Cơ hội nhìn lại và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh

- Thứ Năm, 25/08/2022, 05:40 - Bản đầy đủ

Tại buổi làm việc với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn công tác của Quốc hội đã nhận được nhiều ý kiến của các hiệp hội về chính sách, pháp luật hiện hành. Các hiệp hội cho rằng, việc đưa ra sửa đổi, bổ sung một số đạo luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… là một cơ hội nhìn lại tổng thể hệ thống pháp luật kinh doanh của nước ta. 

Hoàn thiện pháp luật về đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ hàng đầu

Phát biểu với các hiệp hội doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước. Các quyết sách từ Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ luôn vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp và đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm. Kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, trong đó hiến định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 73 luật, pháp lệnh, nghị quyết, trong đó có nhiều đạo luật quan trọng về đầu tư, kinh doanh. Ngay đầu nhiệm kỳ Khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19 về định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, trong đó, việc hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, môi trường pháp luật, cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm phát biểu tại buổi làm việc

Đại diện các hiệp hội cho biết, hành lang pháp lý về sản xuất, kinh doanh dần hoàn thiện đã tạo điều kiện cho nhiều ngành hàng phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Đơn cử như ngành dệt may đã đạt được sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm, khung pháp lý hiện hành đã tạo điều kiện để ngành dệt may tận dụng được các cơ hội phát triển trên thị trường quốc tế. 

Mặc dù hiện nay, doanh nghiệp vẫn phản ánh về tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số văn bản pháp luật, tạo ra các “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư kinh doanh, nhưng Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, việc Quốc hội đã có kế hoạch tổng thể chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ, trong đó nhiều đạo luật quan trọng, có tác động rất lớn đến người dân, doanh nghiệp hiện đang được xem xét sửa đổi, bổ sung như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… là cơ hội tốt để nhìn lại, đánh giá tổng thể hệ thống pháp luật kinh doanh, hiện hành, từ đó khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo và tiếp tục hoàn thiện với chất lượng cao hơn nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. 

Sớm hoàn thiện khung pháp lý về phát triển công nghiệp

Một nội dung quan trọng cũng được các hiệp hội kiến nghị với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải là Quốc hội "cần quan tâm hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng, tạo động lực phát triển công nghiệp nói chung, cũng như công nghiệp hỗ trợ nói riêng.".

Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Nguyễn Hoàng cho biết, thời gian qua, một số chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được ban hành, đáng chú ý là Nghị định số 111/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được Chính phủ ban hành. Năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2015 - 2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo. Tuy vậy, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, các chính sách hiện hành chưa thực sự đi vào đời sống. Hiện nay, có thể “đếm trên đầu ngón tay” doanh nghiệp trong nước được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách đối với ngành công nghiệp hỗ trợ. Do vậy, dù cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã cố gắng chủ động làm được một số việc, mang lại kết quả bước đầu… nhưng vẫn chưa đủ để tạo chuyển biến rõ rệt.

Theo phản ánh của đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đang đứng trước nhiều khó khăn về chứng chỉ sản xuất toàn cầu; kết nối đầu ra với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy mô lớn đang ở Việt Nam; chất lượng nguồn lao động; tiếp cận công nghệ mới, thủ tục nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng; tiếp cận đất đai… Đặc biệt là khó khăn về vốn và tài chính do doanh nghiệp FDI yêu cầu doanh nghiệp nước ta sản xuất qua 24 tháng thực hiện và 12 tháng hiệu chỉnh mới được thanh toán. Song, ngân hàng thương mại trong nước sau 6 tháng đã tiến hành thu lãi theo quy tắc “sáng gieo, chiều gặt”, gây khó khăn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Nêu cụ thể hơn về vấn đề này, Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh hiện có cơ hội để cung cấp các sản phẩm cho một số tập đoàn FDI lớn đầu tư tại nước ta. Nhưng, với lãi suất vay vốn hiện nay từ 8 đến 10%, doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… vì họ được tiếp cận nguồn vốn chỉ với lãi suất từ 1% đến 2%, thậm chí vốn ưu đãi còn thấp hơn nữa. Đó là chưa nói đến sự phân biệt giữa gia công với sản xuất. “Chính sách như vậy sẽ tạo ra động lực ngược, thay vì mua sắm trong nước để tăng giá trị gia tăng, thì chúng ta sẽ làm hợp đồng gia công là chủ yếu”, Phó Tổng Thư ký VCCI nhấn mạnh. 

Ghi nhận ý kiến của các hiệp hội tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, để các luật sửa đổi đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội cần nghe được thông tin đa chiều, từ nhiều đối tượng, chủ thể khác nhau, trong đó có cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân. Đây là nguồn thông tin quan trọng từ thực tiễn để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật trong thời gian tới, bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, với kiến nghị về hoàn thiện khung pháp lý phát triển công nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội gợi mở, các Ủy ban của Quốc hội cần phối hợp với VCCI tổ chức hội nghị, tọa đàm chuyên sâu để lắng nghe kỹ lưỡng ý kiến doanh nghiệp về khung pháp lý đối với lĩnh vực này.

Lê Bình

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP