Xem - Nghe - Đọc

"Quả cầu vàng 2021": Nữ đạo diễn gốc Á được vinh danh

- Chủ Nhật, 07/03/2021, 09:10 - Chia sẻ
Lần đầu tiên trong lịch sử "Quả cầu vàng" có một nữ đạo diễn gốc Á thắng giải "Đạo diễn xuất sắc nhất". Cô cũng là nữ đạo diễn thứ 2 thắng giải này, sau huyền thoại Barbra Streisand.

Năm nay là một năm vô cùng đặc biệt bởi vì do dịch bệnh nên hầu hết các phim tranh giải "Quả cầu vàng" - một trong hai giải thưởng điện ảnh thường niên lớn nhất hàng năm, chủ yếu đều phát trên các nền tảng trực tuyến, trong khi vài "bom tấn" khá chất lượng hiếm hoi chiếu rạp như "Tenet" và "Wonder Woman 1984" lại không lọt được vào các vòng đề cử chính thức. Điều đó vô hình trung khiến cho phim điện ảnh và phim truyền hình (đặc biệt là TV Movie hay mini-series) gần như giống nhau và đôi khi còn khó phân biệt. 

Thế nhưng như vậy không có nghĩa là không có những tác phẩm điện ảnh chất lượng và vẫn giữ đúng được tinh thần của điện ảnh với những khuôn hình đầy chiều sâu và vang vọng về mặt hình ảnh, mà "Nomadland" là một ví dụ. Với tôi, đó là bộ phim xuất sắc nhất năm rồi, không chỉ Phim hay nhất (Best Picture/Drama) mà còn cả Đạo diễn xuất sắc nhất (Chloe Zhao). Lần đầu tiên trong lịch sử có một nữ đạo diễn gốc Á (Chloe Zhao người Trung Quốc) thắng giải này. Cô cũng là nữ đạo diễn thứ 2 thắng giải Quả cầu vàng, sau huyền thoại Barbra Streisand.

Hai giải tôi quan tâm nhất năm nay là Nữ chính và Nam chính ở hạng mục Drama vì có nhiều màn diễn xuất đặc sắc. Ở bảng Nữ chính, tôi xem được 4 phim, và ai trong số 4 người đó thắng đều xứng đáng. 

Trong "Nomadland", Frances McDormand, một nữ diễn viên kỳ cựu, có ngoại hình rất bình thường, ra đường có thể lẫn với bất cứ một người Mỹ thường dân nào đó. Nhưng khi bà bước vào khuôn hình thì tất cả bỗng tỏa sáng, từ một nữ cảnh sát bụng mang dạ chửa vượt mặt vẫn lái xe đi trong đêm để bắt tội phạm giết người (Fargo, 1996) đến một bà mẹ cuồng nộ vì mất con oan uổng mà ném bom lửa vào đồn cảnh sát để đòi lại công lý (Three Billboards Outside Ebbing, Missouri, 2017). Hai phim đó đã mang về cho bà 2 giải Oscar Nữ chính rồi. 

Cảnh phim "Nomadland"

Nguồn: ITN 

Trong "Nomadland", bà đóng vai một người phụ nữ mất tất cả ở tuổi gần đất xa trời. Ông chồng bầu bạn đã chết mà công việc ở nhà máy cũng mất vì đóng cửa do khủng hoảng kinh tế. Thế là bà già đơn độc và phiền muộn ấy quyết định lên đường, sống rày đây mai đó trong một chiếc xe van như một du mục thời hiện đại. Và bà tìm thấy những giây phút đốn ngộ trên những miền rong ruổi ấy. 

 "Nomadland", như tôi đã nói ở trên, là một phim điện ảnh rất đẹp của năm nay, một bộ phim chia sẻ với chúng ta về sự sinh tồn và tình yêu cuộc sống, cho dù đó là một cuộc sống nhiều thương tổn.

