Chuyện về con đường lâm nghiệp

Minh Ngọc 08/12/2016 08:05

Kinh tế rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ, xóa đói giảm nghèo của địa phương, giải quyết việc làm cho lao động. Thời gian gần đây, nhiều tuyến đường lâm nghiệp đã được mở tại huyện Vị Xuyên - Hà Giang, giúp cho việc trồng rừng, khai thác và vận chuyển gỗ rừng trồng được thuận lợi.

Chung sức mở đường

Cách đây hơn 10 năm vào rừng trong xã Bạch Ngọc - Vị Xuyên phải vượt qua những con đường cấp phối hoặc đường đất. Phương tiện đi lại lúc đó chủ yếu là xe đạp và đi bộ nên vấn đề thông thương, đi ra khỏi huyện rất vất vả. Nhưng hiện nay đường vào xã Bạch Ngọc đã đổi thay đến ngỡ ngàng khi những con đường lớn đã được mở, tạo “đòn bẩy” sự phát triển đi lên của toàn huyện.

Lợi ích kinh tế từ trồng rừng mang lại không hề nhỏ. Chính vì vậy những năm gần đây, phong trào trồng rừng sản xuất ở huyện Vị Xuyên phát triển rất mạnh mẽ. Nhưng không có gì là thuận lợi và dễ dàng, khi mà những con đường đi vào rừng sản xuất còn khó khăn, khiến cho chi phí vận chuyển và khai thác rất tốn kém. Nhớ lại thời gian đã qua anh Hoàng Đức Hải - Giám đốc HTX Ngàn Hoa chi sẻ: Khi đó mình cũng như nhiều hộ nông dân khác trồng  keo và thảo quả đến tuổi thu hoạch gọi thương lái tới thì tính ra chi phí vận chuyển cao quá lên không có lãi lên mong ước thoát nghèo của nông dân vẫn xa vời.

Nhận thấy khó khăn đó, thời gian qua huyện Vị Xuyên đã khuyến khích các địa phương, các hộ dân hiến đất, đầu tư mở rộng các tuyến đường lâm nghiệp, với mục đích tạo thuận lợi cho quá trình trồng và khai thác. Bạch Ngọc và Ngọc Minh là 2 xã đi đầu trong việc phát triển trồng rừng và mở các tuyến đường lâm nghiệp ở Vị Xuyên. Với sự tuyên truyền vận động của chính quyền xã, người dân đã chung sức mở nhiều tuyến đường vào khu sản xuất. Chủ tịch UBND xã Bạch Ngọc Nguyễn Công Vinh cho biết: Phong trào trồng rừng của xã phát triển mạnh, nhất là từ khi có các dự án trồng rừng tập trung. Riêng năm 2016, xã Bạch Ngọc là xã được giao chỉ tiêu trồng rừng mới nhiều nhất với tổng diện tích 158,5ha, đến nay, xã đã hoàn thành 100% diện tích kế hoạch giao. Tuy nhiên, một số nơi trồng rừng đường đi lại rất khó, nên việc vận chuyển cây giống, phân bón để trồng rừng của bà con vô cùng vất vả. Để thuận lợi trong việc sản xuất, cần mở nhiều tuyến đường lâm sinh để phục vụ người dân.

Do không có đường lâm nghiệp nên nhiều chủ rừng phải thuê nhân công trồng, khai thác, vận chuyển gỗ với giá cao gần bằng nửa giá bán sản phẩm. Trong thời gian chờ các cơ quan chức năng phê duyệt, cấp kinh phí xây dựng vẫn có hàng nghìn hecta rừng trồng được khai thác mỗi năm. Chậm có đường ngày nào, không chỉ người trồng rừng thiệt thòi ngày ấy mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chi phí khai thác, vận chuyển lớn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và tái đầu tư trồng rừng của người dân. Anh Hải - Giám đốc HTX Ngàn Hoa chia sẻ: HTX Ngàn Hoa trồng rừng sản xuất và quản lý 2.000ha rừng phòng hộ trên 2 địa bàn xã Bạch Ngọc và xã Ngọc Minh từ năm 2011 đến nay HTX đã  chủ động tự đầu tư mở được tuyến đường vào rừng dài 6km rộng 4 - 5m, khánh thành được 7m hào và hiện đang cho máy ủi san lấp hoàn thành tuyến đường dài 10km vào rừng sâu Ngọc Minh khi hoàn thành 2 tuyến đường đã giúp việc thu mua gỗ cũng như trồng rừng sản xuất thuận lợi hơn rất nhiều đem lại hiệu quả kinh tế cao

Người dân hưởng lợi

Trên địa bàn huyện Vị Xuyên, nhiều tuyến đường lâm nghiệp đã được người dân và doanh nghiệp chủ động góp công sức mở đường. Tuy chưa có thống kê cụ thể về tổng số tuyến đường, nhưng có thể nhận thấy người dân và doanh nghiệp cùng hưởng lợi từ việc mở đường lâm nghiệp. Người dân thuận lợi trong việc trồng trọt, đi lại dễ dàng, sản phẩm có giá thành cao, còn doanh nghiệp thuận lợi trong việc thu mua gỗ rừng trồng, tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển... Điều này cho thấy bà con đã ý thức được lợi ích từ trồng rừng, và có sự đầu tư đúng đắn từ khâu sản xuất, cho đến quá trình  khai thác, vận chuyển. Anh Hoàng Văn Huấn, trú tại thôn Phai, xã Bạch Ngọc cho biết, mở đường vào rừng tạo nhiều thuận lợi cho dân, trước đây chỉ có xe máy vào được, bây giờ thì ô tô vào tận nơi khai thác. bà con đỡ vất vả hơn nhiều.

Chị Nguyễn Thị Hường, một người dân xa Ngọc Minh cho biết: Gia đình tôi có hơn 200ha đất rừng đã trồng keo, bạch đàn từ hàng chục năm nay nhưng chưa có điều kiện khai thác. Khi Nhà nước cho mở gần 4 km đường rừng đi qua, tôi đã thuê hơn 30 nhân công khai thác gần 10ha, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng. Không chỉ thuận lợi trong khâu khai thác, nhiều hộ trong thôn sử dụng xe máy, ô tô chở cây giống, phân bón lên trồng và chăm sóc rừng.

Việc mở đường lâm nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế rừng ở từng địa phương. Chính quyền các xã luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tích cực hiến đất làm đường vào các khu sản xuất. Từ đó giảm chi phí đầu tư sản xuất, tăng giá trị kinh tế của rừng trồng, góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Bên cạnh đó, việc mở đường lâm nghiệp cũng góp phần khuyến khích phong trào trồng rừng của người dân ngày một phát triển.

Minh Ngọc