Quân mỏng lại không tinh

- Thứ Bảy, 03/10/2020, 09:17 - Chia sẻ

Mặc dù, đăng ký, quản lý hộ tịch là cơ sở pháp lý để Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền hợp pháp của công dân, bảo đảm thực hiện một số quyền con người cơ bản, thiết yếu như quyền được khai sinh, có họ tên, xác định mối quan hệ cha - mẹ - con. Đặc biệt, công tác này có ý nghĩa không nhỏ trong việc quản lý dân cư khoa học, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội; an ninh - quốc phòng của quốc gia. Tuy nhiên, đội ngũ làm công tác đăng ký, quản lý hộ tịch đang đối diện với thực tế không đủ biên chế và thường xuyên bị luân chuyển công tác.

Tổng hợp số liệu thống kê của các Sở Tư pháp cho thấy, biên chế của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch còn mỏng, có khoảng 48% cấp xã chỉ bố trí 1 công chức tư pháp - hộ tịch, một số Phòng Tư pháp cấp huyện chỉ bố trị 2 - 3 biên chế. Trong khi đó, đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch phải đảm nhiệm khối lượng công việc lớn, với nhiều vai trò từ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo… đến kiểm soát thủ tục hành chính.

Tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng công chức được đào tạo chuyên ngành khác (kinh tế, nông nghiệp…) được bố trí làm công tác hộ tịch. Đó là chưa kể tại một số địa phương còn tồn tại tuyển dụng cho vị trí công chức tư pháp - hộ tịch song thực tế lại sử dụng công chức đó là xã đội, công an xã hoặc kiêm nhiệm công tác khác. Điển hình, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định 12/2017 ngày 19.6.2017 quy định số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quy định bố trí 1 biên chế công chức tư pháp - hộ tịch phụ trách Phó trưởng Công an xã, tuy nhiên trên thực tế biên chế này không thực hiện nhiệm vụ tư pháp - hộ tịch.

Cùng với số lượng cán bộ mỏng thì chất lượng công chức tư pháp - hộ tịch cũng bị tác động do công tác luân chuyển cán bộ, điều động theo nhiệm kỳ của UBND. Cũng không hiếm trường hợp, công chức tư pháp - hộ tịch có chuyên môn nghiệp vụ, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm thực tiễn, tuy nhiên do trúng cử đại biểu HĐND hoặc bổ nhiệm vào vị trí cao hơn, dẫn đến địa phương chưa bố trí ngay được người có chuyên môn phù hợp, phải tạm thời bố trí những người được đào tạo chuyên ngành khác làm công tác hộ tịch. Chính vì thế, rất dễ hiểu khi hiện nay các địa phương chưa bảo đảm được 100% công chức làm công tác hộ tịch có chuyên môn phù hợp. Không chỉ hạn chế về trình độ chuyên môn, trình độ tin học, kỹ năng thống kê của công chức tư pháp - hộ tịch còn nhiều hạn chế, dẫn đến còn có những sai sót trong quá trình giải quyết công việc.

Trước thực tế này, nhiều năm qua nhất là khi có Luật Hộ tịch; Việt Nam tham gia Tuyên bố về đăng ký và thống kê hộ tịch của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Khung hành động khu vực thì ngành Tư pháp cũng nhiều lần có văn bản kiến nghị bộ, ngành liên quan và các địa phương về vấn đề này. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024 thì vấn đề này vẫn đang là điểm nghẽn lớn nhất của công tác đăng ký, quản lý hộ tịch.

Hải Lam