Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV:

Quan trọng nhất vẫn là phục hồi nền kinh tế

- Thứ Hai, 19/10/2020, 08:12 - Chia sẻ
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về những trọng tâm nghị sự của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười sẽ khai mạc sáng mai, 20.10, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội NGUYỄN HẠNH PHÚC nêu rõ, đây là kỳ họp đặc biệt, có tính chất tổng kết lại rất nhiều nội dung, nhiệm vụ đã được Quốc hội đề ra từ đầu nhiệm kỳ, nhưng vấn đề quan trọng nhất, cần dành ưu tiên cao nhất vẫn là bàn thảo và quyết định các giải pháp phục hồi, phát triển nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Thực hiện thật minh bạch, hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

  - Sáng mai, 20.10, Quốc hội sẽ khai mạc Kỳ họp thứ Mười, cũng là kỳ họp gần cuối của nhiệm kỳ Khóa XIV. Những nội dung nào sẽ Quốc hội xem xét, quyết định, thưa ông?

- Đây là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ nên ngoài các vấn đề sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của kỳ họp cuối năm, Quốc hội còn phải xem xét, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn, các chương trình mục tiêu quốc gia trong cả giai đoạn 2016 - 2020; dự kiến các mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và các kế hoạch tài chính 5 năm, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

​​​​​Giai đoạn 2016 - 2020 là lần đầu tiên chúng ta xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. Giai đoạn đầu của kế hoạch đã bộc lộ khá nhiều sự lúng túng trong tổ chức thực hiện. Lúng túng không phải do thể chế, do pháp luật mà là do khâu tổ chức thực hiện, trong đó, tập trung ở khâu giải phóng mặt bằng. Vừa qua, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thì tiến độ, chất lượng đầu tư công đã được đẩy lên nhanh hơn, hiệu quả hơn, hạn chế được rất nhiều tiêu cực.

Phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ trong tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, bởi giai đoạn tới, nguồn lực khó khăn hơn, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đầu tư công hiệu quả chắc chắn sẽ tạo sức lan tỏa, dẫn dắt nền kinh tế hồi phục nhanh hơn.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII; thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026...

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, trong đó có những dự án hết sức quan trọng liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước giai đoạn tới, như dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), hay liên quan đến các quyền cơ bản của công dân như dự án Luật Cư trú (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)... Đồng thời cho ý kiến về 4 dự án Luật gồm: Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Với thời gian làm việc dự kiến chỉ trong khoảng 19 ngày, khá ít so với khối lượng công việc Quốc hội sẽ phải xem xét, quyết định, thưa ông?

- Những nội dung được trình tại Kỳ họp thứ Mười đều có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi chúng ta không chỉ đánh giá lại những kết quả đã làm được, những việc chưa làm được trong nhiệm kỳ này mà trên cơ sở đó phải xác định được mục tiêu, nhiệm vụ, các ưu tiên trong giai đoạn tới.

19 ngày tổng làm việc đúng là khá ít so với khối lượng công việc rất lớn, rất hệ trọng của Kỳ họp thứ Mười. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tính toán và sắp xếp chương trình khoa học, hợp lý, bảo đảm thời gian để các đại biểu thảo luận, các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình và trình Quốc hội quyết định các vấn đề theo thẩm quyền. Kỳ họp sẽ được tiến hành theo 2 đợt, trong đó, đợt 1 họp trực tuyến sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật. Đợt 2, Quốc hội làm việc trong 12 ngày theo hình thức tập trung và sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách, đầu tư công trung hạn, tái cơ cấu nền kinh tế...

Hiện nay, Chính phủ đã chuẩn bị đầy đủ các báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến để hoàn thiện trình Quốc hội. Các báo cáo cũng đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội nghiên cứu. Trong kỳ họp, chủ tọa các phiên họp sẽ có gợi ý các nội dung trọng tâm cần thảo luận nhưng cũng sẽ không giới hạn thời gian cho từng nhóm vấn đề mà tạo không gian mở để các đại biểu thảo luận; sau đó, Ban Thư ký sẽ tổng hợp, chắt lọc các vấn đề được đại biểu đặt ra để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Tôi mong rằng, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ chủ động nghiên cứu, đóng góp những ý kiến xác đáng nhất cho Quốc hội để Quốc hội đồng hành, sát cánh với Chính phủ đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, tiếp tục phát triển trong những năm tới.

- Có thể thấy, dù rất nhiều nội dung nhưng trọng tâm của Quốc hội sẽ là các vấn đề KT - XH?

- Đúng vậy. Trong đó, “trọng tâm của trọng tâm”, theo tôi vẫn là xem xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KT - XH năm 2020 và xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cho năm 2021. Quốc hội cần dành ưu tiên cho việc thảo luận và thống nhất các giải pháp để khôi phục nền kinh tế, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới và phát triển trong năm 2021. Bởi nhìn vào tình hình hiện nay tuy nước ta đã khống chế tốt đại dịch Covid-19 nhưng các nước trên thế giới vẫn chưa khống chế được, nên khó khăn, thách thức của năm 2021 vẫn còn rất lớn.

