AEC 2015 và những câu hỏi đặt ra với các doanh nghiệp Việt Nam

Văn Thăng 24/03/2015 15:59

Tham gia Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC), các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải trả lời câu hỏi lớn là doanh nghiệp có giữ, chiếm lĩnh, mở rộng và phát triển thị trường được không hay bị thu hẹp, thậm chí mất thị trường? Thách thức thực tế đang hiện hữu là năng lực cạnh tranh về các sản phẩm hàng hóa dịch vụ của Việt Nam còn có khoảng cánh khá xa so với một số nước như Malaysia, Indonesia, Singgapore hay Thái Lan, nhất là đối với các ngành công nghiệp ô tô, các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ tài chính ngân hàng và logistic...

Cơ hội dành cho tất cả thành viên
 
Sau 48 năm thành lập, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN đã thể hiện là một tổ chức liên kết khu vực thành công, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong khu vực và quốc tế. ĐBQH, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, quyết tâm xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)  gồm 3 trụ cột chính là cộng đồng chính trị - an ninh, cộng đồng văn hóa - xã hội và cộng đồng kinh tế đã thể hiện bước tiến mới trong quá trình hợp tác của các nước ASEAN. Trong đó, các nước ASEAN đề ra mục tiêu thành lập cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) vào năm 2015. Trọng tâm của AEC là phát triển kinh tế khu vực dựa trên sự kết nối sức mạnh của thị trường 600 triệu người tiêu dùng của các quốc gia thành viên ASEAN với tổng sản phẩm nội khối (GDP) hơn 2.000 tỷ USD. Với việc thực hiện AEC, ASEAN mong muốn xây dựng một cấu trúc liên kết  kinh tế ở mức cao dựa trên sự hội tụ mạnh mẽ chính sách, luật lệ và quy định liên quan đến thương mại và đầu tư. Cụ thể, AEC sẽ hướng tới việc xây dựng ASEAN thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất. ASEAN sẽ là một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao, phát triển cân bằng, hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu bao gồm 5 yếu tố cơ bản là tự do lưu chuyển hàng hóa, tự do lưu chuyển dịch vụ, tự do lưu chuyển đầu tư, tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có kỹ năng.
 
Theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc, cơ hội và thách thức sẽ dành cho tất cả các thành viên trong khối và nước nào tận dụng, phát huy được lợi thế sẽ biến cơ hội thành lợi ích, hòa nhập mạnh mẽ với toàn khối và thế giới. Ngược lại, cơ hội sẽ bị bỏ lỡ, thách thức sẽ trở thành những gánh nặng khó khăn cho các quốc gia không thể hoặc không tận dụng được lợi thế khi tham gia AEC.
 
Năng lực cạnh tranh và hội nhập của doanh nghiệp Việt
 
Phân tích sự chênh lệch và khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, điểm hạn chế nhất là năng lực cạnh tranh và hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu. Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, không phát huy được vai trò đầu tàu cho hệ thống doanh nghiệp cả nước. Khu vực kinh tế tư nhân còn bị phân biệt đối xử, chưa đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp các nước trong khu vực. Cơ hội là doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia khu vực thị trường rộng lớn hơn nhưng nếu không khai thác được thì không chỉ mất cơ hội chiếm lĩnh thị trường mà còn khó giữ được thị trường nội địa.
 
Việt Nam được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng và với cam kết mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ thì rõ ràng sức ép về cạnh tranh và mở rộng thị trường cũng lớn và gay gắt hơn so với các nền kinh tế phát triển hơn. Các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải trả lời câu hỏi lớn là doanh nghiệp có giữ, chiếm lĩnh, mở rộng và phát triển thị trường được không hay bị thu hẹp, thậm chí mất thị trường? Thách thức  thực tế đang hiện hữu là năng lực cạnh tranh về các sản phẩm hàng hóa dịch vụ của Việt Nam còn có khoảng cánh khá xa so với một số nước như Malaysia, Indonesia, Singgapore hay Thái Lan, nhất là đối với các ngành công nghiệp ô tô, các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ tài chính ngân hàng và logistic.... Thách thức này chủ yếu là do quy mô và năng lực của phần lớn các doanh nghiệp của Việt Nam còn rất khiêm tốn nếu không nói là quá nhỏ so với các doanh nghiệp của các quốc gia thành viên ASEAN trên đây.
 
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nêu thực tế: Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp mang tầm cỡ quốc tế, năng lực hội nhập và mở rộng thị trường nước ngoài còn yếu, thụ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, còn nhiều gánh nặng do hạn chế về thể chế thị trường và quản lý nhà nước làm cho doanh nghiệp chưa chủ động hội nhập sẽ bất lợi khi hội nhập AEC. Bên cạnh đó các doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề di chuyển lao động có kỹ năng và tay nghề cao cũng đặt ra một thách thức rất lớn đối với nguồn nhân lực và hệ thống đào tạo ngành nghề của Việt Nam.
 
Đến hết năm 2014 Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10.000 dòng thuế xuống mức 0 - 5% theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế, được nhìn nhận là một trong bốn thành viên ASEAN có tỷ lệ hoàn thành tốt nhất các cam kết trong lộ trình tổng thể thực hiện AEC. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách lớn về trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam so với các nước trong khu vực.
 
Cần có chiến lược phát triển hệ thống doanh nghiệp
 
Nếu không có chiến lược phát triển hệ thống doanh nghiệp (cả từ 2 phía Chính phủ và doanh nghiệp); chiến lược giữ vững thị trường trong nước và phát triển, mở rộng thị trường nước ngoài; chiến lược tham gia, phát triển chuỗi cung ứng của thế giới và khu vực thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ dừng ở vị thế gia công ở các công đoạn thấp cho các doanh nghiệp nước ngoài, phụ thuộc bởi các biến động của kinh tế thế giới.
 
Chiến lược chung được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đưa ra: Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh cao như sản phẩm điện tử, phụ tùng, thiết bị máy móc, sản xuất sắt thép, gạo, cao su và một số nông sản khác thông qua việc tăng năng lực sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ và các vùng nguyên liệu.
 
Về phía các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp theo hướng tiên tiến,chuyên nghiệp. Mỗi doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt thông tin về lộ trình hội nhập AEC để có các bước chuẩn bị tiếp cận thị trường xuất khẩu trước các quy định cạnh tranh phi giá, rào cản kỹ thuật; tập trung phát triển chiến lược cạnh tranh hàng hóa và dịch vụ dựa trên tri thức, giá trị cạnh tranh cao.
 
Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần kiên quyết từ bỏ lối làm ăn chụp giật, ngắn hạn, dựa vào các mối quan hệ và năng lực không xuất phát từ chính năng lực của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp vẫn phải luôn cẩn trọng với hoạt động cốt lõi của mình và đặc biệt với các quyết định đầu tư. Cuối cùng là doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ trong các tổ chức hiệp hội, ngành nghề, địa phương để tập hợp tiếng nói, qua đó có các khuyến nghị kịp thời các chính sách tới Chính phủ, các cơ quan quản lý để bảo vệ quyền lợi bản thân và phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Văn Thăng