Hội thảo vai trò của doanh nghiệp trong Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật

Hà An 13/08/2014 11:35

Ngày 13/8, tại Hà Nội, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Quỹ hỗ trợ sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình tổ chức Hội thảo vai trò của doanh nghiệp trong Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật.

Dự thảo Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật có 16 chương, 158 điều, quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật này không quy định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, không quy định việc ban hành văn bản có chứa quy phạm, nhưng chỉ áp dụng trong nội bộ cơ quan, đơn vị. 

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, có ý kiến cho rằng, hiện nay các văn bản luật có tính chất khung vì có nhiều điều khoản dừng lại ở những quy định mang tính nguyên tắc hoặc chung nhất chưa thể áp dụng ngay vào cuộc sống, vì vậy cần phải có các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý thấp hơn quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật. Hậu quả của tình trạng luật khung dễ  tạo ra một hệ thống pháp luật thiếu minh bạch, văn bản không phù hợp với thực tế, thiên về luận lợi cho cơ quan quản lỷ, chưa thực sự tôn trọng đầy đủ và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức…

Để khắc phục tình trạng nói trên, có ý kiến cho rằng, QH phải thực hiện tất cả các khâu của quy trình xây dựng luật, hạn chế việc ủy quyền cho bộ máy hành pháp làm luật. Cần phải bảo đảm đến mức cao nhất tính minh bạch của văn bản luật, ngăn chặn triệt để tình trạng đưa lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm và văn bản luật. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật, cần phải hạn chế đến mức thấp nhất các văn bản dưới luật, quy định chi tiết thi hành luật. Trong quá trình xây dựng luật, cần phải đưa doanh nghiệp vào đối tượng để lấy ý kiến tham vấn, đóng góp. Có như vậy thì luật được ban hành sẽ đi vào cuộc sống đặc biệt là những nội dung luật liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp.

Về quy định, cơ quan, người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, quyết định của Chủ tịch Nước hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, luật, pháp lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có ý kiến cho rằng cần làm rõ cụm từ “phải chịu trách nhiệm” là như thế nào, vì từ trước đến nay tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết xảy ra không ít  nhưng chưa có ai bị chịu trách nhiệm.

Hà An