Theo dòng sự kiện

Quốc hội chủ động vào cuộc

- Thứ Ba, 15/06/2021, 08:07 - Chia sẻ
Chiều 13.6, tuy là ngày nghỉ nhưng một cuộc họp đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ triệu tập và trực tiếp chủ trì với sự tham dự của Lãnh đạo Quốc hội và Lãnh đạo Chính phủ để cho ý kiến về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là một trong những nội dung phải được đánh giá trong báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm trình Quốc hội Khóa XV tại Kỳ họp thứ Nhất tới đây.

Để chuẩn bị cho việc xem xét, đánh giá các chính sách này, từ giữa tháng 5 vừa qua, khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4, tác động nghiêm trọng đến các “thành trì” của nền kinh tế, đặc biệt là các khu công nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Tổng Thư ký Quốc hội gửi công văn đến Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị rà soát, đánh giá việc thực hiện; từ đó, đề xuất, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cần ban hành thêm chính sách mới nào để tiếp tục đồng hành với Chính phủ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thực hiện mục tiêu kép về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Từ đầu tháng 6 đến nay, Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội - cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ này - cũng đã tổ chức phiên họp nghe Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo, đề nghị một số bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội doanh nghiệp gửi báo cáo, cung cấp thông tin; lấy ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội… Với nguồn dữ liệu sinh động, sát thực tế như vậy, Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã xây dựng một báo cáo dày dặn để trình Lãnh đạo Quốc hội.

Đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội trong việc chuẩn bị báo cáo kể trên, trong phiên họp sáng qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan của Quốc hội phải chủ động vào cuộc sớm trong việc chuẩn bị các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Không phải chờ đến khi Chính phủ, các cơ quan chức năng có báo cáo thì cơ quan của Quốc hội mới tiến hành thẩm tra mà phải đi trước, phải xây dựng được nguồn thông tin riêng, các dữ liệu tin cậy của cơ quan Quốc hội phục vụ cho việc thẩm tra.

Đặc biệt, trong công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội phải chủ động hơn nữa. “Vai trò của Quốc hội phải dẫn dắt, phải có giao nhiệm vụ chứ không phải cứ đến hẹn lại lên, anh nào trình được dự án luật nào thì Quốc hội làm cái đó". Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ hai nhiệm vụ hết sức quan trọng liên quan trực tiếp đến vai trò, trách nhiệm của cơ quan lập pháp là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, chương trình lập pháp của Quốc hội phải tính toán rất kỹ lưỡng, luật nào cần ban hành mới, luật nào phải sửa đổi, bổ sung.

Bảo đảm tính chủ động của Quốc hội trong hoạt động lập pháp không chỉ là quan điểm mà là thực tế hành động vì từ sau Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Khóa XV để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng tại các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013. Đến nay, Đề án này đang được tích cực triển khai với sự chủ trì trực tiếp của Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực xây dựng pháp luật. Đây không phải là chương trình “cứng” trong 5 năm của Quốc hội nhưng chương trình lập pháp hàng năm phải đặt trong tổng thể, định hướng dài hạn của chương trình lập pháp cả nhiệm kỳ để khắc phục tình trạng “ăn đong”, “bắc nước chờ gạo người”, phụ thuộc vào cơ quan soạn thảo, cơ quan trình.

Song song với sự chủ động trong việc triển khai các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngay trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Khóa XIV chứ không phải là chờ đến Khóa XV. Kỷ luật, kỷ cương này cũng không phải chỉ áp dụng với các cơ quan trình mà còn với chính cơ quan thẩm tra của Quốc hội. Trong đó, cơ quan chủ trì thẩm tra phải thể hiện rõ quan điểm và chịu trách nhiệm về nội dung thẩm tra, không được “ba sôi hai lạnh”; không dồn việc lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Lãnh đạo Quốc hội; nội dung nào không bảo đảm tiến độ và chất lượng thì cương quyết không chấp nhận; phải trả lời rõ dự án, tờ trình này có đủ điều kiện để trình Quốc hội hay không...

Chất lượng hoạt động của Quốc hội được quyết định bởi rất nhiều yếu tố, trong đó có vai trò nòng cốt của các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu hoạt động chuyên trách. Sự chủ động và quyết liệt từ các cơ quan của Quốc hội chắc chắn sẽ tạo ra áp lực và động lực buộc các cơ quan trình phải nỗ lực cao nhất để bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung trình Quốc hội.

Với quan điểm rõ ràng, hành động quyết liệt từ người đứng đầu cơ quan lập pháp như vậy và với những “tín hiệu tốt lành” từ kết quả bầu cử khi tỷ lệ đại biểu chuyên trách cao nhất từ trước đến nay, trình độ chuyên môn của đại biểu được nâng lên, có nhiều hơn các chuyên gia trong các lĩnh vực tham gia Quốc hội Khóa XV… chắc chắn, tính chủ động, chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội Khóa XV sẽ được nâng lên cao hơn nữa, tiếp nối những thành tựu của Quốc hội trong 75 năm qua và xứng đáng với quyền lực, sự tín nhiệm mà cử tri và Nhân dân cả nước đã trao cho.

Quỳnh Chi