Quan trọng là chất lượng

- Thứ Sáu, 25/12/2020, 07:44 - Chia sẻ
Từ thực tế sáp nhập khu dân cư, tổ dân phố vừa qua, trong dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri, hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp thể hiện theo hướng tăng số lượng cử tri tham gia hội nghị lấy ý kiến. Song thực tế, đây chỉ là số lượng cử tri tối thiểu cần có để tổ chức hội nghị, mà không giới hạn số lượng tối đa cử tri có thể tham gia. Vì thế, có sửa quy định này hay không cần phải cân nhắc. Quan trọng là chất lượng của hội nghị lấy ý kiến cử tri.

Số hộ ở thôn, tổ dân phố tăng lên nhiều

Do thực hiện việc sáp nhập khu dân cư, tổ dân phố vừa qua, qua thống kê của các cơ quan chức năng, số hộ thấp nhất ở thôn hiện là 150 hộ/thôn và cao nhất tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là từ 450 hộ/tổ dân phố trở lên. Do vậy, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu sửa đổi theo hướng tăng số lượng cử tri tại các hội nghị từ 100 cử tri lên 150 cử tri cho phù hợp với quy mô thôn/tổ dân phố hiện nay. Cụ thể, quy định tại Nghị quyết số 1134/2016/UBTVQH13 được sửa đổi theo hướng: Số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân nếu có dưới 150 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể và phải bảo đảm có trên 50% số cử tri tham dự. Nơi có từ 150 cử tri trở lên thì mời cử tri đại diện hộ gia đình tham dự và phải bảo đảm có trên 50% số cử tri là đại diện hộ gia đình tham dự.

	Cử tri đi bầu ĐBQH Khóa XIV, đại biểu HĐND các c2021ấp nhiệm kỳ 2016 - 2021
Cử tri đi bầu ĐBQH Khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021
Nguồn: ITN

Ngoài ra, theo đề nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương, trong đó có MTTQ thành phố Hà Nội, dự thảo bổ sung quy định cho phép cơ sở có thể chia số dân cư thuộc thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ lớn để tổ chức thành nhiều hội nghị cử tri, sau đó tổng hợp kết quả để bảo đảm phát huy dân chủ và tính khả thi đối với thôn, tổ dân phố có địa bàn rộng, cử tri đông. Do vậy, tại dự thảo Nghị quyết quy định: Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa bàn khu dân cư, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã có thể phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thống nhất việc chia số hộ thuộc thôn, tổ dân phố thành các cụm dân cư để tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến cử tri, sau đó tổng hợp kết quả và phải bảo đảm có trên 50% số cử tri là đại diện hộ gia đình tham dự.

“Thực tiễn cho thấy, việc vận động để cử tri tham dự đầy đủ các hội nghị cử tri ở nơi cư trú ở một số địa phương cũng như công tác tổ chức, bảo đảm về cơ sở vật chất, hội trường cũng gặp phải một số khó khăn và phụ thuộc lớn vào điều kiện của địa phương”. Đưa ra thực tế này, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, giữ nguyên quy định về số lượng cử tri tham dự các hội nghị cử tri như hiện hành là 100 cử tri mà không tăng lên 150 cử tri để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tổ chức.

Về việc tùy điều kiện thực tế địa phương có thể chia số hộ thuộc thôn, tổ dân phố thành các cụm dân cư để tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến cử tri (Khoản 3 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết), Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần nghiên cứu một cách thận trọng để bảo đảm tính khả thi trong điều kiện kinh phí tổ chức hội nghị hạn hẹp, tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Hơn nữa, quy định này cũng có thể gây phiền phức cho người ứng cử cũng như đại diện cơ quan, tổ chức nơi người ứng cử làm việc vì phải có mặt tại tất cả các hội nghị cử tri.

Vướng mắc không ở số lượng cử tri

Quy định hướng dẫn tổ chức bầu cử từ trước đến nay đều đưa ra số lượng cử tri tham gia Hội nghị lấy ý kiến phải bảo đảm không dưới 100 người. Quy định này được duy trì thực hiện qua nhiều cuộc bầu cử. Do vậy, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, cần thực hiện đúng quy định hiện hành, không nên đề xuất sửa đổi quy định này rồi lại tranh luận. Theo đó, 100 đại biểu tham dự Hội nghị có chất lượng sẽ hơn 150 đại biểu tham dự mà chưa bảo đảm đầy đủ chất lượng.

Thực tế, trong Báo cáo tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, đã nêu rõ 7 tồn tại, những bài học kinh nghiệm và đề xuất cụ thể. Trên cơ sở báo cáo này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, trong các tồn tại khi tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, các địa phương không phản ánh về số lượng nên là 100 hay 150 cử tri tham gia, mà nêu vấn đề về số lượng cử tri nơi quá nhiều, nơi quá ít, không đủ theo quy định. Từ thực tế này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH đề nghị giữ nội dung này như quy định hiện hành.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, với việc sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố hiện nay, nếu giữ quy định hiện hành sẽ có tình trạng cư dân sinh sống ở địa bàn đông, song cử tri tham gia Hội nghị lấy ý kiến quá ít. Ông Ngô Sách Thực cũng nhấn mạnh, Hội nghị lấy ý kiến cử tri có vai trò quan trọng, giống như một kênh để phát hiện ứng cử viên có đáp ứng điều kiện ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân hay không. Mặt khác, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đưa ra hai phương án quy định về số lượng người tham gia Hội nghị lấy ý kiến cử tri, không ấn định một phương án, nên ông Ngô Sách Thực đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc về nội dung này.

Phát biểu tổng kết phiên thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ rõ, quy định số lượng cử tri tham gia hội nghị này là con số tối thiểu cần đạt được. Tức là, hội nghị này sẽ không hợp lệ nếu có dưới 100 cử tri tham gia, nếu có 150 cử tri, hay 200 - 300 cử tri tham dự sẽ càng tốt. Và không chỉ với quy định nêu trên, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, các cơ quan chức năng cần rà soát để bảo đảm dự thảo Nghị quyết hướng dẫn bầu cử không trái với quy định của những luật liên quan, tránh gây phiền hà khi triển khai thực hiện.  

Thanh Hải