QH quyết định chủ trương đầu tư thì QH phải quyết định nguồn vốn ở đâu

Nguyễn Vũ ghi 23/02/2014 09:34

Thực tế giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công cho thấy có tình trạng: một anh quyết định đầu tư nhưng một anh khác quyết định tiền ở đâu. Cho nên xảy ra câu chuyện: quyết định đầu tư đã có nhưng khi triển khai lại vướng về nguồn lực. Cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công tại Phiên họp thứ Hai mươi lăm vừa qua, nhiều thành viên UBTVQH đề nghị, một trong những vấn đề cần khắc phục và làm rõ lần này là thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với các chương trình, dự án. Nếu QH đã quyết định việc đầu tư thì QH cũng phải quyết định nguồn vốn ở đâu, phải gắn quyết định chủ trương với quyết định nguồn lực.

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Chính phủ có quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình, dự án nào không?

Tôi rất tán thành việc chúng ta sớm hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công để trình QH xem xét thông qua, vì đây là dự án luật được cử tri và QH chờ đợi, đòi hỏi đã lâu nhưng do điều kiện khách quan chúng ta phải để lại đến Kỳ họp thứ Bảy sắp tới mới xem xét thông qua được. Đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra hoàn thiện lại một số vấn đề nêu trong Báo cáo thẩm tra để trình QH thông qua lần này. Đây cũng là một trong những biện pháp để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công.

Với dự án Luật này, việc xác định thẩm quyền quyết định của từng cơ quan và phân loại các dự án đầu tư để đi đến mục đích gì? Ở Điều 6, phân loại các dự án đầu tư công, dự thảo Luật ghi dựa theo một trong các tiêu chí cơ bản: theo mục tiêu, theo tầm quan trọng, theo ngành và lĩnh vực, theo quy mô dự án. Sau đó tại khoản 3, Điều 6 gắn với thẩm quyền của từng cơ quan. Tôi hiểu việc phân loại các dự án đầu tư công để đi đến đích cuối cùng là giao thẩm quyền cho cơ quan nào quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư. Nhưng chính ở chỗ cần công khai, minh bạch, cụ thể và bảo đảm tính khả thi của dự án Luật và sau này là bảo đảm thực thi trong cuộc sống thì ta lại không đưa vào Luật mà giao Chính phủ tiếp tục quy định với lý do bởi vì đây là những vấn đề dễ biến động trong từng thời kỳ. Chỗ này tôi đề nghị phải tính toán lại, không thì không đạt được mục đích đề ra khi xây dựng Luật Đầu tư công.

Trong Hiến pháp mới có một sự điều chỉnh rất lớn so với Hiến pháp năm 1992 trước đây. Hiến pháp năm 1992 trước đây quy định: QH quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Nhưng lần này Hiến pháp mới quy định: QH quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội. Bây giờ hiểu những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội là cái gì? Có gắn với chương trình đầu tư công trong Luật Đầu tư công không? Những gì thuộc về thẩm quyền QH và các cơ quan khác? Đề nghị phải làm rõ. Còn nếu như dự thảo Luật ở đây chỉ quy định là QH những chương trình, dự án quan trọng của quốc gia, theo Nghị quyết 49 của QH, thì thử đặt một vấn đề là lâu nay QH quyết định cả chương trình mục tiêu quốc gia, những dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia. Khi xây dựng Luật Đầu tư công, có lẽ cũng phải xem lại thẩm quyền quyết định chương trình mục tiêu quốc gia mà bấy lâu nay QH vẫn phân bổ. Hay hiện nay QH quyết định chủ trương, định hướng và các dự án trong những chương trình phát triển kinh tế - xã hội sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Tới đây theo Luật Đầu tư công, QH có quyết định những việc này nữa không?

Liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với các chương trình, dự án, Điều 12, thì Chính phủ có quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình, dự án nào không? Hay tất cả những vấn đề quy định trong Luật này đều giao Thủ tướng Chính phủ? Với các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội, nếu theo phạm vi đầu tư công ở trong dự thảo Luật này thì họ có liên quan – vậy các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ... có thẩm quyền quyết định những chủ trương đầu tư và những dự án đầu tư thuộc vốn quy định trong Luật này không? Trong dự thảo chỉ nói là Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho những chủ thể đó - đề nghị cân nhắc chữ ủy quyền. Bởi vì ủy quyền thì Thủ tướng Chính phủ vẫn phải chịu trách nhiệm về toàn bộ việc đó - có nên thiết kế theo hướng như thế không? Đề nghị cần phải làm rõ trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể trong Luật này thì mới rõ được trách nhiệm, quyền hạn, chứ không sau này mọi thứ cứ dồn lên Thủ tướng Chính phủ và để Thủ tướng Chính phủ phải chịu trách nhiệm đối với việc đầu tư của các bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội thì không nên. Điều này rất quan trọng.

Trong Điều 12 cũng chỉ nói đến thẩm quyền của HĐND và Chủ tịch UBND, nhưng thẩm quyền của tập thể UBND thì chưa được quy định. Đề nghị Ban soạn thảo xem lại Điều 12.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước: QH không nên quyết định các chương trình, dự án cụ thể mà chỉ quyết định những chương trình, quy hoạch, cách thức tiến hành

Thứ nhất, về khái niệm tôi đề nghị cần phải thống nhất, không nên luật này nói như thế này, luật khác nói thế khác. Vốn đầu tư của Nhà nước như thế nào phải rõ ràng. Ở Luật nào cũng phải như vậy để khi đọc Luật sẽ hiểu ngay. Bởi vì bản chất của vốn đầu tư của Nhà nước là tiền từ ngân sách phải trả, cho nên dứt khoát phải có, ít nhiều hoặc một phần nhất định ngân sách nhà nước, tiền đóng thuế của nhân dân, phải trả thông qua ngân sách, đó là phần vốn đầu tư của Nhà nước vào đầu tư công. Đề nghị cần phải thống nhất trong các luật, chứ không thể nói tùy tiện là Luật này nói phạm trù thế này. Mà như dân gian nói gạo nếp nếu nấu cơm nếp cũng được, nấu xôi cũng được là không phải – hai cái khác nhau, cũng là gạo nếp nhưng nấu xôi khác và nấu cơm nếp khác, cho nên phải rõ ràng.

Thứ hai, về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án, qua chứng kiến và tham gia nhiều quyết định của QH, tôi đề nghị lần này ta phải nghiêm túc sửa. Thực tế, có những vấn đề tôi thấy QH cũng dài tay quá thì không nên. QH cho chủ trương, QH quyết định ngân sách, QH quyết định các chính sách lớn là đúng rồi, nhưng bây giờ quy định QH quyết định cả các dự án a, b, c... như thế nào nữa thì phải xem lại. Trước đây, ta có một nghị quyết là QH quyết định những dự án kinh tế có vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD trở lên - đây mới chỉ là Nghị quyết của QH, nhưng bây giờ ta cũng phải nghiêm túc xem lại. Theo tôi, nếu biểu quyết thì tôi sẽ biểu quyết QH không tham gia các chương trình, dự án cụ thể mà chỉ quyết định những chương trình, quy hoạch, cách thức tiến hành, còn điều hành cụ thể các mục làm gì, dùng gì nên để Chính phủ làm. Như thế nhân dân kiểm soát được mà QH giám sát cũng dễ. Lúc đó mới rõ ràng trách nhiệm của ai, tránh tình trạng có những việc QH quyết định nhưng QH không điều hành mà Chính phủ điều hành hàng ngày, hàng giờ. Đề nghị Ủy ban Kinh tế cùng Ban soạn thảo nên thống nhất lại và làm rành mạch hơn về thẩm quyền này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Nếu QH đã quyết định đầu tư thì QH cũng phải quyết định nguồn vốn ở đâu

Điều 4, giải thích từ ngữ, sẽ bao trùm và giải quyết được tất cả các vấn đề, kể cả phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công này. Đã là đầu tư công thì không chỉ là đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội mà còn bao gồm cả đầu tư của Nhà nước để Nhà nước làm kinh tế. Hay nói cách khác là đầu tư vào các doanh nghiệp để tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, trong Luật này không đề cập đến phần đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà sẽ được điều chỉnh bằng một luật khác. Đề nghị phải ghi rõ: đầu tư công hiểu trong Luật này là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, không kể đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp để tạo ra lợi nhuận – như thế mới đầy đủ.

