Những ánh sao khuê:

Bác sĩ Phùng Văn Cung - tấm gương tiêu biểu cho lớp trí thức thời đại Hồ Chí Minh

- Thứ Hai, 20/02/2023, 06:11 - Chia sẻ

NGUYỄN TÚC - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với bác sĩ Phùng Văn Cung là dịp ông làm Trưởng đoàn quân dân miền Nam ra thăm miền Bắc và đến thăm Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1969. Sau này, khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, các tổ chức Mặt trận của hai miền thống nhất thành một Mặt trận chung, là cán bộ chuyên trách của Mặt trận Trung ương, tôi có hơn 10 năm giúp việc cho ông khi ông là Ủy viên Đoàn Chủ tịch.

Tiêu biểu cho lớp thầy thuốc “lương y như từ mẫu”

Bác sĩ Phùng Văn Cung sinh ngày 15.5.1909 tại xã Tân An, huyện Châu Thành, Vĩnh Long trong một gia đình nông dân. Nhờ chăm học và học giỏi nên ông liên tục được cấp học bổng để học hết trung học và đại học.

 Năm 1936 khi đang học đại học, ông kết hôn với bà Lê Thoại Chi quê Sa Đéc, con gái một gia đình giàu có. Sau ngày cưới, bà Chi ra Hà Nội nuôi chồng ăn học. Năm 1937, ông nhận bằng bác sĩ y khoa tại Trường Y Hà Nội. Do không chịu hợp tác với Pháp, ông bị đẩy sang Phnom Penh.

Ở bất cứ nơi nào có phòng mạch của ông, dù ở trong nước hay ở Phnom Penh, bệnh nhân đến khám đều rất đông và thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội từ dân thường đến tầng lớp thượng lưu. Bệnh nhân đông vì ông giỏi nghề, song quan trọng hơn là ông rất thương bệnh nhân, luôn tâm niệm “lương y như từ mẫu”, xem bệnh nhân như những người thân của mình, tận tình chăm sóc. Đối với bệnh nhân nghèo, nhiều khi ông khám và chữa bệnh miễn phí, một điều lạ hiếm thấy ở thời kỳ đó. Vì vậy, bệnh nhân, đồng bào và đồng nghiệp rất mực tin yêu, kính nể và quý trọng ông.

Ngày 9.3.1945 Nhật đảo chính Pháp, ông tản cư về quê vợ mở phòng khám bệnh giúp dân nghèo và tham gia cách mạng. Cách mạng tháng Tám diễn ra trên phạm vi cả nước. Hưởng ứng Lời kêu gọi của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ông tham gia cướp chính quyền ở Sa Đéc - nay là một thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp.

Ngày 23.9.1945, thực dân Pháp nổ súng tại Sài Gòn chống lại chính quyền cách mạng. Cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Nam bắt đầu. Tuy chưa có điều kiện ra chiến khu nhưng với lòng yêu nước, thương dân vốn có và lương tâm của người thầy thuốc, ông hết lòng cứu chữa bệnh nhân, miễn phí cho bệnh nhân nghèo, làm cơ sở che trở cho cán bộ cách mạng hoạt động.

Năm 1954, thực hiện Hiệp định Geneve, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Để chuẩn bị cán bộ sau này cho việc thống nhất và tái thiết đất nước, ông gửi hai cậu con trai của mình là Phùng Ngọc Thạch và Phùng Ngọc Ân tập kết ra Bắc. Đến năm 1960, ông lại gửi tiếp hai cô con gái là Phùng Ngọc Sương và Phùng Ngọc Lan qua đường Campuchia ra Bắc học.

Năm 1957 ông làm Giám đốc y tế các tỉnh Châu Đốc (nay là một thành phố thuộc tỉnh An Giang) và Rạch Giá (nay là Kiên Giang) và sau đó chuyển về làm bác sĩ bệnh viện Phúc Kiến ở Chợ Lớn (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi). Tuy là một công chức cao cấp của chính quyền Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ, nhưng ông luôn luôn chống lại chính sách của Mỹ - Diệm, nhất là chính sách đối với trí thức như: chính sách trưng tập bác sĩ vào quân đội, bắt bác sĩ học tập “tố cộng”… Ông bí mật ra bưng biền giúp các bác sĩ kháng chiến điều trị cho thương binh.

Tuy sống trong lòng địch, nhưng tâm hồn ông luôn hướng về cách mạng. Bất chấp mọi khó khăn, kể cả nguy hiểm đến tính mạng, ông vẫn một lòng, một dạ hướng về Bác Hồ, sẵn sàng bảo vệ, giúp đỡ cán bộ kháng chiến hoạt động trong nội thành và gửi thuốc men ra chiến khu.

