Nestlé MILO tiên phong “Nói không với ống hút nhựa”
Hướng đến một Việt Nam xanh và năng động, Nestlé MILO đi đầu hưởng ứng chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động. Đây là nỗ lực góp phần vào chiến lược giảm rác thải nhựa của Việt Nam song song với lộ trình phát triển bền vững của Tập đoàn Nestlé.

“Ô nhiễm trắng” là thách thức lớn
Mỗi ngày Việt Nam có khoảng 500 triệu ống hút nhựa thải ra môi trường. Hưởng ứng thông điệp từ Liên Hợp Quốc, cùng chung nỗ lực giảm thiểu chất thải nhựa, Việt Nam đã tham gia tích cực, đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực về giảm rác thải nhựa. Chính phủ cũng ban hành nhiều chương trình, kế hoạch như Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Chỉ thị số 33 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa...
Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó quy định rõ về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa như cam kết của Việt Nam với quốc tế, phấn đấu đưa nước ta thành một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa thải ra môi trường.
Năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa” với sự đồng hành của nhãn hàng Nestlé MILO nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa, khuyến khích người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn trách nhiệm hơn với môi trường. Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, chúng ta đang sống trong thế kỷ mà việc giải quyết những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Trong đó, vấn đề đang thách thức nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, là “ô nhiễm trắng” - rác thải nhựa. “Trên hành trình giữ môi trường xanh, chống rác thải nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận nỗ lực của các tổ chức, cá nhân có các sáng kiến thiết thực, góp phần làm thay đổi ý thức, thói quen của người dân và toàn xã hội. Đặc biệt, ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động và cam kết của Nestlé Việt Nam trong việc hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết.
Cần sự chung tay, nỗ lực từ các doanh nghiệp
Chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa” gồm 2 giai đoạn. Tháng 7 - 8.2021 sẽ kêu gọi sự chung tay từ các đơn vị, doanh nghiệp, ngành hàng sử dụng nhiều sản phẩm ống hút nhựa như đồ ăn nhanh, cà phê, rạp chiếu phim, chuỗi trà sữa…; từ đó lan tỏa thông điệp, truyền cảm hứng "nói không với ống hút nhựa" tới người dân và cộng đồng. Tháng 8 - 12.2021, triển khai các hoạt động hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, đồng thời đẩy mạnh chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa”, mở rộng đối tượng tuyên truyền đến trẻ em, học sinh, trường học.
Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, giải quyết vấn nạn rác thải nhựa là một ưu tiên quan trọng của Nestlé. Từ tháng 5.2021, Nestlé MILO chính thức chuyển đổi sang ống hút giấy trên toàn bộ các sản phẩm uống liền. Theo kế hoạch, nhãn hàng sẽ hoàn thành chuyển đổi ít nhất 90% sản lượng sản xuất dùng ống hút giấy vào cuối năm 2021 và hoàn thành chuyển đổi 100% sang ống hút giấy vào tháng 5.2022. Ước tính, tổng số ống hút giấy được dùng mỗi năm khi nối lại tương đương với 178.750km, gấp hơn 54 lần độ dài đường bờ biển Việt Nam (3.260km), giúp giảm đi gần 700 tấn rác thải nhựa mỗi năm.
“Với việc đưa ống hút giấy vào thay thế dần cho ống hút nhựa và hướng đến thay thế hoàn toàn ống hút nhựa vì một Việt Nam năng động và xanh, ở vị trí tiên phong, Nestlé hiểu được những thách thức ban đầu trong việc khuyến khích các thói quen tiêu dùng mới và trong việc truyền cảm hứng cho người tiêu dùng quan tâm hơn đến môi trường, đặc biệt là thế hệ trẻ. Mặc dù vậy, chúng tôi tin rằng đây vẫn là những bước đi cần thiết để góp phần thay đổi những hiện trạng đáng quan ngại về môi trường tại Việt Nam”, ông Binu Jacob chia sẻ.
Những nỗ lực này đóng vai trò quan trọng để hiện thực hóa cam kết của Tập đoàn Nestlé: đến năm 2025, 100% bao bì của Nestlé sẽ có thể tái chế hoặc tái sử dụng. Đây là cam kết đi cùng với tầm nhìn “không bao bì nào của Nestlé, kể cả bao bì nhựa, bị chôn lấp hoặc trở thành rác thải”.