Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ sẽ ngày càng sâu đậm và phong phú

- Thứ Sáu, 17/12/2021, 22:18 - Chia sẻ

Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Lễ kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ

Thưa Ngài Bộ trưởng Ngoại giao Jaishanka,

Thưa Bà Tổng Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Ấn Độ,

Hôm nay, tôi rất vui mừng tham dự buổi lễ kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ. Thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam, tôi xin cảm ơn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Ấn Độ và các cơ quan liên quan đã tổ chức buổi lễ đặc biệt này.

Chúng ta đều nhớ rõ, tháng 9.2016, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ký văn kiện nâng cấp quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ Đối tác Chiến lược lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Người Việt Nam chúng tôi có câu “thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa”. So với chiều dài lịch sử hơn hai nghìn năm giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt Nam - Ấn Độ, 5 năm như chỉ là một chớp mắt, nhưng đó lại là mốc son chói lọi, in dấu ấn thành quả của hơn hai nghìn năm giao lưu văn hóa, tư tưởng của văn minh Ấn Độ với văn minh Việt Nam. Thế giới muôn vàn đổi thay nhưng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ vẫn mãi thủy chung, trong sáng.

Nhiều chính khách, học giả trên thế giới có lúc băn khoăn, nhiều lúc ngạc nhiên về tình hữu nghị gắn bó keo sơn, thủy chung, trong sáng giữa Việt Nam và Ấn Độ. Có thể họ có cách trả lời riêng, nhưng chắc chắn họ khó luận giải những điều sâu xa, nguồn cội:

- Trước hết đó là nguồn cội từ lịch sử hai nghìn năm qua của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ được nuôi dưỡng, bồi đắp từ nền tảng văn hóa, tư tưởng yêu nước, thương nòi, khoan dung, bác ái của Việt Nam và tư tưởng bình đẳng, bác ái, hòa bình, nhân văn sâu sắc của Phật giáo, Hindu giáo của Ấn Độ.

- Đó là Nguồn cội từ sự tương đồng trong tư tưởng khai sáng về chính trị, ngoại giao, bảo vệ và phát triển đất nước của các lãnh tụ đặt nền tảng vững chắc cho quan hệ song phương giữa hai nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thánh Mahatma Gandhi và Jawaharlal Nehru, được các thế hệ lãnh đạo Việt Nam và Ấn Độ cùng nhân dân hai nước luôn đoàn kết, kế thừa và không ngừng làm phong phú và sâu sắc thêm.

- Đó là Nguồn cội từ sự hiện đại hóa và toàn diện hóa quan hệ giữa hai nước được xây dựng đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng, mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là niềm tin chính trị. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có độ tin cậy chính trị cao nên đã vượt qua muôn ngàn thử thách, luôn thủy chung, trong sáng. Sự tin cậy chính trị đó luôn được củng cố thông qua việc hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và  Chính phủ.

- Đó là Nguồn cội từ Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng, tiến hành công cuộc đổi mới năm 1986 và Ấn Độ đã tiến hành cải cách năm 1991 làm cho không gian, môi trường chính trị quan hệ song phương giữa hai nước được thông thoáng và ngày càng mở rộng.

Từ đó đến nay, quan hệ hai nước chúng ta đã đạt được những thành tựu phát triển đáng khích lệ, dựa trên năm trụ cột chính: hợp tác chính trị, ngoại giao; hợp tác quốc phòng, an ninh; hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; hợp tác khoa học công nghệ; hợp tác giáo dục, đào tạo và giao lưu văn hóa nhân dân.

⁃ Trong 5 năm qua đã có 7 chuyến thăm cấp cao của hai nước, một tần suất trao đổi đoàn cấp cao lớn nhất mà Việt Nam có với bất kỳ nước nào. Những chuyến thăm cấp cao không những đặt nền tảng, tạo động lực cho việc triển khai các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết mà còn góp phần thắt chặt thêm độ tin cậy chính trị giữa hai nước.

⁃ Hợp tác quốc phòng và an ninh đang phát triển mạnh mẽ và là điểm sáng trong quan hệ của hai nước, thể hiện rõ tính chất chiến lược của mối quan hệ đối tác. Hai bên cơ bản hoàn tất gói tín dụng 100 triệu USD để xây dựng các xuồng cao tốc cho lực lượng biên phòng Việt Nam. 

 - Quan hệ kinh tế giữa hai nước ngày càng mở rộng, kim ngạch thương mại bình quân tăng đến 20%/năm và hai nước đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của nhau. Ngay cả khi dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, thương mại 10 tháng đầu năm 2021 đạt mức 11 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Quan trọng hơn, tiềm năng mở rộng hợp tác kinh tế còn rất lớn. Tôi quan sát thấy nhiều doanh nghiệp Ấn Độ ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam. Với khả năng nhiều doanh nghiệp lớn của Ấn Độ sẽ chọn Việt Nam làm đột phá về đầu tư trực tiếp vào Đông Nam Á.

Tôi xin thông báo tin vui đến quý vị, tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ do Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ vừa phối hợp tổ chức sáng nay trong khuôn khổ chuyến thăm tại New Delhi đã thu hút trên 200 doanh nghiệp tham gia trực tiếp và hơn 500 doanh nghiệp, nhà đầu tư của hai bên tham gia trực tuyến. Đã có 12 biên bản ghi nhớ được ký trị giá nhiều tỉ USD trong các lĩnh vực về sản xuất thực phẩm, công nghệ thông tin, dầu khí môi trường. Chỉ riêng biên bản hợp tác giữa SaigonTel với Tập đoàn  Ecologic Engineering của Ấn Độ hợp tác trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp và đổi mới sáng tạo đã có giá trị lên đến 4 tỉ USD. Hợp tác về khoa học công nghệ đã, đang và sẽ là cú hích mới cho quan hệ hai nước chúng ta. Hạt nhân ứng dụng, công nghệ thông tin và chuyển đổi số là những lĩnh vực mà Ấn Độ có lợi thế và ở vị trí tiên phong. Việt Nam rất quan tâm đến lĩnh vực này và sẽ đẩy mạnh chương trình hợp tác cụ thể trong thời gian tới.

⁃ Mối quan hệ hai nước sẽ tiếp tục bền chặt khi giao lưu văn hóa và nhân dân không ngừng gia tăng mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều người Việt Nam sang Ấn Độ để tìm hiểu, khám phá một nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc với nhiều giá trị nguyên bản. Ngày càng có nhiều người Ấn Độ tìm đến Việt Nam với tư cách là một địa điểm du lịch hấp dẫn và môi trường công việc năng động. Đặc biệt, việc kết nối hàng không trực tiếp từ cuối năm 2019 đã và đang tạo ra một chương mới về kết nối, giao lưu giữa hai nền văn hóa giàu truyền thống, giữa hai dân tộc đã có bao mối giao tình.

Đại dịch vừa qua càng chứng tỏ tình nghĩa thuỷ chung hoạn nạn có nhau của chúng ta. Khi Ấn Độ bị Covid - 19 tấn công, Việt Nam đã chung tay giúp đỡ. Và chúng tôi không bao giờ quên khi Việt Nam gặp khó khăn, Ấn Độ đã ngay lập tức điều cả tàu chiến chở ôxy và các trang thiết bị máy móc đến Việt Nam để kịp thời cấp cứu cho các bệnh nhân nặng, giảm thiểu các trường hợp tử vong.

Chúng tôi cũng cám ơn Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã tài trợ cho nhiều dự án khảo cổ, bảo tồn, trùng tu các công trình văn hóa Chăm ở miền Nam và miền Trung Việt Nam. Việc phát hiện di chỉ cổ đại (shiva linga) tượng trưng cho Ấn Độ giáo ở Việt Nam là biểu hiện sinh động của gắn kết văn hóa lâu dài và lâu đời giữa hai dân tộc. Đó là cái gốc rễ của quan hệ trường tồn.

Thưa quý vị đại biểu,

Quan hệ Việt Nam và Ấn Độ không chỉ phát triển ở cả năm lĩnh vực như tôi vừa nói mà điều quan trọng hơn là chúng ta ngày càng có sự tương đồng về quan điểm trong rất nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Tôi tạm gọi là sự hội tụ các giá trị chiến lược.

Cả hai nước chúng ta đều nhiều lần khẳng định nhu cầu xây dựng một trật tự đa phương tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp quốc tế bằng cấp biện pháp hòa bình và tự do hàng hải, hàng không theo quy định của luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển năm 1982 luôn là cơ sở quan trọng để duy trì hòa bình, ổn định và công lý ở khu vực.

Trong thập kỷ vừa qua, đặc biệt là năm 2021, hai nước đã phối hợp chặt chẽ với nhau tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm bảo vệ lợi ích của nhau và bảo vệ những giá trị chung của nhân loại. Sự đoàn kết đó tạo ra sự cộng hưởng về sức mạnh để bảo vệ các giá trị cốt lõi của hệ thống quốc tế đương đại. Cả hai nước đều tin rằng, chủ nghĩa đa phương không chỉ là công cụ, mà là cả mục tiêu cần phấn đấu để xây dựng trật tự quốc tế ổn định và công bằng.

 Đối với Việt Nam, Ấn Độ vừa là một nước lớn, có uy tín và địa vị ngày càng cao trên thế giới vừa là nước bạn bè có quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời. Có thể thấy, mối quan hệ của chúng ta đã vượt qua muôn vàn thử thách của thời gian, phù hợp với xu thế của thời đại và nguyện vọng thiết tha cháy bỏng của nhân dân hai nước.

Việt Nam ủng hộ và đánh giá cao việc Ấn Độ hiện thực hóa “Chính sách Hướng Đông”, và năm 2014 đã nâng cấp thành “Chính sách Hành động Hướng Đông” để phù hợp với bối cảnh mới, tầm nhìn mới, trong đó, coi Việt Nam là trụ cột của chính sách này ở Đông Nam Á. Đây là nhân tố quan trọng làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

Hôm nay, tất cả chúng ta long trọng tổ chức kỷ niệm 5 năm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ. Tôi nghĩ rằng, đây là hoạt động quan trọng có tính khởi đầu cho rất nhiều hoạt động mà hai nước sẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ vào năm 2022 và đây cũng là năm kỷ niệm 75 năm Quốc khánh của Ấn Độ.

Giờ phút này, tôi lại nhớ đến lời phát biểu của Ngài Pranab Mukherjee khi đến thăm Việt Nam và khai trương Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày 15.9.2014 rằng: “Quan hệ hai nước chưa bao giờ tốt đẹp như ngày hôm nay… Để bảo vệ lợi ích chung như hòa bình và thịnh vượng, Ấn Độ và Việt Nam phải đứng cạnh nhau… Ấn Độ sẽ luôn là người bạn tin cậy và thủy chung của Việt Nam”.

Câu nói trên của Tổng thống Ấn Độ cũng là tâm nguyện chung của nhân dân hai nước chúng ta, Việt Nam và Ấn Độ.

Với tất cả niềm tin, tình cảm sâu đậm với đất nước và nhân dân Ấn Độ, tôi tin chắc rằng, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ sẽ ngày càng phát triển sâu đậm và phong phú.

Xin chúc tất cả các vị đại biểu mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc!

Chúc tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ ngày càng sâu sắc, bền chặt!

Xin trân trọng cảm ơn!

* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

CTV