Tránh tình trạng độc quyền, chèn ép…
(ĐBNDO)- Khi thực hiện xã hội hóa đầu tư hay cho thuê khai thác cảng và dịch vụ hàng không, Phó cục trưởng (PCT) Cục Hàng không VÕ HUY CƯỜNG cho rằng, vấn đề ở đây là vừa phải thu hút được nguồn vốn xã hội nhằm giảm tải ngân sách nhà nước nhưng cũng phải bảo đảm được tính cạnh tranh, không để cho một hãng hàng không tham gia thuê khai thác một nhà ga nào đó giữ vai trò độc quyền mà chèn ép các hãng khác…
Xã hội hóa đã đi vào từng lĩnh vực cụ thể
- Để thu hút vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng cảng hàng không sân bay, công tác xã hội hóa cho vấn đề này đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
PCT Võ Huy Cường: Bộ Giao thông, vận tải đã phê duyệt đề án về xã hội hóa đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng Giao thông vận tải nói chung và cảng hàng không sân bay nói riêng. Hiện nay, đề án đã được nâng cấp chờ Thủ tướng phê duyệt. Thực tế đã có một số dự án đang bắt đầu triển khai như Cảng hàng không Quảng Ninh. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đứng ra đại diện cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xây dựng cảng hàng không, mời gọi đầu tư theo hình thức BOT.
Nếu như trước đây chúng ta đầu tư chủ yếu là tiền ngân sách nhà nước hoặc vốn của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hay vốn ODA thì nay ngày càng nhiều công trình hàng không đang được đầu tư bằng nguồn vốn huy động từ khu vực tư nhân, với nhiều nhà đầu tư cùng tham gia, góp phần phục vụ nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không. Trong đó, phải nói đến cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được ACV đứng ra đầu tư và đưa vào khai thác tháng 12.2012, đây là dự án lớn nhất có tổng mức đầu tư khoảng 4 nghìn tỷ đồng sử dụng 100% Quỹ đầu tư phát triển của ACV. Trong năm 2015, nhiều dự án lớn được triển khai bằng nguồn vốn huy động từ khu vực tư nhân theo hình thức góp vốn cổ phần hoặc hợp đồng BOT: xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế thuộc Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng có công suất thiết kế 4 triệu hành khách/năm, dự kiến hoàn thành quý I.2017; Xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm, dự kiến hoàn thành quý I.2018... Trong thời gian tới nhiều dự án trọng điểm của ngành hàng không tiếp tục được thực hiện với các nguồn vốn xã hội như xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, xây dựng Nhà để xe ga quốc nội Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất...
Khi chúng ta có chủ trương xã hội hóa đầu tư thì rất nhiều công trình phục vụ trong vận chuyển hàng không do các nhà đầu tư tư nhân tham gia xây dựng và quản lý khai thác như ga hàng hóa Nội Bài do Công ty Cổ phần Logistics Hàng không ALS đầu tư, nhà kho hàng hóa tại Tân Sơn Nhất do Tổng công ty Hàng không Việt Nam Vietnam Airlines liên doanh với Công ty Phục vụ mặt đất của Singapore đầu tư; hệ thống nhà xưởng, kho bãi, dây chuyền công nghệ, trang thiết bị, phương tiện sản xuất bảo đảm cung ứng dịch vụ hàng không do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không thực hiện đầu tư.
![]() Cảng hàng không Quảng Ninh (nguồn: ITN) |
- Thưa ông, việc xã hội hóa xây dựng hạ tầng được xem là “phần cứng", còn các dịch vụ tại sân bay là "phần mềm" đã và đang được triển khai như thế nào?
PCT Võ Huy Cường: Trong lĩnh vực đầu tư các dịch vụ tại sân bay, hiện nay ở sân bay Tân Sơn Nhất đang được Công ty Sao Việt thực hiện sửa chữa bảo dưỡng cho một số tàu bay của Vietjet Air. Bên cạnh đó, việc phục vụ các suất ăn hàng không cũng được thực hiện từ các công ty cổ phần như Công ty cổ phần suất ăn hàng không Nội Bài. Cơ sở chế biến suất ăn hàng không Tân Sơn Nhất do Vietnam Airlines liên doanh với Công ty suất ăn Cathay Pacific Hồng Kông đầu tư. Nếu trước đây việc cung cấp nhiên liệu xăng dầu thuộc Vietnam Airlines thì thời gian gần đây có thêm nhà cung cấp dịch vụ là Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex, Công ty cổ phần thương mại xăng dầu Tân Sơn Nhất.
Nhìn chung, trong ngành hàng không từ cơ sở hạ tầng cho đến các dịch vụ thiết yếu phục vụ hoạt động vận chuyển hàng không đều từ nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế tăng rất nhiều. Còn ngân sách nhà nước chỉ tập trung đầu tư vào hệ thống bảo đảm hoạt động bay và dịch vụ không lưu dẫn đường thì thuộc quản lý nhà nước. Các dự án khác có điều kiện thì ta cũng kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.
