Quản trị rủi ro tốt hơn nhờ chuyển đổi số

- Thứ Năm, 01/07/2021, 05:40 - Chia sẻ
Ngày 3.6.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tài chính - ngân hàng (bao gồm chứng khoán) là một trong 8 lĩnh vực được chọn ưu tiên phát triển kinh tế số. Đến nay, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán đã được triển khai tích cực, giúp quản trị rủi ro tốt hơn.

Không còn mất tiền do lỗi hệ thống

Đến thời điểm này, chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán đang diễn ra khá tích cực. Nhiều công ty chứng khoán dùng phầm mềm (app) để nhà đầu tư quản lý tài khoản cũng như có ngưỡng cảnh báo rủi ro. Đồng thời, các công ty cũng triển khai cập nhật hệ thống giao dịch mới của Hàn Quốc (KRX), FPT (xử lý nghẽn lệnh cho Sở Giao dịch TP. Hồ Chí Minh HOSE) để bảo đảm thị trường được hanh thông.

Tại tọa đàm trực tuyến Chuyển đổi số và tương lai thị trường do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức sáng qua 30.6, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô, Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh Phạm Vũ Thăng Long cho biết, hiện có nhiều sản phẩm chuyển đổi số trên thị trường. Đơn cử, trên thị trường phái sinh có sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ 5 năm và gần nhất là trái phiếu Chính phủ 10 năm... Khi các sản phẩm này được gắn trên nền tảng số (hệ thống CCP) mà hệ thống cơ sở đang hướng tới sẽ giúp quản trị rủi ro tốt hơn, ít xác suất sai số hơn khi thông qua các lệnh bằng tay. “Từ năm 2017 khi sản phẩm phái sinh ra đời, tình trạng nhà đầu tư bị mất tiền do lỗi liên quan hệ thống hầu như không có”, ông Long nói, đồng thời kỳ vọng các sản phẩm phái sinh tiếp tục đưa ra thị trường (như sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN200 đang xây dựng) sẽ càng giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn.

Hiện, các nhà đầu tư đang rất kỳ vọng vào việc nâng cấp hệ thống giao dịch tại HOSE, khắc phục dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh, bảo đảm thị trường thông suốt. Đây cũng là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số. Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn xác nhận, đầu tháng 7 này sẽ chính thức đưa vào hệ thống giao dịch mới do Công ty FPT triển khai với dung lượng gấp 3 - 4 lần so với hệ thống cũ vốn chỉ đạt tối đa 900.000 lệnh/ngày. Khi hệ thống mới vận hành, “các nhà đầu tư hãy yên tâm là sẽ không còn nghẽn lệnh nữa”, ông Sơn nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn xác nhận, đầu tháng 7 sẽ vận hành hệ thống mới cho HOSE

Cần chuẩn bị cho tình huống tranh chấp

Dự báo triển vọng tăng trưởng của các ngành trong thời gian tới gắn với chuyển đổi số, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành cho rằng có thể chia nền kinh tế thành bốn nhóm.

Nhóm 1, liên quan công nghiệp chế biến chế tạo sản phẩm điện tử, công nghệ số. Hiện chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy bởi dịch Covid-19 đồng nghĩa sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do con chip bị khan hiếm song cũng cho thấy nhu cầu vẫn rất cao. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có cơ hội tăng trưởng rất mạnh. Nhóm 2, gắn với chuyển đổi số doanh nghiệp để sản xuất thông minh hơn, lao động có kỹ năng hơn, doanh thu tốt hơn, tạo tính minh bạch, theo thông lệ quốc tế. Nhóm 3, là tới đây có thêm sàn start-up (khởi nghiệp) liên quan đến chuyển đổi mô hình kinh doanh. Một số mô hình đã gọi vốn rất tốt. Nhóm 4, là sản xuất nội dung số (phim ảnh, quảng cáo). Những ngành này sẽ có bước tăng trưởng và giá trị cổ phiếu theo hướng tích cực.

Ông Phạm Vũ Thăng Long chỉ ra rủi ro lớn nhất của Việt Nam hiện nay liên quan tốc độ lây lan của dịch Covid-19 cũng như tỷ lệ tiêm vaccine tương đối thấp so với khu vực. Điều này sẽ cản trở mong muốn mở cửa ngành du lịch, ảnh hưởng trực tiếp tới giao thông vận tải cũng như các dịch vụ liên quan du lịch. Nếu đến cuối năm nay chúng ta nhập được lượng vaccine đủ lớn (khoảng 150 triệu liều) và đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng, mở cửa trở lại thì đó là cơ hội cho các ngành du lịch, giao thông vận tải phục hồi. Khi đó, các ngành này cũng có cơ hội chuyển đổi số tốt hơn.

Dẫn kinh nghiệm nhiều nước phát triển Luật Bảo vệ người tiêu dùng về tài chính, cho phép trong trường hợp có trục trặc, bất thường thì nhà đầu tư, cơ quan quản lý, thị trường có thể sử dụng trọng tài, ra tòa, ông Võ Trí Thành cho rằng: với chuyển đổi số, còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về quy luật, sản phẩm, sự sáng tạo của nó nên cần chuẩn bị nhiều cho rủi ro, trong đó có vấn đề tranh chấp. “Chuyển đổi số đòi hỏi chúng ta phải đi trước. Bản thân doanh nghiệp niêm yết hay sắp niêm yết phải xác định chuyển đổi số rất quan trọng để tạo ra sự hấp dẫn cho doanh nghiệp cũng như cho thị trường”, ông Thành nói.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra

Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn cho biết, trong 6 tháng cuối năm, cùng với việc xây dựng Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2020 - 2030 sẽ tiếp tục tái cấu trúc thị trường trên 4 trụ cột là: hàng hóa, nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các sở giáo dịch chứng khoán. Đồng thời, tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của thị trường.

Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức 10 đoàn thanh, kiểm tra nhằm xử lý vi phạm; kịp thời phát hiện các vấn đề mới để xem xét điều chỉnh khung pháp lý, qua đó giúp thị trường phát triển tốt hơn.

Đ.Thanh

 

Đ. Thanh