy nhanh việc phê duyệt và tiến độ triển khai dự án cũng như giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm khả thi cả về tiến độ và bố trí vốn cũng như chất lượng của công trình, nhất là trong thời gian tới sẽ đồng thời triển khai hàng loạt dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội.

Lam Giang