Quốc hội chủ động dẫn dắt công tác lập pháp

- Thứ Bảy, 14/08/2021, 06:27 - Chia sẻ
Với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hôm qua, lãnh đạo Quốc hội đã dành trọn một ngày để làm việc lần lượt với Thường trực 6 Ủy ban của Quốc hội về việc chuẩn bị 7 dự án luật sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai diễn ra vào tháng 10 tới.

Dù là cuộc làm việc “mang tính chất nội bộ” nhưng không quá lời khi nói rằng, đây là cuộc làm việc đặc biệt, chưa có tiền lệ. Bởi nếu theo cách thức lâu nay, lãnh đạo Quốc hội, cụ thể là Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực sẽ làm việc với Thường trực hoặc tập thể Ủy ban khi hồ sơ dự luật đã chính thức được trình sang Quốc hội, thậm chí là sau khi các cơ quan này đã tiến hành thẩm tra. Nhưng hầu hết các dự án Luật được xem xét, cho ý kiến tại cuộc họp hôm qua hiện vẫn đang ở “sân” Chính phủ, trong đó có cả dự án Luật đang chờ Chính phủ cho ý kiến, có dự án Luật tại kỳ họp vừa qua, cơ quan trình vẫn muốn xin được lùi, hoãn vì chưa chuẩn bị kịp. Cuộc làm việc với sự chủ trì của người đứng đầu cơ quan lập pháp và sự tham dự của ít nhất 2 Phó Chủ tịch Quốc hội - phụ trách công tác lập pháp và phụ trách lĩnh vực chuyên môn - vì thế là minh chứng rõ nét quan điểm mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhấn mạnh: Quốc hội phải chủ động dẫn dắt công tác lập pháp, vào cuộc từ sớm, từ xa, đồng hành sát sao với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, thậm chí phải “đặt hàng”, giao nhiệm vụ cho các cơ quan trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật.

Còn nhớ, khoảng thời gian từ đầu đến giữa nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã nhiều lần phản ứng về việc các cơ quan chủ trì soạn thảo không thực hiện nghiêm chương trình lập pháp của Quốc hội; không ít dự án luật còn “giữa đường đổi hướng”, thay đổi cả về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, có dự án luật được trình sát nút phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp của Quốc hội… khiến cơ quan thẩm tra phải “chạy theo” hết sức vất vả. Cũng từ sự bị động này làm nảy sinh nhiều hệ lụy khác như: “tuổi thọ” của luật còn ngắn, chất lượng một số luật còn hạn chế, có nội dung còn chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác khiến luật chậm đi vào cuộc sống… Những năm cuối nhiệm kỳ Khóa XIV, vấn đề kỷ luật, kỷ cương lập pháp được Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục siết chặt thêm bằng nhiều biện pháp quyết liệt. Đã có dự án luật không bảo đảm chất lượng, tiến độ bị cơ quan chủ trì thẩm tra kiên quyết trả lại - việc mà trước đó vẫn chỉ là “mong muốn, đề nghị” của nhiều đại biểu Quốc hội. Dù vậy, tình trạng bị động, “bắc nước chờ gạo người” đối với các cơ quan của Quốc hội vẫn chưa thể khắc phục triệt để.

Nhìn lại như vậy để thấy rằng, để Quốc hội chủ động dẫn dắt công tác lập pháp, nhất là trong điều kiện quy trình lập pháp vẫn giữ như hiện nay, tuyệt đại đa số các dự án luật vẫn do Chính phủ và các cơ quan bên ngoài Quốc hội trình, quả thực là một thách thức rất lớn đối với cơ quan lập pháp. Nhưng “chúng ta đã hứa với cử tri và Nhân dân sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, nâng cao chất lượng xây dựng luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Bây giờ là lúc phải thực hiện lời hứa đó”, Chủ tịch Quốc hội nói với Thường trực các Ủy ban.

Cuộc làm việc hôm qua cũng là bước khởi đầu cho hoạt động của các Ủy ban trong quy trình xem xét, thẩm tra các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai. Theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, sau cuộc làm việc, Thường trực các Ủy ban sẽ làm việc chặt chẽ với các cơ quan trình, xem xét qua nhiều vòng, thảo luận tất cả vấn đề đặt ra, tổ chức các tọa đàm, hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia, lắng nghe ý kiến của các đối tượng bị điều chỉnh, chịu sự tác động… của từng dự án luật để hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng tiến độ đề ra. Có những dự luật hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu nhưng nhờ xem xét sớm, từ nay đến phiên họp tháng 9, phiên họp tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, “chúng ta có đủ thời gian để tiếp tục hoàn thiện”.

Nắm chắc, kiểm soát, giám sát ngay từ quá trình chuẩn bị các dự án luật như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ kịp thời nêu quan điểm hoặc chủ động “đặt hàng” với cơ quan trình để xác định đúng, trúng, đích đáng các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới. Cách làm như vậy cũng sẽ tạo áp lực buộc các cơ quan trình phải chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương lập pháp. Vì thế, từ cuộc làm việc đầu tiên này còn xác lập một cách thức làm việc mới trong hoạt động lập pháp của Quốc hội với mục tiêu cao nhất và duy nhất là các dự luật trình Quốc hội phải thực sự chất lượng, phải thấm đẫm “hơi thở cuộc sống” khi được thông qua thì phải tạo chuyển biến thực sự để kiến tạo sự phát triển của xã hội, của đất nước.

Lam Anh