 Frances McDormand gần như không cần phải diễn, bà chỉ là chính bà thôi. Nhưng nhờ thế mà bà sáng bừng lên trong từng khuôn hình, dù đôi khi bà chỉ là một cái chấm nhỏ nhoi và đơn độc đến tội nghiệp trong những cú máy toàn cảnh. Hai hình ảnh đẹp nhất khiến tôi nhớ về McDormand trong phim này là hình ảnh bà mang một cái đèn bão đi một mình trong đêm giao thừa giữa vùng thiên nhiên rộng lớn và vắng lặng, đốt lên một chiếc pháo bông cầm tay phát sáng để chào đón thời khắc thiêng sắp điểm. Và một hình ảnh khác, bà khỏa thân hoàn toàn, thân hình già nua nhăn nheo, nằm tận hưởng trong một hồ nước ngọt giữa vùng sa mạc. Chỉ biết thốt lên là đẹp quá!

Carey Mulligan lại mang đến một nguồn năng lượng khác, năng lượng của tuổi trẻ, nhưng đây là tuổi trẻ đã chín muồi chứ không còn vụng dại và ngây ngô nữa. Nhưng trong sự chín muồi ấy, ta vẫn thấy được nỗi đau và sự hoang dại với màn báo thù kinh khủng của cô trong bộ phim "Promising Young Woman". Tôi cũng chẳng ưa gì phong trào "metoo", vì thấy nó quá đà và cực đoan thái quá, nhưng xem xong "Promising Young Woman" thì nghĩ lại. Phải chăng, đôi khi phải cực đoan như vậy, mới gióng lên được một hồi chuông lớn mà giải quyết cho rốt ráo tận cùng. 

Ở bảng Nam chính, tôi mới xem được ba phim. Gary Oldman trong "Mank", một phim tiểu sử về hậu trường của bộ phim kinh điển Citizen Kane. Oldman đóng vai ông biên kịch già say xỉn, một hình ảnh phần nào gợi nhớ đến ông trong màn trình diễn đã được tưởng thưởng Oscar vài năm trước với vai Winston Churchill trong  "Darkest Hour".  Đây là một phim giành nhiều đề cử Quả cầu vàng nhất năm nay của David Fincher, một đạo diễn lão luyện mà tôi rất ngưỡng mộ. Nhưng "Mank" hơi khô và khó xem.

Trong hai màn trình diễn còn lại, Riz Ahmed trong "Sound of Metal" và Chadwick Boseman trong "Ma Rainey’s Black Bottom", dù thích cả hai, nhưng tôi nghiêng về Chadwick Boseman hơn. Cả hai đều diễn tả nỗi đau của người nghệ sĩ. 

Ở "Sound of Metal", Ahmed, chàng diễn viên gốc Pakistan là nỗi đau của một tay trống nhạc heavy-metal, một nghệ sĩ mà thính giác quan trọng hơn tất thảy, thì lại rơi vào một tình cảnh trớ trêu: đôi tai của anh ta đang mất dần thính giác và điếc. Sự vật lộn với nỗi đau đó cho đến khi anh ta chấp nhận và đốn ngộ, nhận ra vẻ đẹp của sự vô thanh trong đời sống của mình - trở nên đẹp đẽ vô cùng. 

Trong khi đó ở "Ma Rainey’s Black Bottom", Chadwick Boseman phô diễn toàn bộ thành công lực cho một bộ phim để đời cuối cùng của sự nghiệp. Anh biết anh không còn nhiều thời gian nữa, và với cơ hội cuối cùng này, anh đã dốc hết vào đó bản năng diễn xuất nghệ sĩ của mình. Con người của diễn viên hòa trộn vào con người của nhân vật, và đôi khi tôi không phân biệt được đó là nỗi đau và sự cuồng nộ của anh hay của nhân vật nữa. Chỉ biết khi màn hình khép lại, tôi vẫn cảm nhận được sự gào thét từ nội tâm của anh, một kẻ khao khát sống và cống hiến nhưng bị Chúa chối từ. 

Và trong đêm trao giải Quả cầu vàng vừa qua, Chadwick Boseman đã thắng cho vai diễn cuối đời. Cả Chúa lẫn Quả cầu vàng đã vinh danh anh. 

Lê Lâm