"Xuân thu sử thi Bắc Kỳ" nhìn từ tiếp xúc Pháp - Việt
Sáng 4.7, Viện Pháp tại Hà Nội và Công ty TNHH Quốc tế Mai Hà tổ chức tọa đàm "Xuân thu sử thi Bắc Kỳ - nhìn từ tiếp xúc Pháp - Việt đầu thế kỷ XX", nhân dịp ra mắt cuốn sách của học giả Pháp Pierre Foulon.
Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: GS.TS. Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Vũ Đức Liên, Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Điều phối chương trình là TS. Nguyễn Tiến Dũng, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Tại chương trình, các diễn giả đã giới thiệu về những nét đặc sắc trong ấn phẩm Xuân thu sử thi Bắc Kỳ của tác giả Pierre Foulon, do Phan Tín Dụng dịch. Cuốn sách trình bày những triết lý văn hóa phương Đông nhưng đồng thời cũng chứa đựng những góc nhìn đậm dấu phương Tây của tác giả, vậy nên có thể coi cả cuốn sách như một sự giao thoa của văn hóa Đông - Tây.
Bên cạnh đó, các diễn giả cũng bàn luận khái quát câu chuyện về văn hóa Việt Nam qua góc nhìn của trí thức người Pháp Pierre Foulon. Bốn chương của cuốn sách được dựa trên cảm hứng "triết học tứ quý” của Kinh Xuân Thu và sách Lễ ký của triết học Khồng Tử. Nhưng điều Pierre Foulon bàn luận tới cởi mở hơn.
Xuân thu sử thi Bắc Kỳ chứa đựng những trang sách hấp dẫn về khía cạnh tôn giáo của lễ hội, những nét đẹp văn hóa, nghệ thuật dân gian, phong tục tập quán của người Việt.

Nhiều ý kiến đánh giá cuốn sách là sự tổng hòa về nghệ thuật. Bởi lẽ, việc thiết kế trình bày sách được thực hiện bởi chính họa sĩ Tô Ngọc Vân - một trong tứ trụ của hội họa Việt Nam. Tranh bìa được họa sĩ Nguyễn Tiến Lợi làm từ tranh khắc dân gian thường bày bán trong dịp giáp Tết trên hè phố và chợ Bắc Kỳ với mô típ Tam Đa quen thuộc, gợi lên một dấu ấn quen thuộc từ lịch sử.