Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Báo cáo về kết quả kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023 của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư được chuẩn bị hết sức kỹ càng, cẩn thận, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến từ các bộ, ngành, các địa phương và sự tham gia đóng góp ý kiến thấu đáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Điều đáng mừng là trong bối cảnh hết sức khó khăn của năm 2022 – khó khăn hơn mức dự báo, đặc biệt là tác động của dịch bệnh Covid-19, đã có những lúc, các tổ chức thế giới đánh giá khả năng hồi phục kinh tế của nước ta đứng ở cuối cùng của thế giới nhưng đến thời điểm này lại đánh giá Việt Nam phục hồi đứng thứ nhất, thứ hai và đang đi ngược lại với thế giới", Phó Chủ tịch Quốc hội nói. Cụ thể, hiện nay, trong khi thế giới lạm phát thì Việt Nam ổn định, trong khi thế giới suy giảm thì Việt Nam tăng trưởng, trong 2 quý gần đây thì tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2011 đến nay với 14/15 chỉ tiêu đạt kế hoạch và vượt. Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt 8,83%, nếu 3 tháng cuối năm đạt 5,9% thì đạt 8%, vượt 5,9% thì vượt 8%, tức là vượt kế hoạch đề ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh khó khăn đó thì những kết quả đạt được đến từ sự chỉ đạo, cố gắng của cả hệ thống chính trị, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, mặt trận, đoàn thể và của toàn thể nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đóng góp cho thành công chung đó, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới. Quốc hội đã đồng hành, chia sẻ, kịp thời ban hành thể chế; sửa đổi, bổ sung thể chế; Quốc hội giám sát, ban hành những chính sách quan trọng để Chính phủ thực hiện.
Đó là, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường để ban hành 1 luật sửa 9 luật; ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… một cách nhanh chóng, kịp thời. Quốc hội còn giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề đặc cách, đặc thù, đặc biệt khác với Luật trong thời gian Quốc hội không họp. Đến thời điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 10 Nghị quyết theo uỷ quyền của Quốc hội, có những vấn đề khác luật, có những vấn đề chưa được luật quy định thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã cùng làm. Có những vấn đề Chính phủ đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bố trí họp ngay, thậm chí là buổi tối họp, họp trực tuyến để kịp thời ban hành. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. "Từ cách làm này có thể là bài học tạo sự lan tỏa xuống địa phương để tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND và UBND", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, trong bối cảnh chung đó, vẫn còn 19 tỉnh, thành phố tăng trưởng dưới 6% trong khi có tới 44/63 tỉnh, thành phố tăng trưởng trên 6%. Với cùng cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật thì kết quả này còn có nguyên nhân từ điều hành ở các địa phương.
Năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tình hình thế giới có nguy cơ rơi vào khủng hoảng khi vừa suy giảm tăng trưởng vừa lạm phát tăng. Với nền kinh tế có độ mở như nước ta, những diễn biễn của tình hình thế giới sẽ tác động sâu rộng tới trong nước. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng là phải bảo đảm thế kiềng 3 chân: một là, bảo đảm kinh tế vĩ mô để làm cơ sở bảo đảm tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội; hai là, thúc đẩy sản xuất để tăng trưởng; ba là, bảo đảm an sinh xã hội trên nền tảng ổn định chính trị. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định đây là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước, từ Trung ương xuống địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, trong năm 2023, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 4 chuyên đề gồm: "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng"; "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030"; "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" và "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu Quốc hội, HĐND các địa phương tập trung cùng với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để triển khai các giám sát chuyên đề này bởi đây là những vấn đề hết sức thiết thực để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.