Tháng 9.1959, hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác Hồ, của Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam, được bà Thoại Chi đồng tình, ủng hộ, ông từ bỏ nhà cửa, sự giàu sang và danh vọng nơi đô thị với hai bàn tay trắng mang cả gia đình lên chiến khu miền Đông Nam Bộ, chấp nhận một cuộc sống gian khổ của chiến tranh với mưa bom bão đạn hàng ngày như mọi cán bộ và chiến sĩ khác, chuẩn bị cho sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ngày 20.12.1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Bác sĩ Phùng Văn Cung cùng 4 thành viên khác là các vị: Nguyễn Văn Linh - đại diện Xứ ủy Nam Kỳ, Ung Ngọc Ky - đại diện Đảng Dân chủ miền Nam Việt Nam, Nguyễn Văn Hiếu - Trưởng ban sáng lập Đảng Xã hội cấp tiến miền Nam Việt Nam được cử vào Ủy ban Trung ương lâm thời cùng nhiều vị khác. Bác sĩ Phùng Văn Cung được cử làm Quyền Chủ tịch. Gần một tháng sau ngày công bố thành lập, nhân dịp Tết Cổ truyền dân tộc, đúng ngày mùng 1 Tết Tân Sửu (15.2.1961) tại khu căn cứ Tây Ninh đã diễn ra một sự kiện lịch sử: Lễ ra mắt Ủy ban Trung ương lâm thời Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam gồm: bác sĩ Phùng Văn Cung, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và ông Võ Chí Công.

Tại buổi lễ ra mắt này, lần đầu tiên lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với hai màu xanh đỏ giữa có ngôi sao vàng 5 cánh xuất hiện giữa rừng núi chiến khu. Cũng tại buổi lễ ra mắt, bác sĩ Phùng Văn Cung - Quyền Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chủ trì việc kết nạp thành viên mới của Mặt trận. Đó là lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tại Đại hội lần thứ nhất họp từ ngày 16.2.1962 đến 3.3.1962, bác sĩ Phùng Văn Cung và các vị Võ Chí Công, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, nhà sư Son Vong, đại biểu dân tộc Tây Nguyên Y Bih Aleo được bầu làm Phó Chủ tịch. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, người vừa được cách mạng giải thoát khỏi nhà tù của địch trở về được bầu làm Chủ tịch.

Một con người yêu nước, thương dân

Với tài năng, đức độ và uy tín của mình, ông được các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đội ngũ trí thức yêu nước kính nể, mến phục và bầu ông làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của miền Nam, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của miền Nam Việt Nam. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tháng 6.1969 Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam đã quyết định thành lập Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được cử làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được cử làm Chủ tịch Chính phủ, bác sĩ Phùng Văn Cung được cử làm Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Để trực tiếp báo cáo với Trung ương Đảng và Bộ Chính trị về sự trưởng thành vượt bậc của cách mạng miền Nam, đồng thời để chuyển lời thăm hỏi của đồng bào miền Nam, của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam đến Trung ương Đảng, Chính phủ và đồng bào miền Bắc, cuối năm 1969, bác sĩ Phùng Văn Cung dẫn đầu Phái đoàn nhân dân miền Nam ra thăm miền Bắc. Trở lại miền Nam, bác sĩ cùng các vị lãnh đạo Mặt trận, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nhân dân miền Nam tiếp tục chiến đấu cho đến ngày toàn thắng.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, bác sĩ Phùng Văn Cung trở lại sống và làm việc tại Sài Gòn, để lại trên chiến trường Tây Nam Bộ người bạn đời thân yêu - bà Lê Thoại Chi - một nữ cán bộ Mặt trận Dân tộc giải phóng tài năng và đức độ, đã bị địch giết hại trên đường đi công tác.

Tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận của cả nước diễn ra từ 31.1 đến 4.2.1977, bác sĩ Phùng Văn Cung được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy viên Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai MTTQ Việt Nam, ông được tái cử vào chức Ủy viên Đoàn Chủ tịch.

Nói đến cuộc đời và sự nghiệp của bác sĩ Phùng Văn Cung, không thể không nói đến người bạn đời của ông; bà Lê Thoại Chi không chỉ là một nhà yêu nước, mà còn là chỗ dựa vững chắc cho ông hoạt động cách mạng. Là con gái của một gia đình khá giả, sau khi lấy chồng, bà khăn gói ra Bắc nuôi chồng ăn học. Bà gắn bó với cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống thực dân Pháp. Bà cùng chồng nuôi dưỡng cán bộ, chữa trị cho thương binh, giúp đỡ người nghèo. Có lần bà đã mạnh dạn cho ông nhận một nữ cán bộ cách mạng làm người yêu để ông đề nghị chính quyền địch thả khỏi trại giam. Tháng 3.1965 bà được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam. Khi nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, bác sĩ Phùng Văn Cung xúc động phát biểu: “đáng lẽ Huân chương này dành cho vợ tôi”.

Do tuổi cao, sức yếu, ông lâm bệnh và qua đời vào ngày 7.11.1987 thọ 78 tuổi.

Bác sĩ Phùng Văn Cung là tấm gương tiêu biểu cho lớp trí thức của thời đại Hồ Chí Minh, một con người yêu nước, thương dân; tất cả vì dân, vì nước vì hòa hợp dân tộc. Trong lĩnh vực cứu người, ông tiêu biểu cho lớp thầy thuốc “lương y như từ mẫu” được người bệnh kính yêu, mến thương và rất cần được đề cao và phát huy trong bối cảnh hiện nay.

Nguyễn Túc