Bài cuối: Chọn đúng người đứng đầu dẫn dắt cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp

NẮM CHẮC TƯ TƯỞNG CỦA TỔNG BÍ THƯ, CHỦ ĐỘNG, HIỆU QUẢ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Bài cuối:
Chọn đúng người đứng đầu dẫn dắt cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp
TS. NHỊ LÊ - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Ai chịu trách nhiệm trước hết trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Tất nhiên, không thể là hai loại: những kẻ có nguy cơ tham nhũng và đồng lõa với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Vì thế, cả dân tộc, trước hết là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tất cả mọi người Việt Nam, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, không trừ một ai, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị. “Người đứng đầu các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm trực tiếp về tiến độ, kết quả xử lý các vụ việc, vụ án theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo” (146). 

Thành bại về chiến lược và trước mắt là ở đây. 

Nói khái lược, người đứng đầu ở tất cả các cấp trong hệ thống chính trị, trước hết là các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Bộ Chính trị, phải thật sự nêu gương và có trách nhiệm thực thi gương mẫu theo các Quy định: số 101 của Ban Bí thư khóa XI, số 55 của Bộ Chính trị khóa XII và số 08 của Trung ương Đảng khóa XII, trên phương diện này gắn chặt với các Quy định 37 và 96 khóa XIII...

Nhớ ngày 19.8.1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Tôi không sợ bọn đế quốc, bọn phản động. Đồng bào sẽ đánh thắng chúng. Tôi chỉ sợ những hành vi XẤU XA của cán bộ, làm cho đồng bào MẤT lòng tin với chế độ, Nhà nước và Đảng. Đồng bào sẽ xa lánh, không tin chúng ta. Đưa những người yếu kém về năng lực, nhất là kém cỏi về phẩm chất, nhân cách vào bất kỳ nhiệm vụ nào cũng NGUY HẠI. 

Những vụ "đại án" của 5 năm từ 2019 tới 2023, với hơn 170 cán bộ cao cấp và cấp cao bị xử lý vì tham nhũng hoặc liên quan tới tham nhũng, tiêu cưc, càng cho thấy về vấn đề sinh tử, thành bại của việc chọn người đứng đầu trong công cuộc khó khăn này.

Vì thế, người đứng đầu các cấp ủy và hệ thống chính trị phải Gương mẫu - Trung thực - Liêm sỉ - Trong sạch và Kỷ luật. Ai không được tối thiểu như thế, thì nên chủ động từ chức, từ nhiệm, trước khi bị xử phạt. Đó không chỉ là liêm sỉ mà là trách nhiệm. Trong các đại cuộc chính sự, nhất là ở cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sinh tử này, cái thắng không chỉ nằm ở nơi đơn thuần chính sự hay quan phương chỉ trên chiến trường, mà cái thắng ở đây, lại trước hết và căn bản nằm ở chính lòng người, mà người đứng đầu các cấp của hệ thống chính trị giữ vị thế tiên phong. Do đó, để “kiên quyết chống tư tưởng và lối sống chạy theo vật chất, tiền tài, tính ích kỷ, vụ lợi, ăn cắp của công, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa” (217), cần “siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, bộ máy nhà nước, nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của Nhân dân” (418).

Và vì thế, tất cả phải sống trong lòng Nhân dân và chịu sự giám sát, kiểm soát của Nhân dân! Thực tế 10 năm qua cho thấy, hơn 70% số vụ việc trộm cắp đủ loại, do Nhân dân và công luận phát hiện hoặc làm đầu mối để các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ của mình, há điều đó chẳng đủ để thấy sức mạnh lòng dân là tinh tường và vô địch đó sao? Ai tham nhũng, ăn cắp gì và ăn cắp thế nào, xin cứ hỏi Nhân dân và Nhân dân sẽ chỉ cho. Trong việc chọn người, ai trong sạch, ai hiền tài, ai phế nhân, ai vì Dân chân thật, ai ngụy quan gian trá… xin cứ hỏi Nhân dân, theo đó mà cẩn chọn người phụ trách các cấp phòng, chống tham nhũng, chưa bao giờ thấy sai. 

Nay, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nếu người đứng đầu xứng đáng, lại được Lòng Dân tin tưởng, khi Nhân dân ủng hộ và tham gia thì vạn sự dù nan tới mấy cũng tất thành. Nhưng, phải cổ vũ, giữ niềm tin của Nhân dân và bảo vệ vô điều kiện Nhân dân tham gia chống tham nhũng. Và, Nhân dân cần được biết đâu là quyền hạn của mình, phải được mở mang toàn diện, để cùng Đảng và Nhà nước kiểm soát thời cuộc, trực tiếp ở đây là đại cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.  

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí hiện đã và đang là quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của toàn thể đồng bào và sự hợp tác chặt chẽ từ quốc tế. “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt. Quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực không chỉ là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách mà đã trở thành mối quan tâm chung của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên và cả bạn bè quốc tế” (523). Đó là sức mạnh tổng hợp sự hoàn chỉnh của cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nguyên tắc hành động, phương pháp tiến hành trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, chỉ đạo đã phát huy hiệu quả, được khẳng định qua thực tiễn, với nhiều bài học kinh nghiệm quý, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn; trong đó, nhiều nội dung đã được thể chế hóa thành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.  

Có thể coi đây là hệ thống tư tưởng mang tính “cẩm nang” về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. 

Toàn bộ tư tưởng và hành động đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ, cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội, chính khách, học giả nước ngoài đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam - một cuộc chiến cam go,  sinh tử, vì sự thịnh vượng của Đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân và vì sự trường tồn và phát triển của Dân tộc. 

(*)Những trích dẫn trực tiếp, ghi số trong ngoặc đơn (….) đều dẫn từ cuốn sách "Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023.