Về chủ trương đầu tư phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án, đề nghị Ban soạn thảo nên rà thêm đây là nội dung rất quan trọng. Dự thảo Luật chỉ quy định mấy chủ thể quyết định đầu tư: một là Quốc hội; hai là Thủ tướng. Hiến pháp ghi: Chính phủ quyết định các nhiệm vụ kinh tế - xã hội... Vậy theo Hiến pháp, khi quyết định các dự án đầu tư này thì Chính phủ đứng ở vị trí nào? UBTVQH ở vị trí nào? Các cấp này phải được rõ.

Qua giám sát, tôi thấy có tình trạng: một anh quyết định đầu tư nhưng một anh quyết định tiền ở đâu. Cho nên xảy ra câu chuyện: khi quyết định về trái phiếu Chính phủ thì lúc đấy đã quyết định các dự án rồi nhưng Quốc hội phải quyết định nguồn lực. Vậy bây giờ rõ ràng: một đằng quyết định những công trình cụ thể và có hẳn một chương trình, nhưng một đằng phải lo vấn đề tiền đâu. Theo tôi, đã cơ quan nào quyết định về nguồn lực thì cơ quan đó quyết định đầu tư – như thế thì mới gắn nhau. Trong Luật Đầu tư công phải phân rõ được thẩm quyền này. Ví dụ Thủ tướng Chính phủ quyết định một chương trình trái phiếu Chính phủ để đầu tư vào giáo dục, y tế. Nếu đã là một chương trình như thế thì phải là QH hay công trái quốc gia để làm một công trình thì cũng phải là QH quyết định. Đề nghị phải rà lại thẩm quyền, quy định rõ thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND để sau này không gặp khó khăn khi thi hành Luật. Nếu QH đã quyết định một vấn đề về đầu tư thì QH cũng phải quyết định vấn đề nguồn vốn ở đâu, gắn quyết định chủ trương với quyết định nguồn lực. Nếu QH cứ quyết định chủ trương thôi thì cuối cùng nguồn lực không biết lấy ở đâu. Cho nên lần này phải cố gắng khắc phục được tình trạng đó trong đầu tư công.

 Tất cả chương trình, dự án đầu tư công
đều phải thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư

Đa số ý kiến thống nhất với việc phân cấp như quy định của dự án Luật Đầu tư công. Có ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền của QH đối với việc phê duyệt chiến lược đầu tư công dài hạn trong từng giai đoạn, quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư quan trọng quốc gia và nhóm A.

So với quy định hiện hành về quản lý chương trình, dự án đầu tư công, dự án Luật đã có những quy định mới, chặt chẽ hơn về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư. Dự án Luật quy định tất cả chương trình, dự án đầu tư công đều phải thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư thay vì hiện nay chỉ có những chương trình, dự án quan trọng quốc gia mới phải được QH phê duyệt chủ trương đầu tư. Với số lượng các dự án đầu tư nhóm A đang triển khai và thực hiện mới hàng năm, việc quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư loại dự án này là hợp lý và khả thi, đồng thời cũng bảo đảm tính ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật. Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc QH phê duyệt danh mục chương trình, dự án quan trọng quốc gia và danh mục dự án Nhóm A trong Kế hoạch đầu tư trung hạn như quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 49 về trình và giao kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ của cả nước.

        (Báo cáo Một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau về dự án Luật Đầu tư công của Ủy ban Kinh tế)

    Nổi bật
        Mới nhất
        QH quyết định chủ trương đầu tư thì QH phải quyết định nguồn vốn ở đâu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO