Quan hệ Nga - Trung sẽ được thúc đẩy lên mức cao nhất

- Thứ Ba, 14/12/2021, 22:23 - Chia sẻ
Hôm nay, 15.12, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến để thảo luận về quan hệ song phương, các vấn đề thời sự cấp thiết và quan hệ hợp tác của cả hai quốc gia trên nhiều lĩnh vực…

Thắt chặt quan hệ

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân, hai nhà lãnh đạo sẽ thiết kế lộ trình để thúc đẩy quan hệ song phương lên cấp cao nhất trong năm 2022. Trước đó, cuộc gặp trực tuyến gần đây nhất giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Trung diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua (28.6). Ngày đó trùng với dịp kỷ niệm mốc 20 năm ký Hiệp ước về bang giao láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác giữa Nga và Trung Quốc.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hội nghị thượng đỉnh sẽ củng cố sự tin cậy lẫn nhau giữa Bắc Kinh và Moscow, “mang lại sự ổn định và năng lượng tích cực trong bối cảnh môi trường quốc tế hỗn loạn”.

Ông Li Yonghui, chuyên gia về Nga và Trung Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định cuộc gặp sẽ cho phương Tây thấy hai cường quốc có nhiều điểm chung. Còn PGS. Artyom Lukin, Đại học Liên bang Viễn Đông của Nga cho rằng, mục đích chính của hội nghị trực tuyến này là thể hiện sự đoàn kết và gửi thông điệp tới Mỹ. Trong khi đó, theo ông Alexander Gabuev, thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie Moscow, cuộc gặp có ý nghĩa địa chính trị đối với cả hai. Tuy nhiên, ông Gabuev không mong đợi các thỏa thuận hoặc hợp đồng quan trọng sẽ được ký kết trong dịp này. Theo ông, “tất cả thỏa thuận sẵn sàng được ký kết có thể sẽ bị hoãn lại cho đến tháng 2.2022”. Đây là thời điểm Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp mặt trực tiếp bên lề Thế vận hội mùa Đông năm 2022 tại Bắc Kinh.

Hội nghị giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin diễn ra sau khi một số quốc gia phương Tây tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Bắc Kinh và cũng vào thời điểm mà diễn biến ở biên giới Nga - Ukraine gây chú ý dư luận quốc tế. Mỹ và lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào ngày 12.12 đã ra thông báo chỉ trích Nga về vấn đề liên quan đến Ukraine.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Nga ngày càng liên kết chính sách đối ngoại để ứng phó lại sự thống trị của Mỹ đối với trật tự kinh tế và chính trị quốc tế. Cả hai đều phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây về các chính sách nội bộ của họ. Phương Tây cáo buộc Trung Quốc vi phạm dân chủ vì các chính sách đối với các nhóm thiểu số như người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hay đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ ở Hong Kong. Bắc Kinh và Washington cũng còn mâu thuẫn về thương mại, công nghệ và vấn đề Đài Loan…

Trong khi đó, Nga bị phương Tây chỉ trích và đưa ra lệnh trừng phạt vì sát nhập bán đảo Crimea năm 2016. Ngoài ra, Tổng thống Nga Putin luôn muốn tìm kiếm bảo đảm rằng việc mở rộng liên minh quân sự NATO sẽ không bao giờ bao gồm Ukraine, nhưng yêu cầu này bị Mỹ và các đồng minh NATO từ chối…

 

Nguồn: ITN

Lợi ích song phương

Gần đây, quan hệ Moscow và Bắc Kinh ngày càng trở nên sâu sắc trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây leo thang. Lộ trình hợp tác quân sự từng được ký kết bởi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã chứng kiến sự phát triển chưa từng có trong hợp tác quân sự giữa hai bên trong năm qua.

Hồi tháng 8, hơn 10.000 binh sĩ của Nga và Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận chung kéo dài 5 ngày, tại căn cứ huấn luyện chiến thuật phối hợp ở khu tự trị Hồi Ninh Hạ của Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa đặc biệt vì quân đội Nga là lực lượng nước ngoài đầu tiên tham gia một cuộc tập trận thường kỳ của Trung Quốc. Ngoài ra, giới quân sự hai bên cũng có những tuyên bố hợp tác phát triển trực thăng quân sự, hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa... Giới quan sát cho rằng, các hoạt động quân sự chung giữa Nga và Trung Quốc được thiết lập để giúp quân đội hai nước hợp tác hiệu quả hơn, đồng thời cho thấy Bắc Kinh và Moscow đang tăng cường nỗ lực học hỏi lẫn nhau trong cách ứng phó với Mỹ.

Đối với Trung Quốc, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất và là nguồn nhập khẩu dầu lớn thứ hai. Và đối với Nga, Trung Quốc là đối tác thương mại quốc gia hàng đầu và là nguồn đầu tư quan trọng trong các dự án năng lượng của nước này, bao gồm nhà máy Yamal LNG ở vòng Bắc Cực và đường ống Power of Siberia (Sức mạnh Siberia), dự án khí đốt trị giá 55 tỷ USD lớn nhất trong lịch sử Nga...

Trong vài năm qua, xứ sở Bạch Dương và đất nước gấu trúc đưa quan hệ giữa họ lên tầm cao hơn. Nga bán một số vũ khí tiên tiến nhất của mình (chẳng hạn như máy bay chiến đấu phản lực Sukhoi 35) cho Trung Quốc, một biểu tượng thể hiện sự khăng khít. Hơn nữa, được khuyến khích bởi các lãnh đạo chính trị hàng đầu ở cả hai nước, hợp tác Trung - Nga đã bước vào những biên giới mới, bao gồm các dự án công nghệ cao chung như xây dựng lò phản ứng hạt nhân của Công ty Nga Rosatom ở Tianwan và các nhà máy điện hạt nhân Xudapu. Hai nước cũng sẽ cùng sản xuất một chiếc máy bay chở khách mới, CR929 và thậm chí hướng tới việc xây dựng một trạm vũ trụ trên mặt trăng…

Bên cạnh đó, hai quốc gia ngày càng xích lại gần nhau hơn về mặt ngoại giao và kinh tế. Về chính sách đối ngoại, Bắc Kinh và Moscow chia sẻ các cách tiếp cận tương tự đối với Iran, Syria và Venezuela, và gần đây đã hồi sinh nỗ lực dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin cũng có mối quan hệ cá nhân, đã gặp nhau hơn 30 lần kể từ năm 2013. Nhà lãnh đạo Trung Quốc thậm chí còn gọi Tổng thống Putin là “bạn thân” của mình.

Linh Anh