Quản trị doanh nghiệp thời kinh tế số

- Thứ Hai, 12/07/2021, 06:15 - Chia sẻ
Doanh nghiệp Việt Nam, dù ở quy mô nhỏ, vừa hay lớn có lẽ đều sử dụng các phần mềm từ đơn giản như kế toán, quản lý rủi ro, điều hành sản xuất, quản lý kho hàng đến các phần mềm phức tạp hơn như ERP, quản trị, quản lý sản xuất, chất lượng sản phẩm, robot… Nhờ tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, nhất là trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, ứng dụng quản lý số trong quản trị đã trở thành giải pháp không thể thiếu, giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong sản xuất kinh doanh.

Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng ngày 14.1.2020 về thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam nhận định: Dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật... chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới - kinh tế số, xã hội số. Để đẩy nhanh số hóa và thực hiện được các mục tiêu số hóa doanh nghiệp, chúng ta cần thay đổi cách thức quản trị doanh nghiệp bằng nhiều mô hình hiện đại như phân cấp, phân quyền trong quản lý theo từng cấp độ và vai trò của các cấp quản lý, đánh giá các chỉ số KPIs bằng các chỉ tiêu thực tế.

		So sánh mô hình quản lý truyền thống và quản trị hiện đại
So sánh mô hình quản lý truyền thống và quản trị hiện đại
Nguồn: source: base.vn 

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi từ nền quản trị mang tính truyền thống sang nền quản trị bằng ứng dụng công nghệ ở Việt Nam luôn là bài toán khó vì cần có những điều kiện cần thiết về thể chế, bộ máy thực hiện và các nguồn lực để triển khai.

Doanh nghiệp chuyển đổi số, nhân sự là yếu quan trọng, trở thành người dẫn đầu trong tổ chức số hóa ấy. Đồng thời để phát triển nguồn nhân lực thế hệ mới, chúng ta phải có nhiều giải pháp nhân sự mới như mở cửa cho các nhân sự cao cấp của các tập đoàn đa quốc gia tham gia điều hành doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhà nước. Như vậy mới thay đổi được phong cách quản trị, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, việc nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu, thiếu chiến lược phát triển doanh nghiệp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn thấp. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu; khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp. Các nhà quản lý điều hành doanh nghiệp hiện nay đều thiếu kinh nghiệm quản lý trong kỷ nguyên số, thiếu kiến thức về công nghệ mới và thiếu nhân lực có khả năng về công nghệ có trình độ cao. Năng lực tổ chức, triển khai công nghệ số cũng là những nút thắt cản trở doanh nghiệp chuyển sang phương thức sản xuất mới, chuyển đổi từ hệ thống quản trị cũ sang hệ thống quản trị số bao gồm cả khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân.

Trong khi đó, các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam hầu hết đã ứng dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp dựa trên nền tảng số. Với số lượng nhân viên phủ khắp toàn cầu, việc quản trị hầu như đều dựa trên nền tảng số giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí. Nhân sự tại mỗi quốc gia đều là các nhân sự cao cấp. Họ được phân quyền chịu trách nhiệm cho toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh tại quốc gia đó. Họ được hưởng các quyền lợi xứng đáng cho mỗi vị trí nhưng cũng chịu trách nhiệm phải đạt được nhiều chỉ số KPIs cần thiết trong công việc của mình. Đặc biệt chỉ số KPIs quan trọng nhất chính là lợi nhuận của doanh nghiệp.

Và nhờ có các phần mềm tương ứng mà các công đoạn trong quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hay hoạt động kinh doanh dịch vụ đều được quản lý theo thời gian thực. Nhờ có công nghệ chứng thực số, chữ ký điện tử, e-banking, online accounting, online tax and audit… mà việc điều hành, quản lý, luân chuyển chứng từ, tài liệu được đơn giản hóa rất nhiều. Mọi diễn biến của tình hình hoạt động kinh doanh tại bất kỳ địa điểm hay thời gian nào đều được phản ánh trung thực, chính xác, khách quan trên hệ thống quản trị mạng nội bộ. Bởi vậy, các cấp quản lý, dù ở văn phòng quốc gia, khu vực hay toàn cầu đều có thể tham vấn, trao đổi xử lý kịp thời với hiệu suất, hiệu quả cao nhất do tập trung được trí tuệ, chất xám.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 1,5 triệu doanh nghiệp, 2030 có 2 triệu doanhnghiệp hoạt động, trong đó có khoảng 20 doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa trên 1 tỷ USD theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ. Ngoài tạo lập một môi trường thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì việc ban hành các cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá để khuyến khích chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp là hết sức cần thiết để doanh nghiệp không ngừng tăng quy mô, chất lượng, nâng cao tính minh bạch, hoạt động có hiệu quả cao, quản lý theo chuẩn mực quốc tế.

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp Đại học Lincoln – Malaysia/Missouri