Cồng kềnh do đâu?
Một số Bộ trưởng muốn thực hiện chủ trương tinh gọn, tinh giản đúng định hướng cũng khó bề xoay xở vì không xử lý nổi mối quan hệ nội bộ. Thực tế này đã được các đại biểu chỉ ra tại Hội thảo khoa học về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước - Khung chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện. Đây cũng là một trong những lực cản khiến cho cải cách hành chính không đạt mục tiêu.
Ngoài co, trong phình
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc |
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước là một trong sáu nội dung quan trọng của Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020. Theo thống kê của Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, QH đã ban hành 100 luật, bộ luật, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Thậm chí, trước thời điểm QH quyết định giám sát tối cao về lĩnh vực này, thì từ nhiệm kỳ Khóa XII, QH đã tạo dấu mốc quan trọng trong quá trình sắp xếp, điều chỉnh bộ máy Chính phủ, khi quyết định giảm 5 bộ, cơ quan ngang bộ và 18 đơn vị trực thuộc Chính phủ. Theo đó, cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ Khóa XII chỉ còn 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan trực thuộc, nên cơ cấu này tiếp tục được duy trì cho đến nay.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Nội vụ thẳng thắn nêu rõ, trong khi QH, Chính phủ thực hiện giảm bớt số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ trong cơ cấu Chính phủ thì tổ chức bên trong các bộ lại bị phình ra. Hiện nay, trừ Bộ Công thương, Bộ Nội vụ chủ động đề nghị tinh gọn bộ máy bên trong, thì các bộ ngành khác đều đề nghị tăng tổ chức bên trong, dẫn đến tăng biên chế. Tình trạng này cũng xảy ra tương ứng ở các địa phương, khi chỉ từ năm 2016 đến nay, đã có 13 Sở Du lịch được thành lập do các tỉnh, thành phố chủ động đề nghị. Và trên cơ sở sắp xếp một số đơn vị sự nghiệp thuộc cơ cấu các sở ngành của UBND tỉnh, thành phố, thì trong năm 2016 đã thành lập 50 trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trên cả nước. Nói cách khác, số lượng cơ quan hành chính không giảm đi như yêu cầu trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của QH, mà còn tăng lên, đại diện Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn, là do không chặt chẽ, nhận thức quan điểm không đúng đắn. Điều này dẫn đến hiện trạng số đơn vị vụ thuộc bộ có sự biến động, thay đổi khá nhiều, khá nhanh và đương nhiên dẫn đến tình trang phình bộ máy, tăng biên chế, dẫn đến thiếu ổn định về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Ông Lê Hồng Sơn cũng chỉ rõ, một số Bộ trưởng muốn thực hiện chủ trương tinh gọn, tinh giản đúng định hướng cũng khó bề xoay xở vì không xử lý nổi mối quan hệ nội bộ. Tâm lý chỉ muốn tăng chứ không muốn giảm đang khá phổ biến, nên những người thấy rõ sự bất hợp lý, muốn thực hiện đúng chủ trương tinh gọn, tinh giản thường dễ bị cô lập.
![]() Đoàn giám sát kiểm tra tại bộ phận một cửa phường Đại Mỗ |
Phải chấm dứt ngay những quy định “mềm, nước đôi”
Một nội dung quan trọng khác trong thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước là tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cũng được các đại biểu tham dự hội thảo nhận định còn nhiều hạn chế. Đại diện Bộ Nội vụ cho biết, tính đến ngày 21.2 vừa qua, riêng thực hiện Nghị định 108 của Chính phủ về tinh giản biên chế đã giải quyết được 22.376 người, trong đó, lĩnh vực giáo dục trên 9.000 người, lĩnh vực y tế khoảng 7.000 người và các đơn vị sự nghiệp khác là 2.460 người. Nhưng đến nay, nhiều bộ ngành, địa phương vẫn chưa phê chuẩn Đề án tinh giản biên chế đến năm 2021, và kế hoạch tinh giản biên chế trong từng năm. Một số bộ ngành, địa phương chưa đề nghị đúng quy trình, thủ tục để giải quyết tinh giản biên chế. Ví như, đối tượng công chức 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ đáng ra phải giải quyết theo Nghị định 46 của Chính phủ, thì lại được một số bộ ngành, địa phương đề nghị giải quyết theo Nghị định 108. Nguyên nhân chủ yếu là vì kinh phí thực hiện theo Nghị định 108 nhiều hơn.
Những hạn chế trong thực hiện chủ trương tinh giản biên chế được nhiều đại biểu chỉ ra là do các bộ ngành, địa phương chậm phổ biến, tuyên truyền, quán triệt việc thực hiện chủ trương. Các bộ ngành, địa phương cũng chưa quyết liệt, còn ngại va chạm, né tránh, nên nhìn chung đều chậm xây dựng đề án tinh giản biên chế cho giai đoạn 5 năm và kế hoạch tinh giản biên chế hàng năm. Đại diện Bộ Nội vụ cũng chỉ rõ, các cơ quan, đơn vị, tổ chức không xây dựng đồng bộ đề án, kế hoạch này nên không có phương án cụ thể ngay từ đầu, không xác định được những người trong diện phải tinh giản biên chế. Vì thế, việc tinh giản biên chế đang được thực hiện thụ động, chủ yếu là những cá nhân sắp đến tuổi nghỉ hưu tự giác xin không làm việc (chiếm 85% số lượng biên chế được tinh giản hiện nay).
Vậy nguyên nhân nào khiến chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã được triển khai thực hiện trong một thời gian dài, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu? Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho rằng, vẫn có khoảng cách dài từ chủ trương của Đảng đến hành động cụ thể của các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Thậm chí, quá trình thực hiện các nghị quyết của Đảng, nghị quyết và luật của QH, cũng như nghị định của Chính phủ đều chưa thực sự quyết liệt, vẫn có tâm lý muốn xin thêm biên chế để có thêm kinh phí hoạt động.
Để khắc phục những tồn tại này, trước hết, phải xem xét trước hết vào “lõi” của vấn đề, nói cách khác, phải rà soát, đánh giá lại các quy định pháp luật, các đại biểu dự Hội thảo nhấn mạnh. Vì thế, Đoàn giám sát tối cao của QH cần chú ý rà soát, đánh giá các quy phạm pháp luật liên quan, từ đó, đưa ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật hiện hành. Cần chấm dứt ngay hiệu lực thực hiện của những quy định có tính chất “mềm”, “nước đôi” đối với việc xác định tiêu chuẩn, tiêu chí thành lập cơ quan, đơn vị, tổ chức.