Tăng trưởng kinh tế năm nay dự kiến đạt 2 - 3%, mặc dù rất ấn tượng nếu nhìn ra các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng rõ ràng, với mức tăng trưởng như vậy, nguồn thu bị giảm mạnh và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề, từ đầu tư phát triển thế nào, chi thường xuyên ra sao, sức chống chịu của doanh nghiệp trong nước đến việc làm của người dân, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội...

Hiện nay, chúng ta cũng thực hiện rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Trong bối cảnh dịch bệnh như thế này, chúng ta phải làm những gì để tranh thủ được cơ hội từ các FTA này hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế trong nước; đồng thời, phải hạn chế thấp nhất những tác động từ các FTA vì hàng hóa nhập khẩu vào nước ta sẽ có thuế suất bằng 0, nếu không chủ động thì sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa trong nước cũng rất lớn...

Vì thế, Quốc hội phải tập trung đánh giá thật kỹ các vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021, từ đó mới có thể xác định các giải pháp căn cơ để khắc phục và xác định đúng, trúng các ưu tiên trong cả giai đoạn 5 năm tới thế nào.

- Như ông đã đề cập, những tác động của đại dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp, người dân và cả nền kinh tế là vô cùng lớn. Nhiều giải pháp hỗ trợ đã được thực hiện thời gian qua nhưng vẫn chưa đủ. Chính phủ có trình Quốc hội có xem xét, quyết định thêm những chính sách hay gói hỗ trợ nào đối với doanh nghiệp, người dân tại Kỳ họp thứ Mười hay không?

- Cho đến thời điểm hiện tại Chính phủ chưa báo cáo về vấn đề này. Tại Phiên họp thứ 49 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung vào chương trình kỳ họp nội dung về đánh giá kết quả thực hiện các chính sách của Nhà nước hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Tăng trưởng kinh tế suy giảm, đồng thời phải chi nguồn lực khá lớn để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động của nền kinh tế nên thật sự, nguồn lực của Nhà nước cũng đang khó khăn. 

Vì thế, trước khi bàn đến gói hỗ trợ thứ hai, theo tôi, phải rà soát, thực hiện thật tốt, đạt hiệu quả cao nhất gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng đã được Chính phủ quyết định và các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn thuế đã được Quốc hội phê chuẩn. “Gói” gì thì “gói”, giải pháp gì thì giải pháp, vấn đề cốt lõi vẫn là phải tổ chức thực hiện thật minh bạch và hiệu quả.

Linh hoạt và chủ động thích ứng

- Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội cũng sẽ “tái giám sát”, “tái chất vấn” việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thưa ông?

- Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, tại kỳ họp giữa nhiệm kỳ và kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ đánh giá lại việc thực hiện lời hứa của Chính phủ, các tư lệnh ngành, lĩnh vực, kết quả thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và nghị quyết chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ và cả những nghị quyết được chuyển giao từ Quốc hội khóa trước. Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành đã có báo cáo chi tiết về các nội dung này gửi đến Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội cũng đã tiến hành thẩm tra, chỉ rõ những vấn đề chưa làm được và các vấn đề Chính phủ, các bộ, ngành phải tiếp tục làm rõ, có giải pháp.

Văn phòng Quốc hội đã tổng hợp tất cả các báo cáo này, hệ thống hóa và gửi đến các đại biểu Quốc hội. Đây là nguồn thông tin hết sức quan trọng để các đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát, quyền chất vấn của mình tại Kỳ họp thứ Mười, yêu cầu Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành giải trình rõ tại sao chưa làm được, vướng mắc ở đâu và hứa đến bao giờ thực hiện được.

Như vậy, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ Mười sẽ rất mở, bất kỳ thành viên Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành nào cũng phải sẵn sàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Sau đó, Quốc hội sẽ có nghị quyết để chuyển cho Quốc hội Khóa XV tiếp tục giám sát, chất vấn. Quốc hội sẽ giám sát đến cùng những vấn đề đã chỉ ra. Kỳ họp này chắc chắn nội dung chất vấn sẽ rất sôi động.

- Vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức đang ở phía trước. Trong điều hành vĩ mô, theo ông, cần chú ý đến điều gì?

- Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét kỹ lưỡng, thận trọng các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong điều hành của Chính phủ theo tôi vẫn là sự linh hoạt, uyển chuyển và chủ động thích ứng với những chuyển biến khó lường của đại dịch Covid-19. Chúng ta vẫn phải sẵn sàng cho tình huống xấu là đại dịch toàn cầu này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2021, thậm chí là năm 2022.

Một điều nữa là khả năng thích ứng với hoàn cảnh của người dân Việt Nam khá tốt. Dù khó khăn, thử thách thế nào, chúng ta vẫn tìm ra được hướng đi, biến nguy thành cơ. Tôi cho đó là một “nguồn lực” vô cùng quan trọng. Vì thế, trong điều hành kinh tế - xã hội cần chú ý tới đặc điểm này, khơi dậy và tạo động lực để mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, thích ứng với thực tế, vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Với sự đồng lòng như vậy, tôi tin rằng, đất nước sẽ có những chuyển tích cực hơn trong thời gian tới.

- Xin trân trọng cảm ơn ông

Nguyễn Bình thực hiện