Trường Sa 1975 qua hồi ức lính đặc công

Phượng Hoàng 02/09/2016 08:05

Cuối tháng 3.1975, khi các cánh quân của ta đang thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo lực lượng hải quân tổ chức một mũi tấn công ra quần đảo Trường Sa. Kế hoạch bất ngờ nên việc thay đổi chiến thuật trong quá trình giải phóng Trường Sa cũng đầy kịch tính. Ông Vũ Xuân Hương (Tiền Hải, Thái Bình) - người trực tiếp tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa kể lại những ngày lịch sử hào hùng này.

Hồi hộp chờ ngày đánh đảo

Ngày 26.3.1975, đơn vị ông Vũ Xuân Hương nhận lệnh và xuất phát từ Quảng Ninh, đêm 29.3 tới Quảng Bình, ngày 1.4 thì đến huyện Nam Ô (thuộc tỉnh Quảng Đà cũ). Từ đây, các chiến sĩ được giao cho Quân khu 5 quản lý và 3 con tàu không số tiến về phía quần đảo Trường Sa. Tham gia chiến dịch có 4 phân đội do Thượng tá Mai Năng, Trưởng Đoàn 126 - Quân khu 5 làm chỉ huy.

Những ngày lênh đênh trên biển ấy có lẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí người lính đặc công như ông Hương. Giả trang thành ngư dân Thái Lan, ông và đồng đội cởi trần, đội nón đi lại trên boong thu gom, thả lưới. Nhưng cũng chỉ có vài người được đứng trên như thế, số còn lại phải nằm im dưới hầm hàng, phủ lưới lên. Họ gần như nằm trong tư thế đó suốt cả ngày, đến đêm mới dám đi lại bình thường. Ba con tàu không số chạy cách xa nhau, thận trọng tiến gần mục tiêu vì chỉ chệch một chút là lạc sang hải phận nước khác.

Lúc nhận nhiệm vụ có 4 phân đội nhưng trên thực tế lại có 5 đảo cần giải phóng. Chỉ huy chiến dịch đã nhanh chóng thành lập một phân đội mới bằng cách “bứt” từ mỗi phân đội cũ ra một số chiến sĩ. Phân đội mới gồm 18 người, trong đó có ông Hương, được giao nhiệm vụ giải phóng Trường Sa Lớn.

Giải phóng đảo là nhiệm vụ khó khăn với các chiến sĩ đặc công lúc ấy. Khu vực quần đảo Trường Sa vô cùng rộng lớn, thiết bị định vị, định hướng rất thô sơ nên phát hiện ra đảo đã khó nhưng tấn công lên đảo còn khó hơn. Họ phải dùng bản đồ chuyên dụng - mỏng như giấy poluya và hoàn toàn trắng trơn, chỉ khi được đặt lên một tờ báo bản đồ mới hiện ra. Khi gần đến đảo, các tàu phải vờ chạy vòng quanh, sau đó thả xuồng cao su lặng lẽ tiến vào. Đến một cự ly nhất định, họ tháo hơi xuồng dìm xuồng xuống đáy biển rồi ôm vũ khí bơi vào đảo. Chỉ huy chiến dịch sẽ ra hiệu lệnh tấn công từ xa bằng pháo sáng.

Lệnh tấn công lên đảo Song Tử Tây được phát ra đầu tiên. Bị phát hiện khi tiến vào nên phân đội phát tín hiệu xin đánh sớm hơn dự kiến. Binh sĩ Việt Nam Cộng hòa nổ súng chống trả ác liệt vì vẫn tin Mỹ sẽ quay lại hỗ trợ. Tại đây, 6 lính Việt Nam Cộng hòa bị tiêu diệt, 33 người khác bị bắt sống, 3 chiến sĩ đặc công hy sinh. Sau khi giải phóng Song Tử Tây, các chiến sĩ được lệnh rút về Đà Nẵng, sau đó mới quay lại tấn công tiếp lên các đảo còn lại. Trường Sa Lớn là mục tiêu cuối cùng trong chiến dịch này.

Ông Vũ Văn Hương
Ông Vũ Văn Hương

Những đêm không thể quên

Ông Hương kể: “Ngày 28.4, chúng tôi lên đảo Trường Sa Lớn. Lúc ấy là buổi chiều, cảnh vật rất tan hoang, binh sĩ phía bên kia đã rút hết. Trước khi rút, họ đốt hết không còn gì cả. Thùng chứa nước cũng bị bắn thủng hết. Đảo trơ trọi không có cây cối. Tôi chỉ ấn tượng là ở đây nhiều chim vô kể. Lúc ấy, tôi đã nghĩ, chắc không có nơi nào trên trái đất lại nhiều chim như thế. Chúng sà xuống đảo rất tự nhiên. Cá và cua quanh đảo cũng rất nhiều. Chúng tôi phát hiện một giếng nước lợ, đây là điều đặc biệt nhất vì ở đây không đảo nào có nước. Những hình ảnh ấy tôi nhớ suốt đời”.

Sau khi kiểm tra quanh đảo, các chiến sĩ dùng dây cháy chậm treo cờ Mặt trận giải phóng trên đảo, sau đó chỉ huy phân đội cắt cử 18 người chia làm 3 ca canh gác. Đêm đầu tiên trên đảo là khoảng thời gian không thể quên trong cuộc đời lính của ông Hương. Nửa đêm, cả phân đội nghe tiếng động từ phía bờ biển, giống tiếng người bò trên cát, cứ được một đoạn lại dừng lại. Bằng nhạy cảm “nghề nghiệp”, các chiến sĩ linh cảm đến một cuộc tấn công trở lại của lực lượng biệt kích, toàn phân đội được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Khi họ hồi hộp chuẩn bị cho cuộc tấn công giáp lá cà, thì phát hiện “địch” là… một con rùa biển đang bò lên bờ để đẻ trứng.
Sau khi tiếp quản đảo được hai ngày rưỡi, có tàu của nước khác ập đến, thấy đảo đã có người và treo cờ mặt trận giải phóng thì bỏ đi. Ông Hương nói: “Sau này mới hiểu, nếu mình không chiếm được đảo thì nước khác sẽ vào chiếm. Đảo Trường Sa lúc ấy thuộc tỉnh Bình Tuy”.

Phân đội của ông Hương ở 6 ngày trên đảo. Đến ngày 3.5, tàu lớn của hải quân chở hàng trăm người đổ bộ lên đảo. Phân đội đặc công của ông Hương được lệnh rút quân qua đảo Nam Yết rồi về Sài Gòn.

Sau khi ăn mừng chiến thắng, ông Hương phục vụ quân đội một thời gian rồi ra quân. Ông đi kinh tế mới, về Tiền Hải (Thái Bình) công tác, trở thành Chủ tịch thị trấn và về hưu cách đây đã 16 năm. Nói về những ngày tháng đầy gian khổ nhưng vinh quang khi làm nhiệm vụ giải phóng Trường Sa ngày ấy, ông Hương cho biết, do quá “thần tốc” nên những người cùng tham gia phân đội đặc công đó không giữ được liên lạc lại với nhau. Ông Hương chỉ ước mong, một ngày tất cả các chiến sĩ từng tham gia chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa năm xưa có điều kiện hội ngộ.

Phượng Hoàng