Cuộc đọ sức của ý chí và trí tuệ Việt Nam

Hương Sen 01/01/2023 06:33

Những đòn phản công quân sự liên tiếp từ năm 1968 - 1972 chưa hoàn toàn đánh sập ý đồ xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam. Các chuyên gia quân sự cho rằng, chỉ khi nào Việt Nam đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, mới buộc Mỹ trở lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chính là đòn quyết định đó.

Cuộc chiến cân não cuối cùng

Nói về Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Trung tướng Phạm Phú Thái, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân, cho biết, giới học thuật quân sự Mỹ gọi chung là Chiến dịch Linebacker II (từ tháng 4 - 12.1972); còn chúng ta gọi là cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ lần thứ hai ra miền Bắc. Sau này, người Mỹ chia ra đợt tập kích B52 cuối năm 1972 và gọi thêm là Linebacker II, hay 11 ngày Noel 1972; ta gọi là 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

“Đây là trận đánh cuối cùng của không quân và hải quân Mỹ vào miền Bắc nước ta. Nói cách khác, một lần nữa, quân đội Mỹ trực tiếp can thiệp trở lại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhằm nỗ lực thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa” cuộc chiến tranh này. Đây cũng là thời điểm nhạy cảm và vô cùng cân não đối với lãnh đạo đất nước, khi phải tung lực lượng tình báo chiến lược từ đầu não chính quyền Sài Gòn để trả lời câu hỏi Mỹ có can thiệp trở lại cuộc chiến tranh này hay không", Trung tướng Phạm Phú Thái nhìn nhận.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân tháng 12.1972 - Ảnh: TL
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân tháng 12.1972 
 Ảnh: TL

Thời điểm cuối tháng 12.1972, sau 3 năm đàm phán, dự thảo Hiệp định Paris vẫn chưa được thông qua. Với dã tâm buộc ta phải đầu hàng và ký Hiệp định Paris theo những điều kiện có lợi cho Mỹ, Tổng thống Nixon tiến hành Linebacker II, sử dụng B52 - là loại máy bay ném bom chiến lược hiện đại bậc nhất bấy giờ từ các căn cứ Mỹ ở Thái Lan, Guam, Philippines tiến công hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng, nhằm đưa Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá. Mỹ cho rằng: “Đối phương không thể có cách chống đỡ và không còn một sinh vật nào tồn tại nổi dưới những trận mưa bom kinh khủng của loại B52 bất khả xâm phạm” (Hồi ký của Kissinger). 

Nhân dân Việt Nam chấp nhận thực hiện “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” để trả lời cả thế giới rằng, Việt Nam có thể đánh Mỹ, thắng Mỹ và cao hơn là đập tan ý chí xâm lược của Mỹ. “Nếu không đánh bại được ý đồ xâm lược man rợ của Mỹ thì cuộc chiến ngoại giao ở Paris sẽ không giành được thắng lợi. Như vậy, trận quyết chiến chiến lược “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là cuộc đọ sức thực sự giữa hai bên, không chỉ là vũ khí, trang bị hiện đại mà còn cả ý chí, quyết tâm và trí tuệ”, PGS.TS. Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự đánh giá.

Đập tan con ngáo ộp B52 chỉ trong một trận đánh

Trong 12 ngày đêm, từ ngày 18 - 29.12.1972, Mỹ huy động gần 200 máy bay B52 và gần 1.000 máy bay chiến thuật các loại đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, trút 10 vạn tấn bom đạn xuống các trường học, bệnh viện và khu dân cư. "Chưa bao giờ Hà Nội, miền Bắc phải chịu một thử thách lớn lao, quyết liệt như lúc này. Cũng chưa bao giờ Hà Nội viết lên những trang sử chói lọi trên không, và lòng dũng cảm như những ngày qua", Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã đọc lại những dòng nhật ký mình viết trong những giờ phút chiến tranh khắc nghiệt nhất trên bầu trời Hà Nội năm ấy.

Kể về những ngày chiến đấu với giặc Mỹ, Anh hùng Nguyễn Đức Soát - phi công trực tiếp tham gia chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cho biết: “Khi chứng kiến kẻ thù tàn phá quê hương, tàn sát dân mình, chúng tôi cảm thấy như có lỗi vì tại sao mình không chặn được. Nên nếu như phát hiện được B52, không bắn rơi được thì sẽ đâm thẳng vào luôn, để địch không thể gây thêm tang tóc".

Hiệp định Paris được ký kết sau chiến thắng
Hiệp định Paris được ký kết sau chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"
Nguồn: TL

Điều mà ông Soát và đồng đội nhớ nhất là áp lực làm sao có thể bắn rơi máy bay địch. "Không quân Mỹ hơn chúng ta 3 thứ: số lượng đông hơn, vũ khí hiện đại hơn, trình độ phi công bay nhiều giờ hơn. Chứ thực tế trong những năm chiến tranh, năng lực tác chiến và khả năng không chiến của phi công Việt Nam không thua kém phi công Mỹ".

Anh hùng Nguyễn Đức Soát cho biết thêm: "đặc điểm của không quân chúng tôi là tự thân mình lo, mình tự lái máy bay và mình tự quyết định tấn công như thế nào. Sau đó mình tự đánh và tự rút lui. Khi đã lên trời, trực tiếp tham gia chiến đấu, mình quan sát được tình hình thì tự nhiên mình rất tự tin và không lo lắng gì. Mình tin mình có thể trở về an toàn. Mình tin mình có thể chiến thắng”. 

Rõ ràng diễn biến Linebacker II từ nhiều năm nay đã được phân tích làm rõ. Chúng ta bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52 và 5 máy bay F111, bắt sống 43 giặc lái. Chiến thắng này giáng đòn quyết định vào cố gắng cuối cùng của Mỹ, tuy nhiên, theo Trung tướng Phạm Phú Thái, đòn đánh cuối cùng này có giá trị như toàn bộ Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, hay chỉ như trận đánh oanh liệt cuối cùng bắt sống tướng De Castries, từ đó mới đàm phán Hiệp định Genève về đình chiến, nhằm khôi phục hòa bình ở Đông Dương, chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp trên toàn cõi Đông Dương.

“Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được chuẩn bị và tiến hành như một mặt trận, không có sự can thiệp của hai nước lớn là Liên Xô và Trung Quốc như khi ta đàm phán Hiệp định Genève. Cuộc chiến ngoại giao này tiến hành trong 5 năm, từ 1968 cùng với những trận đánh và chiến dịch quân sự trên chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia. Để từ tháng 10.1972, nội dung cơ bản của Hiệp định Paris đã hình thành và chờ hai bên ký kết; đồng nghĩa phía Mỹ đã chấp nhận thất bại. Dù sau đó Mỹ có lật lọng, nhưng lại giúp cho quân đội và nhân dân Việt Nam khẳng định vị thế của mình, đánh thắng kẻ thù mạnh nhất thế giới trong một trận đánh lịch sử, đập tan con ngáo ộp B52, thực hiện đúng di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mỹ chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”, Trung tướng Phạm Phú Thái nhớ lại.

Đánh giá ý nghĩa về quân sự của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng phân tích: “Không quân chiến lược mà tổn thất tỷ lệ 10% đến 15% là rất cao. Thất bại hết sức nặng nề là như vậy đó”. Và chính Nixon sau này trong hồi ký của mình cũng thừa nhận: “điều lo ngại chính của tôi trong tuần lễ ném bom đầu tiên không phải là những đợt phản đối của trong nước và thế giới, mà chính là thiệt hại nặng nề của B52”.

Mục đích cuối cùng của Mỹ là sử dụng B52 đánh Hà Nội, Hải Phòng đã không khuất phục nổi nhân dân Việt Nam mà còn bị thất bại thảm hại. Thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã đè bẹp ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris ngày 27.1.1973.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà, việc ký kết Hiệp định Paris khẳng định thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như lời tiên tri của Bác Hồ từ năm 1945: đem sức ta mà giải phóng cho ta. Đó là tư tưởng nền tảng vững chắc của sự nghiệp cứu nước, trong đó chúng ta có quyền cao nhất là quyền tự quyết định công việc của Tổ quốc mình.   

Hương Sen