Điểm xuất phát của Luật Đất đai là từ cơ sở

Điểm xuất phát của Luật Đất đai là từ cơ sở -0

Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Trên cơ sở ý kiến của 228 đại biểu phát biểu tại Tổ ở Kỳ họp thứ Tư (tháng 10.2022) của Quốc hội, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Ban soạn thảo chỉnh lý một bước khá căn bản để đưa ra lấy ý kiến toàn dân.

Bước đầu đáp ứng được yêu cầu một số vấn đề an sinh xã hội

Trong các vấn đề an sinh xã hội, người dân đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ tìm kiếm việc làm sau khi bị thu hồi đất sản xuất, kinh doanh. Vấn đề này ở Luật Đất đai hiện hành đã quy định rất cô đọng, nhưng khi triển khai thực hiện còn một số thiếu sót. Ở không ít địa phương do nhiều lý do, trong đó có việc Luật cho phép “nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền” nên cán bộ thực thi chính sách cứ trao được gói tiền vào tay người bị thu hồi đất là coi như hoàn thành nhiệm vụ (hết trách nhiệm). Có trường hợp người bị thu hồi đất sản xuất cầm tiền, chưa tìm được việc làm mới rơi vào tình trạng “an cư mà không lạc nghiệp”, “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, không việc làm mà vẫn phải ăn, phải tiêu, trong chốc lát hết tiền, phải tìm nơi bấu víu. Từ đây phát sinh rất nhiều hệ lụy phức tạp, và là một trong những nguyên nhân xuất hiện những vụ việc khiếu kiện kéo dài...

Nay dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dành cả Chương VII - Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trong đó đã đề cập tương đối toàn diện cả bề rộng và chiều sâu vấn đề hỗ trợ tạo việc làm mới cho người bị thu hồi đất sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là Mục 3 - Hỗ trợ. Trong đó, có quy định mới vô cùng quan trọng, góp phần “yên dân”, đó là tạo điều kiện cho người có đất (bị) thu hồi có việc làm, có thu nhập ổn định để đảm bảo đời sống; Hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi lao động, người khuyết tật, người cao tuổi theo quy định của pháp luật (Điểm b khoản 1 và Điểm d, khoản 2, Điều 104 của dự thảo). Quy định mới này cùng với các quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất thì người có đất bị thu hồi có phần ổn định tâm lý, yên tâm hơn.

Với một vài vấn đề cụ thể, có thể thấy, trước hết, về vai trò của HĐND các cấp trong Luật Đất đai, theo lẽ tự nhiên, tất cả đất đai đều nằm ở xã, phường, làng, bản, buôn, ấp. Người dân muôn đời gắn chặt với đất đai - địa bàn nơi mình sinh sống. Bởi vậy, Điều 15 (Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai), tại khoản 2, dự thảo quy định: HĐND các cấp có các quyền: thông qua quy hoạch sử dụng đất của địa phương mình; thông qua Bảng giá đất; thông qua việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương; thông qua việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất (đất lúa; đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất rừng sản xuất)... Nhưng rất tiếc, quy định tổng quát thì khá đầy đủ, đúng đắn, song đi vào quy định cụ thể từng nội dung thì trong các quyền lại không đầy đủ, chỉ có HĐND 2 cấp (tỉnh và huyện) có quyền được thông qua quy hoạch sử dụng đất của địa phương mình (khoản 2, khoản 3 Điều 70) và HĐND cấp tỉnh thông qua bảng giá đất (khoản 1, Điều 154). Còn lại 3 quyền thiết thực nhất, có ý nghĩa nhất đối với cấp cơ sở, thì HĐND cả 3 cấp hầu như không có vai trò hay quyền hạn gì. Đó là Thẩm quyền thu hồi đất (Điều 82); Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (Điều 123); Xác định và thẩm định giá đất (Điều 155, 156). Đặc biệt là, cấp xã - nơi tất cả đất đai đều nằm ở đó, thì HĐND cấp xã hầu như hoàn toàn đứng ngoài cuộc, không có quyền gì về đất đai trên địa bàn mình sinh sống. Trong khi Hiến pháp đã chỉ rõ, “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”, (khoản 1, Điều 113 Hiến pháp 2013). Đất đai là vấn đề đại sự ở bất kỳ địa phương nào, nếu cơ quan quyền lực địa phương không thực sự có đầy đủ quyền lực về đất đai nguy cơ sẽ làm phát sinh nhiều việc phức tạp. Đây cũng chính là một trong những hạn chế của Luật Đất đai năm 2013, và cũng là một trong những nguyên nhân của các vụ khiếu kiện đông người, kéo dài về đất đai.

