Quá sớm để “ngủ quên”

- Thứ Sáu, 24/09/2021, 06:49 - Chia sẻ
Sau 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội tại Thủ đô, từ 6h sáng ngày 21.9 toàn thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách theo tinh thần Chỉ thị 15, không ít người xem đây là ngày hội ra đường đi chơi trung thu, xả hơi sau thời gian dài ở nhà. Đáng nói, một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức được về sự nguy hiểm từ F0 cộng đồng, vô tư dẫn trẻ nhỏ - đối tượng chưa được tiêm chủng ra ngoài đường.

Từ tắm sông đến chơi trăng trung thu

Tối 21.9 hàng nghìn người từ nhiều nơi đổ về các con phố trung tâm chạy thẳng lên hồ Hoàn Kiếm đón tết Trung thu. Với nhiều người, sau thời gian dài ở nhà, chiếc cột đèn giao thông với 3 màu xanh, đỏ, cam quen thuộc là thứ họ muốn thấy hơn là nghĩ lại việc mình đang thuộc vùng nào, màu gì. Số ca nhiễm giảm, chính quyền quyết định bỏ giấy đi đường, gỡ bỏ các chốt kiểm soát nội đô, từng bước nới lỏng để người dân phục hồi sản xuất, kinh tế, có lẽ những người đi thưởng trăng 21.9 vừa qua nghĩ Hà Nội đã “khỏe và sạch”?

Chúng ta đã từng lên án, thậm chí mỉa mai, phản ứng gay gắt khi đọc những tin tức cùng loạt hình ảnh hàng vạn người dân Ấn Độ tham gia lễ hội tắm sông Kumbh Mela dù dịch bệnh đang bùng phát. Vậy nhưng, chính chúng ta lại đang làm điều đó!

Chỉ thị 22/CT-UBND đã nêu rõ: “Mọi cá nhân và các tổ chức tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm 5K cũng như các biện pháp bảo vệ cá nhân và cộng đồng. Tuyệt đối không được chủ quan trong khi Thành phố dần nới lỏng các hoạt động để phục hồi sản xuất, kinh doanh”, “...không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng” .

Trao đổi về việc này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng việc đổ ra đường trong đêm Trung thu là vô cùng nguy hiểm. Theo ông Phu, trong biển người hôm 21.9 vừa qua chỉ cần có một trường hợp F0, để dịch bùng lên lại thì rất khó truy vết, vô cùng nguy hiểm.

“Chúng ta nới lỏng từng bước dần đi đến trạng thái bình thường mới, còn bây giờ vẫn phải nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 15, tức là người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết. Đặc biệt, cần tuân thủ nghiêm 5K của Bộ Y tế, hạn chế đến mức thấp nhất việc gặp gỡ, tụ tập và nên ở trong nhà", ông Phu nói.

Chỉ thị mới ban hành ngày 20, nhưng ngày 21 cảnh tượng biển người trong “đêm hội trăng rằm” chật cứng một số con phố, ngã tư khiến nhiều người bức xúc, các chuyên gia lo ngại, chính quyền thành phố đau đầu với nỗi lo F0 cộng đồng. Tết Trung thu được hiểu dành cho trẻ em nhưng không ít người lớn vẫn mượn cớ để ra đường, với những lý do "cần thiết".

Ý thức người dân là yếu tố quan trọng khi thành phố nỗ lực trở lại trạng thái bình thường mới ( Ảnh chụp tối 21.9)

Ảnh: Văn Anh 

Đừng  “đốt củi một giờ”

Bài học của TP. Hồ Chí Minh vẫn còn đó khi dịp lễ 30.4, 1.5, người dân ùn ùn đổ về quê, đi du lịch và sau đó là những ngày dài chìm trong dịch bệnh, tang tóc. Số ca dương tính không ngừng tăng lên, từ vài trăm ca đến vài nghìn ca, số ca tử vong cũng vì thế mà nhân lên. Hàng nghìn người đã mãi mãi không còn được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, những trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, không biết nương tựa vào đâu. Nỗi đau dịch bệnh là vô cùng ám ảnh khi ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Vậy mà, ở giữa Thủ đô, nhiều người dân vẫn bất chấp, lao ra đường chỉ để thỏa mãn thú vui thưởng trăng ngày rằm. Năm nay, phần lớn, các em nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh đã có một đêm trung thu trong nhà, không có múa lân, không rước đèn ông sao, không mâm cỗ, và có nhiều em đã không có bố, mẹ và người thân ở bên.

Vấn đề đóng-mở thành phố đã được bàn bạc, thảo luận nhiều lần và chính quyền luôn cầu thị lắng nghe Nhân dân để có quyết sách phù hợp với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, mọi nỗ lực từ chính quyền, từ lực lượng tuyến đầu chống dịch sẽ trở nên vô nghĩa nếu người dân không có ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng.

Thực tế hiện nay, Hà Nội chưa thể trở lại trạng thái “bình thường mới”. Trao đổi với báo chí, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Theo yêu cầu của ngành y tế, thành phố vẫn chưa thể trở lại “bình thường mới” bởi tỷ lệ tiêm mũi 2 của Hà Nội mới đạt 12%, trong khi yêu cầu bắt buộc phải là trên 70% mũi 1 và trên hoặc bằng 20% mũi 2.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chưa thể ngày một ngày hai đưa Hà Nội trở lại “Zero F0” dù thành phố đã thực hiện xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân. Chính vì vậy, muốn sớm trở lại trạng thái “bình thường mới” mỗi người dân phải tự ý thức được trách nhiệm của mình, tuân thủ nghiêm ngặt quy định 5K và các biện pháp phòng, chống dịch.

Vaccine tốt nhất vẫn là “vaccine ý thức”!

Văn Anh