Quan trọng là hiệu quả thực tiễn

- Thứ Ba, 25/08/2020, 06:04 - Chia sẻ

“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các tổ chức, cơ quan hữu quan tiến hành xem xét tuyển chọn, vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo, trao thưởng cho các công trình, đề tài, giải pháp khoa học - công nghệ đã được ứng dụng trong thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao, có sức sống thực sự, được kiểm nghiệm từ thực tiễn... Tựu trung lại, phải lấy hiệu quả ứng dụng trong thực tế làm tiêu chí, thước đo để xem xét, đánh giá, tôn vinh các công trình, đề tài, giải pháp khoa học - công nghệ”. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020, sáng 24.8, tại Hà Nội.

Trong những năm qua, nhiều cá nhân, tổ chức đã có những công trình nghiên cứu khoa học và được ứng dụng trên thực tế tương đối hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, trong đó có cá nhân, tổ chức bằng sự sáng tạo và tự đầu tư kinh phí nhưng đưa ra thị trường những sản phẩm khoa học - công nghệ góp phần vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 thiết thực, hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, không phủ nhận vẫn còn những công trình nghiên cứu được đầu tư bài bản nhưng vẫn bị “bỏ ngăn kéo”.

Tình trạng công trình nghiên cứu khoa học “bỏ ngăn kéo” dường như là câu chuyện “nhiệm kỳ”. Còn nhớ, ở nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, khi ấy, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cũng thừa nhận có tình trạng đề tài “bỏ ngăn kéo”. Theo Bộ trưởng, yếu kém nhất vẫn là các định chế trung gian trong thị trường công nghệ khiến các nhà khoa học không đến được với doanh nghiệp, kết quả nghiên cứu không đến được với sản xuất kinh doanh. Các định chế trung gian là các tổ chức làm dịch vụ trong thị trường khoa học - công nghệ như: Các tổ chức môi giới, tư vấn, giám định, đánh giá, định giá, kiểm tra, kiểm định… Vì không có các chế định này nên các nhà khoa học không tìm được địa chỉ ứng dụng kết quả nghiên cứu của mình, trong khi các doanh nghiệp lại đi tìm nguồn khoa học - công nghệ khác nhập khẩu từ nước ngoài.

Rõ ràng việc yếu về kết nối giữa nghiên cứu với đào tạo, giữa nghiên cứu với ứng dụng, giữa nhà khoa học với doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân dẫn đến có những công trình, đề tài nghiên cứu dù rất hay nhưng lại chỉ nằm trên giấy.

Và cho đến nhiệm kỳ này, tình trạng đề tài khoa học “bỏ ngăn kéo” vẫn được các đại biểu Quốc hội nhắc đến. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng, đây là vấn đề trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo Bộ. "Tư lệnh" ngành khoa học - công nghệ cũng nhìn nhận, với trách nhiệm với từng đồng thuế của dân, nhìn một cách tổng thể và thấu đáo thì việc chậm ứng dụng các kết quả đề tài nghiên cứu, chậm đưa vào cuộc sống cũng là một sự lãng phí. Tuy nhiên, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho rằng, đặc thù của ngành khoa học - công nghệ, thì các nghiên cứu thường có độ trễ và có cả sự rủi ro.

Không thể phủ nhận trong nghiên cứu các đề tài, công trình khoa học chúng ta phải chấp nhận độ trễ bởi cần có thời gian để ứng dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, ngoài các công trình, nghiên cứu phục vụ công ích, thì các nhà khoa học trước khi bắt tay vào nghiên cứu cần chú ý đến yếu tố thị trường khoa học - công nghệ. Theo đó, người nghiên cứu cần xác định rõ: Mục đích nghiên cứu là gì, công trình nghiên cứu khoa học - công nghệ ấy sẽ được ứng dụng trên thực tế như thế nào, đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ra sao?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân. Điều này cho thấy, khoa học phải xuất phát thực tế cuộc sống, và phải đáp ứng được những yêu cầu cuộc sống đặt ra.

Dù còn nhiều khó khăn, song hàng năm chúng ta vẫn dành 2% ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học - công nghệ. Để nguồn lực đầu tư này không bị lãng phí, các nhà khoa học cần phải gắn việc nghiên cứu với thị trường. Bởi xét đến cùng, thước đo của một công trình nghiên cứu phải là phát huy hiệu quả trên thực tế. Có như vậy, các đề tài nghiên cứu sau khi được công bố sẽ không bị nằm trên giấy, hay phải trải qua một độ trễ quá dài.

Lê Hùng