Quan tâm xây dựng chính sách, pháp luật thúc đẩy sáng tạo

- Thứ Hai, 27/09/2021, 16:40 - Chia sẻ
Tiến sỹ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng, khi triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, Việt Nam có một số thuận lợi nhất định, đặc biệt trong những nước là đối tác chúng ta thuộc nhóm phục hồi mạnh mẽ nhất (châu Âu, Bắc Mỹ) và có cam kết hợp tác chặt chẽ với nước ta. Tuy nhiên, gói hỗ trợ để phục hồi nền kinh tế lần này phải lớn hơn, có những chính sách lớn hơn và quyết liệt hơn trong quá trình thực thi. Gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế lần này cần có chính sách, giải pháp giúp cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế vượt khó; có thể bắt kịp sự phục hồi của kinh tế thế giới; gắn chặt với một số xu hướng lớn trên thế giới về tiêu dùng, lối sống, các cuộc cách mạng về công nghiệp, công nghệ, năng lượng hiện nay.
 Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành phát biểu

Khác với năm 2009, khi triển khai chương trình phục hồi nền kinh tế sau khủng hoảng tài chính thế giới, gói phục hồi nền kinh tế lần này phải bao gồm nhiều chương trình nhỏ từ mảng cải cách thể chế, môi trường kinh doanh đầu tư, hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp đến đào tạo kỹ năng mới cho lao động, chuyển đổi số... Chúng ta có thể gói gọn yêu cầu với chương trình phục hồi nền kinh tế lần này là “Vượt khó”, “Bắt nhịp phục hồi của kinh tế thế giới” và “Gắn với các xu hướng lớn trên thế giới”, và phải gắn với tái cơ cấu, thực hiện cải cách.

Một bài học nữa cần rút nghiệm trong thời kỳ "nước sôi lửa bỏng" này là Chính phủ, Quốc hội khi ban hành nghị quyết thì cần đưa ra giải pháp kèm theo. Các nghị quyết quy định thời hạn thực hiện nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành.

Qua làm việc với nhiều doanh nghiệp tại khu vực phía Nam, nhất là doanh nghiệp khu vực Đông Nam Bộ, ông Võ Trí Thành lưu ý, đang có ba vấn đề lớn khiến doanh nghiệp bận tâm khi thực hiện quá trình quay lại sản xuất thời gian tới. Thứ nhất, cần có một khung khổ chống dịch chung để doanh nghiệp yên tâm bắt đầu quay lại sản xuất, kinh doanh. Thứ hai, vấn đề lao động cần được quan tâm thích đáng, vì những hiện tượng dịch chuyển lao động, trạng thái lao động xảy ra thời gian qua khiến doanh nghiệp có thể phải mất 2 năm mới có thể quay lại nguồn lực lao động như trước dịch bệnh. Thứ ba là hỗ trợ dòng tiền và tài chính cho doanh nghiệp.

Có thể thấy, thực hiện đầu tư công gắn liền với xây dựng quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch của địa phương, cũng như quy hoạch của ngành, lĩnh vực. Nhưng công tác xây dựng chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực và quy hoạch thực hiện vô cùng chậm. Với sự chậm trễ này, ngoài các dự án đầu tư công quy mô lớn, có nghị quyết riêng của Quốc hội sẽ tiếp tục triển khai, thì các dự án khác có thể được triển khai không, khi quy hoạch vùng chưa có?

Về cải cách thể chế, Quốc hội cần xem xét kỹ lưỡng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, cũng như trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có một số nhóm chính sách, pháp luật cần quan tâm hoàn thiện trước tiên trong thời gian tới. Nhóm thứ nhất là chính sách, pháp luật để phân bổ hiệu quả các nguồn lực sẵn có để phát triển đất nước, nhất là pháp luật về đất đai. Nhóm thứ hai là chính sách, pháp luật thúc đẩy sáng tạo, trong đó cần sớm nghiên cứu, xây dựng luật về cơ sở dữ liệu. Dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng nhưng khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực này được Việt Nam hoàn thiện chậm hơn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Và cũng có nhiều vấn đề đằng sau cần có quy định pháp luật điều chỉnh như quyền tài sản, quyền dữ liệu... Nhóm thứ ba là các chính sách, pháp luật về công chức để tạo điều kiện họ "dám làm, dám chơi và dám chịu trách nhiệm". Nhóm thứ tư là các chính sách, pháp luật về tình trạng khẩn cấp để xác định trong trường hợp khẩn cấp sẽ trao quyền cho Chính phủ như thế nào? Cách thức ứng phó như thế nào để bảo đảm linh hoạt, chuyên nghiệp, có chi phí rẻ?

Thanh Hải