- Còn việc thu hút “dòng vốn” để thực hiện công tác duy tu, bảo trì cho kết cấu hạ tầng cảng hàng không sân bay thưa ông?
PCT Võ Huy Cường: Khi chúng ta ở trong giai đoạn phát triển thì nhu cầu đầu tư về kết cấu hạ tầng là rất lớn. Bên cạnh việc đầu tư phát triển thì còn có phần bảo trì, nâng cấp cũng đòi hỏi phần vốn rất lớn mà ngân sách nhà nước không thể đảm đương. Trong bối cảnh như thế, chúng ta kêu gọi xã hội hóa đầu tư để duy trì kịp thời và nâng cấp một phần nào kết cấu hạ tầng hiện có và thực hiện chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng khác theo quy hoạch. Thứ nhất để đáp ứng được yêu cầu gia tăng về hoạt động vận chuyển hàng không, thứ hai là nâng cao được chất lượng dịch vụ, thứ ba là phát huy được hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng đã đầu tư từ trước cho đến nay và trong tương lai. Ngoài ra, khi cổ phần hóa nhà nước sẽ có những khoản thu nhất định bổ sung vào ngân sách để có thể thực hiện trong các đầu tư khác về kết cấu hạ tầng.
Kết cấu hạ tầng cho thuê phải bảo đảm yêu cầu vận chuyển
- Vậy những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết để việc xã hội hóa đầu tư hay cho thuê khai thác được tiến hành tốt đẹp thưa ông?
PCT Võ Huy Cường: Vấn đề này chúng ta đang trong quá trình nghiên cứu để triển khai. Hiện nay, các hãng hàng không và các nhà đầu tư đang rất muốn được thuê khai thác Nhà ga T1 ở sân bay Nội Bài và cảng hàng không Phú Quốc. Cả hai dự án này đang trong giai đoạn nghiên cứu xây dựng phương án thực hiện. Vấn đề đặt ra ở đây là cho tư nhân thuê, như vậy việc quản lý giám sát để bảo đảm an ninh an toàn thì thực hiện như thế nào, quy định ở trong hợp đồng ra sao và ai sẽ là người đảm đương công tác bảo đảm an ninh hàng không. Đặc biệt là bảo đảm cơ chế quản lý của Nhà nước, cơ chế khai thác và bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và an ninh, an toàn hàng không sẽ được thực hiện như thế nào. Cùng với đó khi đã cho thuê thì bên được thuê sẽ có toàn quyền khai thác, theo đó vấn đề duy trì chất lượng dịch vụ, sự tham gia của các doanh nghiệp khác trên mặt bằng nhà ga đấy sẽ ra sao?
Trước đây, ta có cơ chế là theo quy hoạch, trong đó là giao cho ACV đứng ra khai thác thì các hợp đồng được ký trên cơ sở đấu thầu. Nhưng bây giờ một nhà thầu thuê toàn bộ nhà ga thì liệu nhà cung cấp dịch vụ hiện nay ở trong đó có được tiếp tục hay không, lực lượng lao động của đơn vị đang khai thác nhà ga đó là ACV thì khi chuyển đổi cho nhà đầu tư khác thuê sẽ xử lý bộ phận lao động đó như thế nào để không bị gián đoạn về mặt thời gian…
- Theo kinh nghiệm ở các nước phát triển, vấn đề này chúng ta nên học hỏi, kế thừa thưa ông?
PCT Võ Huy Cường: Theo tôi được biết, đối với các dự án đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa vào kết cấu hạ tầng cảng hàng không sân bay rất thành công tại các nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazin, Chi lê, Pakistan, Columbia. Theo đó, hình thức hợp đồng BOT ở đây chủ yếu được áp dụng vào các dự án nhà ga, bến đỗ ô tô, các công trình cung cấp dịch vụ công cộng... Đối với các công trình đã đầu tư như các cảng hàng không lớn, quan trọng thì một số nước Canada, Thái Lan, Campuchia, Myanma lại áp dụng nhượng quyền khai thác. Còn tại các nước phát triển như Mỹ, Tây Âu, Anh thì hình thức tư nhân hóa cảng hàng không sân bay được ưa thích hơn.
Tuy nhiên, ở một số nước trên thế giới có quy định không cho phép các hãng hàng không tham gia vào một doanh nghiệp thuê nhà ga. Trong khi một số nước lại cho phép các hãng hàng không tham gia nhưng với vốn tỷ lệ nhất định, nhằm bảo đảm được minh bạch, có tính cạnh tranh, chứ không để cho một hãng hàng không tham gia thuê khai thác một nhà ga nào đó giữ vai trò độc quyền mà chèn ép các hãng khác… Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là cần xây dựng một hợp đồng chi tiết có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan để có thể bảo đảm các kết cấu hạ tầng của chúng ta cho thuê đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa.
- Xin cám ơn ông!