Vì vậy, HĐND các cấp - cơ quan quyền lực của địa phương, phải có trách nhiệm, có vai trò trong các công việc được quy định tại khoản 2, Điều 15 và tại các điều đã dẫn của dự thảo theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn luật định. Nghĩa là HĐND các cấp phải thông qua quy hoạch sử dụng đất đai; thông qua bảng giá đất, giá đất cụ thể; có thẩm quyền trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Cũng phải nói thêm rằng, chỉ có người tại cơ sở mới thấu hiểu, tường minh đất đai nơi họ đang sinh sống, mới nắm được thực chất giá đất trên thị trường. Mặt khác, HĐND - chính quyền cấp cơ sở, khi đã có vai trò, có trách nhiệm thì trong tổ chức thi hành Luật, họ sẽ lãnh đạo nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành, vì chính họ đã là người trong cuộc theo luật định.

Một số vấn đề về thu hồi đất (Chương VI) 

 Khoản 1 Điều 83 về nội dung thông báo thu hồi đất, một hạn chế khác của Luật Đất đai hiện hành về thu hồi đất là mới chỉ quan tâm đến công việc của Nhà nước mà chưa tính thật đầy đủ đến hậu quả đời sống sau khi bị thu hồi đất của người dân nên thông báo chỉ quy định kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm. Dự thảo lần này có tiến bộ hơn, sau công việc của Nhà nước là tương lai cuộc sống của người dân sau thu hồi đất, do đó đã bổ sung, có kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tuy nhiên, có lẽ quy định như thế chưa đủ, bởi điều người dân (người có đất sản xuất bị thu hồi) quan tâm hơn cả là việc làm để bảo đảm cuộc sống lâu dài sau khi bị thu hồi đất. Bởi vậy, nên nghiên cứu bổ sung nội dung về hỗ trợ tạo việc làm cho người bị thu hồi đất sản xuất (tiếp sau tái định cư).

Tương tự như vậy, tại Điều 85, cụ thể là khoản 1, Điểm b, cũng phải quy định đầy đủ như trên, tức là: b) Dự kiến kế hoạch triển khai các bước để thực hiện; dự kiến nhu cầu, khu vực bố trí tái định cư, nhà ở, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ tạo việc làm cho người bị thu hồi đất sản xuất; 

Điểm xuất phát của Luật Đất đai là từ cơ sở -0

Và khoản 3, điểm a của điều này nên viết lại như sau: a) Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phương án tạo việc làm theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phương án tạo việc làm...

Tiếp đó, tại khoản 4, điểm a của điều này cũng nên thêm vào cuối khoản cụm từ phương án hỗ trợ tạo việc làm, và điểm b khoản này cũng thêm cụm từ như điểm a, cụ thể là: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở UBND cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phương án hỗ trợ tạo việc làm đến từng người có đất bị thu hồi...

Quy định tổng quát như trên để đến Chương VII- Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư- mới có căn cứ để triển khai quy định cụ thể về các nội dung của việc hỗ trợ.

Vai trò của chính quyền cấp xã về Bảng giá đất và giá đất cụ thể

Đây là vấn đề rất thiết thực đối với người có đất bị thu hồi và là trách nhiệm không thể thiếu đối với chính quyền cấp xã (là cấp duy nhất trong 4 cấp chính quyền) trực tiếp với đất đai, nhưng trong dự thảo Luật, tại các Điều 154 - Bảng giá đất; Điều 155 - Giá đất cụ thể; Điều 156 - Hội đồng thẩm định giá đất và Điều 157- Tư vấn xác định giá đất, đều chưa có vai trò gì của chính quyền cấp xã. 

Mặt khác, thực tế cho thấy, cấp huyện cũng rất khó nắm bắt tường tận đến từng xã, nhất là những xã miền núi, Tây Nguyên (ở Tây Nguyên có xã có diện tích tới 1.113,9 km2, lớn hơn nhiều so với diện tích của một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ). Do vậy, rất cần thiết phải xác định vai trò của chính quyền cấp xã trong các điều nói trên, chí ít là Điều 155 - Giá đất cụ thể. Có thể bổ sung vào điểm b, khoản 2 Điều 155 ngắn gọn như sau: b) UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện trên cơ sở ý kiến của UBND các xã trong huyn.

Hy vọng rằng, với sự đóng góp ý kiến tâm huyết, thiết thực của toàn dân, Ban soạn thảo sẽ có được một dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thiện, chất lượng, khoa học, đồng bộ khả thi hơn để trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm tới.