Bổ sung quy định chế tài cụ thể trong hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Văn Đặng 21/04/2015 08:22

Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần quy định cụ thể những hình thức chế tài cần thiết đối với các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát của cơ quan dân cử.

So với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 và Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (gọi tắt là dự án Luật) đã bổ sung rất nhiều quy định mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của QH, HĐND; bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát. Trong đó, khẳng định rõ: giám sát của QH, HĐND là hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước; cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc yêu cầu, kết luận, kiến nghị về giám sát.

Dự án Luật cũng quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc nghiêm chỉnh chấp hành quyết định của QH, UBTVQH, HĐND; thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giám sát; báo cáo trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu giám sát; giải quyết, trả lời yêu cầu, kiến nghị của các chủ thể thực hiện giám sát; đồng thời quy định biện pháp xử lý trong trường hợp cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát có hành vi cản trở hoặc không thực hiện những yêu cầu, quyết định giám sát (Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát). Dự án Luật có một chương riêng với những quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Tuy nhiên, các quy định còn chung chung, chưa có hình thức chế tài cụ thể. Khoản 3, Điều 88 dự án Luật quy định “... trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong kết luận, kiến nghị, nghị quyết giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý”. Thực tế cho thấy, sau khi đoàn giám sát của QH, HĐND có ý kiến, kiến nghị chính thức bằng văn bản sau giám sát, không ít cơ quan, tổ chức rất chậm thực hiện, thực hiện không đúng, thậm chí cố tình không thực hiện. Trong trường hợp này, nếu áp dụng theo quy định trên đây thì xử lý như thế nào, kiến nghị tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm xử lý, quan trọng hơn là xử lý bằng hình thức gì nếu không có hình thức chế tài cụ thể?

Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của QH và HĐND, rất cần bổ sung điều luật quy định các hình thức chế tài cụ thể để xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nhưng không giải quyết hoặc chậm giải quyết các kết luận, kiến nghị, nghị quyết giám sát. Chế tài phải là những hình thức kỷ luật cụ thể để xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Chẳng hạn, ở mức độ nhẹ có thể xem xét không công nhận các danh hiệu đăng ký thi đua khen thưởng, khiển trách, cảnh cáo; mức độ nặng hơn có thể sẽ bị yêu cầu tạm đình chỉ công tác, xem xét cho thôi chức vụ nếu cố tình không thực hiện những kết luận, kiến nghị, nghị quyết giám sát của QH và HĐND.

Văn Đặng